Thị trường

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào EU

Kể từ ngày 1/1/2014, chính sách ưu đãi thuế quan (GSP) mới của Liên minh châu Âu (EU) sẽ được áp dụng với những thay đổi so với hiện nay. Theo đó, tất cả sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào EU đều được hưởng GSP tiêu chuẩn.

(Thanh Niên) Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, hàng hóa được hưởng  GSP sẽ có mức thuế nhập khẩu thấp và có khả năng cạnh tranh được trên thị trường, nhất là các sản phẩm dệt may, giày dép, thủy sản và hàng thủ công mỹ nghệ. Hiện các nước đang áp dụng GSP cho Việt Nam gồm có EU, Nhật Bản, Canada, Thụy Sĩ và Liên minh thuế quan Nga - Kazakhstan - Belarus.

 

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại,Để tận dụng cơ hội từ GSP, ông Tuyển cho rằng các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần nắm vững các quy định về GSP của từng nước như quy tắc về xuất xứ, chế độ trưởng thành, điều kiện về cạnh tranh, quy định về vận chuyển.

Đồng thời các DN cần nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí để hạ giá thành nhằm tăng cường hơn nữa sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, các DN cũng nên đa dạng hóa thị trường, tránh tập trung xuất khẩu vào một thị trường vì sẽ nhanh chóng bị đưa vào diện “trưởng thành” và sẽ không được hưởng GSP. Bởi trong quy định hưởng GSP của EU, các sản phẩm sẽ được tính là “trưởng thành” và bị loại khỏi danh sách hưởng GSP nếu kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng đó vượt mức 17,5% tổng nhập khẩu của các nước vào EU của cùng mặt hàng này (riêng đối với sản phẩm dệt may thì ngưỡng này thấp hơn là 14,5%).


Theo ông Trần Ngọc Quân, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường EU - Bộ Công thương, các nhóm có thể tận dụng cơ chế GSP mới như cà phê với thị phần theo GSP hiện tại chiếm 12,11%, nếu áp dụng GSP mới thị phần có thể lên tới 21,68%; thủy sản hiện chiếm 9,89% thị phần có thể gia tăng lên 19,01%; giày dép của Việt Nam vừa được hưởng GSP trở lại và sau khi Trung Quốc không được hưởng GSP, thị phần nhóm này đã đạt tới 34% .
 
Bên cạnh đó, nhóm hàng hóa có nguy cơ chạm ngưỡng trưởng thành hoặc bị tự vệ như nhựa hiện chiếm 5,72% nhưng ước tính thời gian tới sẽ chiếm 16,04%; quần áo và hàng may mặc hiện chiếm 7,46% thị phần và khi GSP mới có hiệu lực thị phần tăng lên 10,5%.
 
Tuy nhiên đáng lưu ý là mức tăng trưởng xuất khẩu dệt may của VN vào EU năm 2011 lại đạt 19%, khả năng rơi vào ngưỡng tự vệ trong GSP là rất cao… Vì vậy ngoài việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, các DN cần theo dõi nắm bắt tiến trình đàm phán Hiệp định Tự do thương mại (FTA) giữa Việt Nam - EU để điều chỉnh chiến lược thị trường linh hoạt hoặc kịp thời thông báo các vướng mắc khi tiếp cận thị trường, phòng EU sử dụng biện pháp tự vệ hoặc áp dụng quy chế trưởng thành.
 
 
Mai Phương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo