Tài chính - ngân hàng

Cơ hội vàng đưa hàng Việt xuất ngoại

Đầu tư chế biến sản phẩm chất lượng, giá trị gia tăng cao để tăng sức cạnh tranh là lựa chọn của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong năm 2015.

Năm 2015 được dự báo là cơ hội vàng mở ra cho xuất khẩu khi tám hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết bước vào giai đoạn giảm thuế sâu, năm FTA khác đã kết thúc đàm phán như FTA với Hàn Quốc và Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan hoặc đang kỳ vọng kết thúc trong năm 2015 như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Song doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sẽ tận dụng cơ hội này và đối mặt thách thức cạnh tranh ra sao?

 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP):

 

Đưa nhiều thủy sản lên sàn đấu giá thế giới

 

Hiện tại mới chỉ có cá ngừ là mặt hàng được đem sang đấu giá tại Nhật. Số lượng tuy ít nhưng tiếng tăm mang lại cho thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới là rất lớn. Việt Nam cũng đang đưa sản phẩm cá tra lên sàn giao dịch quốc tế tại Bỉ để phân phối thủy sản tại châu Âu. Sàn giao dịch giúp nâng cao vị thế của cá tra, đồng thời tránh tình trạng tranh mua, tranh bán làm tổn hại thương hiệu cá tra của Việt Nam. Hay như tại Úc, chúng ta đang có những chương trình hợp tác với cơ quan truyền thông nước này quảng bá chất lượng, hình ảnh thủy sản Việt Nam tới tận người tiêu dùng.

 

Trước mắt DN phải kiểm chặt chuỗi nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu của mình để đảm bảo về chất lượng sản phẩm. Thứ hai, DN phải hiểu thị trường, người dân các nước nhập khẩu đang chuộng loại sản phẩm đóng gói nhỏ. Do vậy DN nên chú ý sản phẩm phi-lê cắt khúc đóng gói nhỏ, đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời, DN cần chủ động cập nhật tình hình thị trường nhiều hơn nữa, tiếp thị sản phẩm ra nước ngoài thông qua kênh phân phối tốt hơn. Năm 2015 dự kiến xuất khẩu thủy sản đạt mức 8,5 tỉ USD.

 

 

Các ngành hàng xuất khẩu cần giảm chế biến thô, chú trọng chế biến những sản phẩm có độ phức tạp, có giá trị gia tăng cao mới có thể cạnh tranh với thế giới. Ảnh: htd

 

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA):

 

Gạo thơm, gạo “vitamin” tăng sức cạnh tranh

 

Giá xuất khẩu gạo trung bình của năm 2014 đạt 500 USD/tấn gạo thơm, 430-435 USD/tấn gạo thường thì nông dân có lãi khoảng 30%-40% so với năm 2013. Tuy nhiên, dự báo của các chuyên gia, giá gạo toàn cầu có xu hướng giảm kéo dài đến tận năm 2017, vì thế thu nhập của người trồng lúa sẽ bị ảnh hưởng. Trung Quốc siết việc nhập khẩu khi buộc các DN phải mua chỉ tiêu nhập khẩu với giá cao khiến đầu ra sẽ càng khó khăn. Vì vậy các loại gạo thơm là mặt hàng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2015. Với chất lượng ngang ngửa đối thủ Thái Lan nhưng giá lại thấp hơn, gạo Việt Nam sẽ có ưu thế cạnh tranh tại nhiều thị trường. Ngoài ra các loại gạo đặc sản, gạo “vitamin” có giá trị dinh dưỡng cao có giá bán cao cũng đang được DN chú trọng vì thu hút sự quan tâm từ các thị trường cao cấp.

 

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS):

 

Kiếm ngoại tệ từ dầu vỏ điều

 

Mục tiêu được Vinacas đề ra đến năm 2015 là tỉ trọng nhân điều có hàm lượng giá trị gia tăng cao như điều rang muối, điều tẩm gia vị, điều mật ong, bánh kẹo điều, dầu điều... sẽ chiếm 5%-7% trên tổng sản lượng tiêu thụ. Đặc biệt, điểm nhấn của xuất khẩu điều năm nay là có khoảng 200 triệu USD thu được từ việc tận dụng vỏ điều để tinh chế thành dầu hạt điều xuất khẩu, trở thành mặt hàng khá mới đem lại ngoại tệ về cho đất nước, thay vì dùng làm chất đốt hay bỏ đi. Ngoài ra, dầu vỏ hạt điều là nguồn nhiên liệu quý trong nhiều lĩnh vực công nghiệp như sản xuất sơn, chất chống gỉ sét, keo dán, bột ma sát làm bố thắng xe máy, ô tô. Hiện mỗi tấn dầu vỏ hạt điều xuất khẩu trị giá 600 USD. Thị trường xuất khẩu dầu vỏ hạt điều gần đây cũng mở rộng hơn, ngoài Trung Quốc còn có EU, Nhật Bản...

 

Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA):

 

Hạt cà phê Việt sẽ lên sàn London

 

Trong năm 2014, Việt Nam xuất khẩu 1,6 triệu tấn cà phê với kim ngạch hơn 3,5 tỉ USD nhưng phần lớn do DN nước ngoài mua xuất khẩu nên cà phê Việt Nam bị ép giá. Người trồng cà phê robusta thế giới kiếm khoảng 10 tỉ USD/năm, trong khi cà phê robusta Việt Nam chiếm gần 50% sản lượng cà phê robusta thế giới nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ 3 tỉ USD. Sắp tới, ngành hàng cà phê sẽ tập trung kết nối với sàn giao dịch hàng hóa lớn thế giới, cụ thể sàn giao dịch cà phê quốc tế Buôn Ma Thuột sẽ liên kết hoạt động như một đại diện của sàn giao dịch cà phê trực tuyến Liffe (London, Anh) tại Việt Nam. Với cách thức mua tận gốc tại nông hộ và bán trực tiếp cho sàn giao dịch cà phê London. Các thông tin về nhu cầu thị trường, giá cả, yêu cầu chất lượng… sẽ được minh bạch, kịp thời, tình trạng ép giá hạn chế. Các hợp đồng xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng tránh được tình trạng trừ lùi nhiều rủi ro như hiện nay. Sau cà phê, hạt tiêu sẽ được lên sàn quốc tế.

 

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT):

 

Công nghệ cao cho đóng gói, chế biến rau quả

 

Năm 2015, nhiều thị trường khó tính khác như Nhật, Hàn Quốc, Úc… đang mở cửa cho phép nhập nhiều loại trái cây của Việt Nam như thanh long ruột đỏ, măng cụt, mận… Thế nhưng các mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam hiện chủ yếu vẫn là hàng tươi, chiếm đến 90%. Để nâng cao giá trị gia tăng của ngành rau quả, DN cần tập trung đầu tư công nghệ chế biến, gắn kết mạnh hơn giữa vùng nguyên liệu và khâu chế biến để bảo đảm chất lượng các sản phẩm rau quả xuất khẩu. Như mặt hàng bưởi da xanh Bến Tre sau khi có nhà máy chế biến đóng gói và kho lạnh nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các nhà nhập khẩu châu Âu đã xuất khẩu thành công sang nhiều thị trường. Hiện đang được các nước châu Âu, Canada, Úc đặt hàng với số lượng lớn, đẩy giá mặt hàng này lên cao. Làm tốt được điều này, mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt 2 tỉ USD trong năm 2015 sẽ thành hiện thực.

 

Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam:

 

Chịu lép vế để đạt chuẩn hội nhập

 

Dự kiến năm 2015 ngành dệt may có kế hoạch xuất khẩu 28-28,5 tỉ USD. Tuy nhiên, khó khăn trong năm tới vẫn là điều kiện về nguồn nguyên liệu Hiệp định TPP đã quy định rất rõ, các DN phải sử dụng nguyên phụ liệu trong các nước thành viên thì mới được hưởng thuế suất ưu đãi. Nhưng do thiếu vốn, công nghệ… nên phần lớn các DN Việt Nam vẫn không thể đầu tư vào dệt, nhuộm… Để làm được điều đó, DN Việt buộc phải liên kết hợp tác với DN ngoại mở rộng các nhà máy sản xuất, chú trọng phát triển thêm năng lực về sợi, dệt vải, khâu hoàn tất, đặc biệt là khâu cung ứng và thiết kế thời trang. Phải hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế - nguyên phụ liệu - may - phân phối, đầu tư nhiều dự án phát triển theo chiều sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng thì mới có thể cạnh tranh với hàng xuất khẩu các nước khác. Thậm chí chấp nhận chịu lép vế để có thể tăng được năng lực của DN, khi DN Việt đủ lớn có thể thâu tóm lại các DN ngoại.

Theo pháp luật Tp.HCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo