Chính trị

Có nên bổ sung quy định chuyển phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù?

Sáng 16/10, tiếp tục phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).

Cho ý kiến về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nhiều đại biểu cơ bản tán thành với các điều khoản của Bộ luật. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng còn một số vấn đề cần tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa nhằm hoàn thiện Bộ luật như: Về cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án cố tình không chấp hành hình phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ; Về vấn đề thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình; Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…

Báo cáo giải trình việc chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi (BLHS) trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, có nhiều ý kiến tán thành bổ sung quy định cơ chế chuyển hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù nhưng cũng nhiều ý kiến đề nghị không bổ sung quy định này. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp 42 của UBTVQH.

Có ý kiến cho rằng, việc quy định cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án cố tình không chấp hành hình phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ là bất lợi cho người phải chấp hành hình phạt vì họ phải chấp hành một loại hình phạt nặng hơn. Hơn nữa, quy định này dẫn đến sự không công bằng giữa người giàu và người nghèo, đồng thời chồng chéo với quy định của Điều 304 BLHS về tội không chấp hành bản án và quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Nên đọc

Về vấn đề này, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn cho rằng, mặc dù nhiều ý kiến nhân dân đồng tình bổ sung cơ chế chuyển hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù, nhưng như vậy sẽ tạo ra xung đột pháp luật. Quy định chuyển hình phạt phạt tiền, cải tạo không giam giữ sang hình phạt nặng là phạt tù sẽ trái với nguyên tắc hình phạt phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, việc phân định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục cũng như việc xác định tỷ lệ chuyển đổi cụ thể là hết sức khó khăn, phức tạp, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng.

Về vấn đề thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, nhiều  ý kiến nhất trí với các quy định thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. Theo đó tử hình chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, không còn khả năng giáo dục, cải tạo; bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình.

Các ý kiến cũng cơ bản nhất trí với việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: tội cướp tài sản; tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chống mệnh lệnh; tội đầu hàng địch; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; tội chống loài người; tội phạm chiến tranh.

 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận thấy, việc quy định áp dụng hình phạt tử hình theo nhóm tội và theo đối tượng là không cần thiết và không hợp lý. Để tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, chỉnh lý theo hướng quy định: “Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, không còn khả năng giáo dục, cải tạo”, không quy định áp dụng hình phạt tử hình theo nhóm tội và theo đối tượng. Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, cân nhắc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm khác như: Tội hiếp dâm trẻ em; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, Tội tham ô tài sản, Tội nhận hối lộ…

Tán thành với quan điểm trên, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh, riêng tội vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn giữ hình phạt tử hình đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu đường dây vận chuyển ma túy hoặc vận chuyển ma túy với số lượng lớn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, có thể bỏ án tử hình thêm một số tội danh khác nữa. Tuy nhiên với các tội chống loài người và tội phạm chiến tranh thì không nên bỏ. Tội tham ô thì vẫn giữ hình phạt tử hình, nhưng nếu người tham ô mà hoàn trả lại số tiền đó mà có hành vi tích cực khai báo, lập công lớn thì có thể không tử hình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, giảm tử hình càng nhiều càng tốt, vì có những nước cũng không có tội tử hình. Theo Chủ tịch Quốc hội, không tử hình thì phạt tù chung thân không giảm án hoặc 30 năm mới giảm án cũng là một hình phạt nghiêm khắc rồi.

Cũng trong sáng nay, UBTVQH cho ý kiến giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Nhiều vấn đề của dự thảo Bộ luật được các đại biểu quan tâm cho ý kiến như: Về đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự; Về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm; Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự…Ý kiến đóng góp của các đại biểu nhằm hoàn thiện dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 10 tới đây.

 


Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo