Xã hội

Có nên cho phép mang thai hộ?

Thảo luận về Luật hôn nhân gia đình (sửa đổi), nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với đề xuất cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, cũng nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại vì sẽ phát sinh tiêu cực mà không thể kiểm soát.
 
Bất đắc dĩ mới phải nhờ mang thai hộ
 
ĐBQH Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, về bản chất thì mang thai hộ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thực tế thời gian qua để phục vụ nhu cầu của một số cặp vợ chồng mong muốn được có con đã nhờ đến biện pháp này với những hình thức khác mà nhà nước không quản lý được. Vì vậy, việc đưa nội dung mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vào dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) lần này là cần thiết, để tránh những hậu quả phức tạp xảy ra mà không có pháp luật điều chỉnh, nhất là việc đảm bảo số phận pháp lý của những đứa trẻ sinh ra.
 
Cần có quy định cụ thể về quyền của người mang thai hộ như: Quyền được đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc khám sức khỏe định kỳ cho người mẹ và thai nhi, các điều kiện chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ mang thai và sau sinh.
 
Bà Hồ Thị Thủy - ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
 
“Trường hợp người mẹ khi sinh bị tai biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, quyền lợi, chế độ thai sản, bảo hiểm xã hội của người mang thai hộ như thế nào? Cần quy định cam kết đối với người mang thai hộ về thời điểm giao con, quan tâm, chăm sóc sức khỏe thai nhi trong thời kỳ mang thai, đồng thời, cần quy định về nghĩa vụ của người nhờ mang thai hộ như: Đảm bảo các điều kiện cần thiết để chăm sóc sức khỏe người mang thai hộ trong quá trình mang thai và sinh con, nhất là những rủi ro không may xảy ra với cả người mang thai và đứa trẻ sinh ra”, ĐB Thủy bày tỏ.
 
Cũng theo bà Thủy, trường hợp hai vợ chồng ly hôn trong thời kỳ nhờ mang thai hộ thì giải quyết như thế nào về các nghĩa vụ đối với người mang thai hộ và khi đứa trẻ sinh ra. Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định tại Điều 95 cần cụ thể hơn. Dự thảo quy định người mang thai hộ chỉ được mang thai hộ 1 lần, nhưng thực tế rất khó xác nhận và tổ chức, cá nhân nào xác nhận, nếu xác nhận thì có đảm bảo tính trung thực, chính xác và khách quan không.
 
“Quy định về trường hợp người mang thai hộ có hôn nhân thì phải có thỏa thuận bằng văn bản của người chồng về việc đồng ý cho vợ mình thực hiện việc mang thai hộ, quy định như vậy là chưa chặt chẽ mà cần bổ sung nội dung bản thỏa thuận và có xác nhận của bên thứ ba để có cơ sở giải quyết khi tranh chấp hoặc các vấn đề phát sinh khác xảy ra.
 
Dự thảo quy định người mang thai hộ phải là người có quan hệ thân thích ngang hàng với vợ hoặc chồng sẽ hạn chế chính sách mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Pháp luật tôn trọng thỏa thuận của các bên vì đây là quan hệ dân sự, theo tôi nên mở rộng cả đối tượng người không phải họ hàng thân thích được mang thai hộ miễn sao họ có đủ điều kiện, đặc biệt là không vì mục đích thương mại”, bà Thủy nói.
 
Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Thị Thanh Hòa (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, bất đắc dĩ mới phải nhờ mang thai hộ, vì ai cũng muốn được hạnh phúc hay quyền mang nặng đẻ đau, nhưng bất khả kháng không thể được.
 
“Chúng ta thấy đây là một nhu cầu rất chính đáng, nhà nước có trách nhiệm là phải có những quy định như thế nào để chúng ta đảm bảo không bị lợi dụng để cho chúng ta thực hiện được một văn nhân và tôi cũng nghĩ, nếu như các cặp vợ, chồng đều có con thì cũng đỡ gánh nặng cho xã hội. Cho nên, chúng tôi chỉ đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có nên có một quy định bao nhiêu thời gian sau khi sinh thì người mang thai hộ phải bàn giao con hay không vì một số lý do như các vị đại biểu đã nêu, tình cảm của người mang nặng đẻ đau, vấn đề đảm bảo cho con được bú sữa mẹ”, ĐB Hòa nói.
 
Các quy định “mang thai hộ” còn nhiều bất cập
 
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, phải xem xét thật kỹ nếu việc mang thai hộ về mục đích nhân đạo mà quá trình thực hiện xuất hiện nhiều yếu tố mất nhân đạo thì chúng ta không nên đưa vào và khuyến khích những người không sinh được con thì nhận con nuôi, đấy là một vấn đề hết sức nhân đạo, tạo điều kiện cho nhiều trẻ khi sinh ra không có bố, có mẹ, không có gia đình, không có ai chăm sóc, có nơi nương tựa chăm sóc thì nhân đạo là nhiều hơn là để phải mang thai hộ. 
 
Ông Nguyễn Ngọc Phương - ĐBQH tỉnh Quảng Bình
 
“Tôi xin lấy một số dẫn chứng nếu như chúng ta quy định như thế này thì chắc chắn yếu tố mất nhân đạo phải nhiều hơn yếu tố nhân đạo. Điều 94 quy định: Nếu vi phạm hợp đồng thì con sinh ra thuộc về người mang thai hộ. Như vậy, vô tình người mẹ không có ý định sinh con, trứng này không phải là trứng của vợ chồng mình, khi sinh ra một đứa con thì lại phải nuôi đứa con này. Chưa nói đến hậu quả của đứa con này là khi sinh ra phải chịu nhiều thiệt thòi mà bản thân nó không có tội tình gì”, ĐB Phương nói.
 
ĐB Phương cũng chỉ ra điểm bất cập ở Điều 78: “Nếu người nhờ mang thai hộ từ chối không nhận con, không chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ về nuôi con thì phải có trách nhiệm về cung cấp, cấp dưỡng”, và cho rằng quy định như vậy là hết sức là lỏng.
 
“Một con người mà khi mình đã hợp đồng rồi mà không nhận con rồi không thực hiện nghĩa vụ mà mình yêu cầu người ta là phải cấp dưỡng rất là vô lý, người ta không bao giờ thực hiện. Thực tế bây giờ là có nhiều cặp vợ chồng con mình đấy ly hôn ra và yêu cầu tòa án phán xét yêu cầu phải hàng tháng cấp dưỡng con người ta còn từ chối không đòi được chứ đừng nói là những trường hợp như thế này”, ĐB Phương bình luận.
 
Cùng chung quan điểm, ĐB Trần Hồng Thắm – TP Cần Thơ cũng cho rằng, vấn đề này rất nhạy cảm, phức tạp dễ bị lợi dụng, chẳng hạn để xác định quan hệ thân thích của người mang thai hộ, cơ quan nào sẽ đảm nhận? Dự luật cũng chưa quy định trách nhiệm pháp lý của bên nhờ đối với sức khỏe người mang thai hộ trong quá trình mang thai và sau khi sinh con như thế nào? Thêm nữa dự thảo nêu việc xác định người nhờ mang thai hộ là cha mẹ hợp pháp của đứa bé ngay sau khi đứa bé được sinh ra. Điều này chưa loại trừ việc người mang thai hộ phát sinh tình cảm với đứa bé và không chịu giao con. Nếu chúng ta áp dụng chế tài xử lý thì liệu như vậy có nhân đạo đối với một người phụ nữ đã mang nặng và đẻ đau hay không?
 
“Điều tôi băn khoăn nhất ở nội dung này là nguyên tắc bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho trẻ em. Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em đã nêu: do non nớt về thể chất và trí tuệ, trẻ em cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp trước cũng như sau khi ra đời. Vì vậy, việc quy định trẻ em là đối tượng của hợp đồng trong thỏa thuận mang thai hộ đương nhiên biến trẻ em thành hàng hóa giao dịch thì liệu ý nghĩa nhân đạo có còn tồn tại hay không?
 
Cần đánh giá rõ mang thai hộ có thực sự mang lại kết quả hạnh phúc bền vững cho gia đình hay không? Theo nhiều nghiên cứu cho thấy hiện nay nhiều nước trên thế giới vẫn quy định cấm mang thai hộ, đặc biệt trong khối EU có 20/28 nước cấm mang thai hộ”, ĐB Thắm nhận định.
h tiêu cực mà không thể kiểm soát.
Anh Dũng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo