Có nên đốt vàng mã cúng ngày rằm tháng 7?
Rằm tháng bảy được coi là một trong những ngày lễ quan trọng trong năm của người Việt Nam bởi đây là ngày xá tội vong nhân và lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ theo Phật giáo.
Sát ngày rằm tháng 7, lễ xá tội vong nhân, dọc trên những con phố chuyên bán các sản phẩm vàng mã cho người âm tại Hà Nội như Phố Hàng Mã, Làng Cót (Yên Hòa, Cầu Giấy), Phố Lương Văn Can cho đến các chợ dân sinh lớn nhỏ đều bày bán đầy đủ các sản phẩm “phục vụ” cõi âm, theo tin tức trên báo Giao thông.
Nếu ngày xưa, vàng mã chỉ đơn thuần là những bộ quần áo, ngựa, tiền vàng... thì bây giờ có thêm cả nhà cửa, các sản phẩm công nghệ... đáp ứng đầy đủ nhu cầu “trần sao âm vậy”.
Đang hối hả làm việc cho kịp tiến độ, bác Liên (Hoàng Mai, Hà Nội) chủ một cơ sở sản xuất vàng mã cho biết: Theo quan niệm trần sao âm vậy, những gì có trong cuộc sống hàng ngày của con người thì khi mất ở cõi âm sẽ có tất cả những thứ đó nhưng chỉ khác một điều là tất cả được làm bằng giấy.
“Vào mùa vụ phải làm hàng suốt ngày đêm. Mặt hàng chủ yếu là quần áo, ngựa, đồ dùng hàng ngày... và giá thì như năm ngoái không có thay đổi gì.”
Trong ngày này, các gia đình thường làm mâm cơm cúng tổ tiên và một mâm cỗ cúng chúng sinh ngoài trời. Quan niệm người chết không phải là hết nên mâm cúng cô hồn thường có: một vài bộ quần áo chúng sinh, một ít vàng tiền, vài chén cháo trắng loãng, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, 1 ít bỏng gạo và kẹo bánh các loại, ngô, khoai, sắn luộc rồi cắt thành khúc nhỏ theo báo Infonet.
Với quan niệm trần sao âm vậy, nên người sống cũng cố gắng liên hệ với thế giới linh hồn bằng cách đốt tiền, vàng mã là để tin rằng người chết cũng có được cuộc sống đủ đầy. Vì thế, đồ vàng mã đã tồn tại trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ lâu đời này.
Theo tục lệ cũ, những vàng mã ấy là do các gia đình tự cắt theo kiểu tượng trưng, không tốn kém và đều nhỏ nhỏ, xinh xinh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tập tục đốt vàng mã trong ngày lễ xá tội vong nhân đã bị biến tướng.
Nhiều gia đình chi cả chục triệu đồng để mua các loại xe sang, biệt thự, nhà lầu, máy tính và đủ các loại. Điều này theo Hòa thượng, Tiến sĩ Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Việt Nam, Trưởng Ban truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là do chưa hiểu rõ về ý nghĩa của lễ Vu Lan và giáo lý đạo Phật nên nhiều người vẫn cho rằng, cần đốt nhiều vàng mã trong dịp này. Đây là một quan niệm sai lầm.
“Lễ Vu Lan có nguồn gốc Phật giáo nhưng trong giáo lý nhà Phật không khuyên con người đốt nhiều vàng mã trong dịp này để báo hiếu, thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ,” hòa thượng cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc đốt nhiều vàng mã sẽ gây tốn kém và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Bởi vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi việc thực hành tiết kiệm trong việc sử dụng vàng mã cũng như tổ chức các hoạt động dịp Rằm tháng Bảy (Âm lịch).
End of content
Không có tin nào tiếp theo