Môi trường

Có nên lắp camera giám sát việc xả rác xuống kênh rạch?

UBND TP.HCM vừa chỉ đạo sở Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND các quận huyện rà soát các quy định để có biện pháp xử lý nghiêm đối với các hành vi vứt rác trên kênh rạch; cho phép làm thí điểm việc gắn camera trên một số tuyến sông rạch có điều kiện (như Nhiêu Lộc – Thị Nghè).

Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị về việc thí điểm gắn camera, ông Nguyễn Văn Phước, phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường cho biết: “Sở không đề xuất ý kiến này, đây là ý kiến chỉ đạo của thành phố thì chúng tôi chấp hành. Đây là một vấn đề cần phải bàn thảo nhiều. Sắp tới sở sẽ phối hợp với các sở ban ngành để đưa ra kế hoạch, còn hiện tại chưa nói được gì nhiều”.

 

Được biết, sau ba năm ngưng cấp kinh phí cho việc vớt rác trên bốn tuyến kênh chính ở thành phố là: Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hoá – Lò Gốm, Tàu Hủ – kênh Đôi, kênh Tẻ – Bến Nghé (mỗi năm khoảng 8 tỉ đồng), vừa qua Ủy ban Nhân dân thành phố đã chấp thuận chủ trương bố trí kinh phí từ ngân sách thành phố để vớt rác trên một số tuyến kênh rạch ô nhiễm, nhằm cải thiện môi trường, khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên, với việc gắn camera hỗ trợ giám sát trên một số tuyến sông rạch có điều kiện trên địa bàn thành phố, hiện có nhiều ý kiến trái ngược nhau, có người cho rằng việc này khó khả thi trong tình hình hiện nay.

 

Ông Đặng Văn Khoa (chủ tịch hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường):

 

Xử lý chưa nghiêm

 

Tôi ủng hộ tất cả các biện pháp nhằm quản lý bảo vệ xanh sạch kênh rạch. Việc thí điểm lắp hệ thống camera trên một số tuyến kênh rạch có điều kiện để giám sát, bảo vệ môi trường nói chung là việc không mới. Trong một xã hội hiện đại mà chúng ta có khả năng lắp đặt để giám sát là điều bình thường. Hiện ngoài sự quản lý yếu kém của đơn vị cơ sở tại chỗ cũng như cấp cao hơn, thì các cơ sở pháp luật, xử lý nghiêm còn chưa đầy đủ, và bị buông lỏng. Nhận thức về môi trường của người dân đã khá lên, nhưng chỉ mới dừng lại ở chỗ lớn tiếng ca thán ô nhiễm, còn để từ đó biến thành hành động một cách tự nhiên thì còn thấp lắm!

 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch hội Luật gia TP.HCM):

 

Rườm rà, không hiệu quả

 

Việc lắp đặt camera trên kênh rạch không sai luật. Theo luật Giao thông đường bộ, những kết quả thu thập qua thiết bị nghiệp vụ bao gồm camera, máy ảnh thì đều được coi là chứng cứ để xử phạt hành chính hoặc áp dụng các biện pháp xử phạt khác theo quy định của pháp luật. Ở những nơi công cộng, Nhà nước có quyền theo dõi những hành vi vi phạm, như vi phạm môi trường chẳng hạn.

 

Nhưng theo tôi, thay vì đầu tư vào việc lắp camera, chúng ta nên đầu tư mạnh hơn trong việc tuyên truyền người dân về ý thức bảo vệ môi trường, kèm xử phạt thật nặng. Việc lắp camera tốn kém mà rườm rà, không hiệu quả bằng. Ví dụ lúc trời mưa, camera có đảm bảo chất lượng hình ảnh; người ta có thể có nhiều cách để lách được, ví dụ họ có thể lén bẻ camera theo hướng khác để vi phạm…

 

Trước nay chúng ta vẫn tuyên truyền, xử phạt nhưng không hiệu quả bao nhiêu là do chúng ta làm chưa cương quyết, triệt để. Mình có lực lượng, nằm ngay chính ở địa bàn địa phương, mà không giao việc, quyền, trách nhiệm cho họ. Quy định pháp luật có rồi, vấn đề là mình có sử dụng triệt để được nhân lực đang có hay không thôi.

 

Ông Bùi Hữu Phú (trưởng bộ môn Viễn thông và mạng, đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM):

 

Xử phạt như thế nào?

 

Tôi cho rằng nếu gắn được hệ thống camera thì rất tốt, vì nó có thể giám sát được 24/24 tình hình xả rác ra kênh rạch. Ý tưởng này cũng từ lâu rồi, như trong giao thông, thành phố chúng ta đã triển khai rồi. Kỹ thuật không phải là vấn đề. Camera có thể giám sát từ 20m trở lại, trong khoảng 2km, tính toán sơ thì có thể mất trên dưới một tỉ đồng, rồi chi phí cho lắp đặt, nhân sự đi kèm.

 

Triển khai thử nghiệm, chúng ta phải chấp nhận đầu tư ở một mức vừa phải. Tuy nhiên để đạt hiệu quả, vấn đề nằm ở chỗ quản lý, mình có phản ứng kịp thời lập biên bản xử phạt hay không? Xử phạt phải kịp thời và mạnh thì ngay ban đầu, chúng ta sẽ tạo được ý thức chấp hành tốt bảo vệ môi trường. Tôi cho rằng, chúng ta nên bắt đầu giải quyết từ những chuyện nhỏ. Chuyện xả rác là vấn đề nhỏ nhất mà mình không làm được thì nói gì đến những vấn đề to tát.

 

Theo SGTT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo