Thị trường

Có nên tách biệt đăng ký thành lập doanh nghiệp với đăng ký kinh doanh?

Vấn đề tách biệt đăng ký thành lập doanh nghiệp với đăng ký kinh doanh vẫn luôn là một trong những nội dung nóng nhất trong các phiên thảo luận lấy ý kiến hoàn thiện Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Hội thảo hoàn thiện dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần thứ 3 tổ chức tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) ngày 10/4. Ảnh: Đ.T.

Thuận lợi hóa thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp?

Tại hội thảo hoàn thiện dự  thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần thứ 3 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 10/4, ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng CIEM nhấn mạnh rằng: Thay đổi quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này là “thay đổi cơ bản về đăng ký thành lập doanh nghiệp”.

Theo đó, việc thuận lợi hóa thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ được cụ thể hóa bằng các nội dung như:

Áp dụng thống nhất các thủ tục của Luật Doanh nghiệp về thành lập doanh nghiệp, mua cổ phần, phần vốn góp đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tách biệt việc đăng ký thành lập doanh nghiệp và việc xin giấy phép đăng ký kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, như: Yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định.

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ không ghi ngành nghề kinh doanh, trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy, trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp: Người thành lập doanh nghiệp sẽ tự ghi ngành nghề kinh doanh còn mã hóa là công việc của cơ quan nhà nước (nếu cần).

Điều này đồng nghĩa với việc, tới đây doanh nghiệp sẽ thực sự được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm, thay vì chỉ được làm những gì đã đăng ký. Đồng thời, trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sẽ không cần danh mục ngành nghề đăng ký kinh doanh như hiện nay.

Thứ tư, hài hòa thủ tục đăng ký kinh doanh với thuế, lao động, bảo hiểm xã hội.

Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều

Ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), người trực tiếp tham gia vào “tổ biên tập” dự thảo luật cho rằng: Việc đơn giả hóa thủ tục đăng ký kinh doanh sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tăng cường vốn và nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, sửa đổi về đăng ký thành lập doanh nghiệp này sẽ giúp cho hoạt động thành lập doanh nghiệp nói chung và thành lập doanh nghiệp với các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng trở nên thuận lợi hơn.

Nó sẽ tạo nên môi trường kinh doanh công bằng hơn với các nhà đầu tư nước ngoài về mặt thủ tục hành chính. Hơn thế nữa, nó cũng giúp cho việc rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp và nhà đầu tư được đơn giản, ít tốn kém hơn.

Đồng thời, sẽ giảm bớt các chi phí cho tổ chức quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại doanh nghiệp và vẫn bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm trên, GS -TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài cho rằng: Việc tách biệt đăng ký thành lập doanh nghiệp với đăng ký kinh doanh sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài không phải mất nhiều thời gian và công sức thành lập nhiều doanh nghiệp khác nhau. 

Vì thực tế, hiện nay một nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư một dự án phải thành lập một doanh nghiệp, muốn đầu tư nhiều dự án thì phải thành lập các doanh nghiệp tương ứng khác nhau. Sau đó, mới sáp nhập các doanh nghiệp nhỏ này thành một doanh nghiệp lớn.

Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước chỉ cần thành lập một doanh nghiệp và có thể đầu tư nhiều dự án khác nhau.

Vì vậy, việc đơn giản hóa thủ tục này sẽ tạo "sân chơi" công bằng hơn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thêm vào đó, GS Mại cho rằng việc tách biệt này là phù hợp với xu hướng của quốc tế vì việc này đã được nhiều nước trên thế giới làm từ lâu trong đó có những nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan…

Không đồng thuận với những quan điểm trên, luật sư Đinh Nhật Quang, văn phòng luật sư Leadco (Hà Nội) cho rằng, nếu nội dung sửa đổi về việc tách bạch giữa thành lập doanh nghiệp và giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh được thực hiện, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng sẽ được thỏa mãn ngay “cơn khát” thành lập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nó cũng có thể dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập sẽ tiến hành hoạt động mà không chờ hoàn tất các điều kiện kinh doanh, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý và gây ra các tác động xấu tới xã hội. Vì vậy, ông không đồng ý với việc tách bạch này.

“Các điều kiện kinh doanh sẽ là cách sàng lọc các nhà đầu tư, để loại bỏ các nhà đầu tư thiếu năng lực khi tiến hành kinh doanh trong các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện”, ông Quang nói.

Ông Quang cho rằng: Việc gắn kết giữa thành lập doanh nghiệp và điều kiện kinh doanh không gây khó khăn và tốn kém không cần thiết cho nhà đầu tư có năng lực, ngược lại, nó sẽ là “rào cản” giúp các nhà đầu tư chưa đủ năng lực tiết kiệm chi phí. Đồng thời, “rào cản” này còn giúp các cơ quan nhà nước không phải “hậu kiểm” đối với các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Như vậy, để đi đến một thống nhất trong sửa đổi Luật Doanh nghiệp trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp tới, việc tách biệt đăng ký thành lập doanh nghiệp và xin giấy phép đăng ký kinh doanh chắc chắn vẫn là một nội dung cần được xem xét nhiều.

Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo