Thị trường

Cơ quan thẩm tra của Quốc Hội không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu

Theo báo cáo thẩm tra được công bố tại phiên họp Quốc hội (QH) chiều 26.5, đa số thành viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH không đồng tình với đề nghị của Chính phủ nâng tuổi nghỉ hưu cho công chức, viên chức theo lộ trình lên 60 cho nữ và 62 với nam.

Đa số người lao động, đặc biệt trong các ngành nghề nặng nhọc đều mong muốn giữ nguyên quy định về tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Ảnh: Nam Dương

Uỷ ban cho rằng chỉ nên nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác. 

Quỹ hưu trí và tử tuất: Thu không đủ chi

Tờ trình của Chính phủ khuyến cáo nguy cơ mất cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất trong tương lai gần. Nếu như năm 2007, tỉ trọng số chi so với số thu chỉ chiếm 57,2%, thì sang năm 2008 con số này là 73,7%, năm 2010 là 76,3%; ước năm 2013 là 76,6%. “Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành, Quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi trong năm, để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu” - tờ trình của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.

Để tránh vỡ quỹ BHXH, tờ trình của Chính phủ đề nghị từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi, cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Các vấn đề xã hội của QH chia làm hai ý kiến: Tán thành với dự thảo luật quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu. (Theo phương án này, thì phải đến năm 2031 (sau 15 năm) thì tuổi nghỉ hưu của nữ mới đạt 60 tuổi và đến năm 2022 (sau 6 năm) thì tuổi nghỉ hưu của nam mới đạt 62 tuổi). Ý kiến thứ hai đề nghị thực hiện Điều 187 của Bộ luật Lao động, đó là, nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác. Tuy nhiên, Ủy ban tán thành với ý kiến thứ hai, vì “cần điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí, thông qua việc nâng thời gian tham gia BHXH đồng bộ với việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động”.

Theo báo cáo thẩm tra, tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH ngắn, nhưng thời gian hưởng lương hưu dài, do tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên. Mặc dù Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng” với lực lượng lao động đã đạt tới 52,3 triệu người, nhưng đồng thời cũng đã bước vào giai đoạn già hóa dân số (năm 2012, tỉ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi của Việt Nam là hơn 9 triệu người, chiếm hơn 10% dân số; tỉ lệ người cao tuổi trên 65 tuổi chiếm 7,1% dân số ). Hiện nay, Bộ luật Lao động đã cho phép điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng, đồng thời, đối với một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, một số địa bàn sẽ được giảm tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn .

Quỹ BHXH ngắn hạn kết dư cao

Trái với diễn biến của Quỹ hưu trí và tử tuất, các quỹ BHXH ngắn hạn (chế độ ốm đau, thai sản; chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), có số kết dư rất cao. Riêng năm 2013, tỉ lệ chi/thu quỹ ốm đau và thai sản chỉ bằng 85% (11.153 tỉ đồng/13.127 tỉ đồng), tổng quỹ kết dư lũy kế bằng 14.727 tỉ đồng; tỉ lệ chi/thu quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp chỉ ở mức 8,6% (337 tỉ đồng/4.376 tỉ đồng), tổng quỹ kết dư lũy kế bằng 16.281 tỉ đồng.

Trao đổi bên lề QH, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của QH - cho rằng, vấn đề hiện nay là phải làm sao để sử dụng hiệu quả nhất quỹ an toàn lao động, không để kết dư nhiều. Mỗi năm, chỉ nên còn lại phần dự phòng là hợp lý nhất, còn lại toàn bộ phải sử dụng cho người lao động. Tai nạn lao động rất nghiêm trọng, nhưng mà quỹ sử dụng thấp như vậy, thì nhìn vào thấy rất vô lý.

Công nhân ngành lao động nặng nhọc không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh: Giang Huy

Theo tờ trình của Chính phủ, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH xảy ra còn khá phổ biến, đặc biệt ở các DN ngoài quốc doanh và các DN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ). Một trong những nguyên nhân là do Luật BHXH hiện hành quy định lãi chậm đóng bằng mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH trong năm - vốn thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay của các ngân hàng. Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm còn thấp. Vì vậy, nhiều DN cố tình nợ đóng, chậm đóng BHXH và chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng.

Bà Trương Thị Mai cho rằng, dự án Luật BHXH đề xuất sửa đổi trong Bộ luật Hình sự, để tăng chế tài và đưa thêm một số vi phạm liên quan đến BHXH lên tội hình sự, vì hiện nay, ta mới xử lý theo pháp luật dân sự, và không có chế tài để giải quyết nợ đọng BHXH đối với các DN. Trong khi đó, có những DN bắt người lao động đóng BHXH, hay trừ hẳn từ tiền lương của họ, nhưng lại không nộp khoản đóng này cho quỹ BHXH. Đối với những trường hợp này, nâng hành vi vi phạm lên tội hình sự là hợp lý.

Theo bà Mai, điều quan trọng hiện nay là phải điều chỉnh các chính sách BHXH cho hợp lý, đồng thời phải giúp người lao động và chủ sử dụng lao động tiếp cận được những chính sách này. Bà Mai nhấn mạnh: Tổ chức công đoàn có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ người lao động. Hiện nay, Luật Lao động cho phép ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn, thì công đoàn cấp trên được đại diện cho lợi ích của người lao động ngay tại từng doanh nghiệp. Có nghĩa, luật đã mở ở mức tối đa để công đoàn có cơ chế bảo vệ người lao động tốt hơn.

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo