Cơ sở ô nhiễm dùng “chiêu” để được hoạt động
“Giặt nhuộm là một trong 17 ngành nghề gây ô nhiễm rất cao đã bị Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh quyết định cấm cấp phép từ năm 2004. Hiện nay, nhiều cơ sở đăng ký kinh doanh giặt ủi nhưng trên thực tế lại hoạt động giặt nhuộm. Nước thải, khí thải từ các cơ sở này hầu hết không được xử lý đúng quy định nên gây ô nhiễm rất cao” - ông Nguyễn Tương Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 12, nói về một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm mà địa phương đang tập trung giải quyết.
Thực trạng trên cũng đang tồn tại ở một số quận, huyện vùng ven. Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh thông tin, cuối năm 2011, Sở cũng phát hiện và tạm đình chỉ hai cơ sở giặt ủi ở huyện Bình Chánh hoạt động sai giấy phép kinh doanh, gây ô nhiễm môi trường, gồm: Công ty TNHH Vân Thành và hộ kinh doanh Mạnh Cường.
Trao đổi Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tương Minh cho biết quận 12 đang phối hợp với Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng cảnh sát điều tra phòng, chống tội phạm về môi trường - Công an TP. Hồ Chí Minh (PC49) rà soát và xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm kéo dài trên địa bàn quận. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các cơ sở giặt ủi hoạt động sai giấy phép kinh doanh như đã đề cập. Hiện có tám cơ sở thuộc lĩnh vực này (Song Thành, Việt Phát, Phạm Văn Long, Vũ Văn Rạng, Vũ Văn Tuấn, Thanh Duẩn, Nguyễn Quốc Huy và Công ty Thiên Phú Thịnh) đã bị quận 12 đưa vào danh sách cưỡng chế, buộc ngưng hoạt động.
Vậy làm cách nào để tránh tình trạng những cơ sở “giặt ủi” gây ô nhiễm vẫn được cấp phép? Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Do giặt ủi là lĩnh vực Ủy ban Nhân dân Thành phố không cấm nên khi người dân thực hiện đầy đủ hồ sơ thủ tục đăng ký kinh doanh, Sở phải cấp phép. Còn việc các cơ sở hoạt động sai với ngành nghề đăng ký thì trách nhiệm xử lý thuộc về địa phương và các cơ quan liên quan.
“Trên thực tế có hai loại hình giặt ủi. Các cơ sở giặt ủi dân dụng với số lượng quần áo không nhiều không phải là đối tượng gây ô nhiễm. Còn các cơ sở giặt ủi công nghiệp thì số lượng quần áo rất lớn, thường bao gồm cả khâu nhuộm, wash nên phát sinh nước thải, khí thải ô nhiễm. Thời gian tới, khâu cấp phép cần phân biệt rõ hai loại hình này mới có thể hạn chế được tình trạng lách quy định nói trên” - ông Minh nói.
Theo PL TPHCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo