Có thế lực lợi dụng vụ cá chết để kích động, chống phá Nhà nước
Liên quan đến sự cố môi trường khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung, tại họp báo Chính phủ chiều 30/6, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: Thời gian vừa qua, dư luận trên các trang mạng xã hội có nhiều ý kiến phản ứng về sự chậm trễ công bố nguyên nhân cá chết. Tôi cho rằng sự bức xúc đó là chính đáng, dễ hiểu bởi sự cố này liên quan tới sự an lành của đất nước, đời sống của người dân, đặc biệt là đời sống của hàng vạn ngư dân các tỉnh miền Trung.
“Tuy nhiên, sự phản ứng thái quá, suy diễn không dựa trên kết quả điều tra đã làm nhiễu loạn thông tin, gây bất lợi cho quá trình điều tra. Tôi cũng cần nói thẳng, có một số thế lực chống phá chế độ đã lợi dụng sự cố này để công kích sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, kích động gây mất trật tự công cộng, gây bất an trong nhân dân. Quan điểm của chúng tôi là tôn trọng sự bức xúc của người dân nhưng không chấp nhận việc lợi dụng sự bức xúc đó để kích động chống phá Đảng, chống phá Nhà nước. Tôi có thể khẳng định việc công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố nghiêm trọng này là kịp thời” – Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
Trả lời câu hỏi vì sao tìm ra nguyên nhân nhưng chậm công bố thủ phạm? Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói: “Công bố nguyên nhân là để giải quyết kịp thời hậu quả, công bố thủ phạm là để xử lý sai phạm. Điều tra nguyên nhân và thủ phạm là 2 quá trình điều tra khác nhau, và công bố vào các thời điểm khác nhau”.
Điều tra nguyên nhân được tiến hành bởi các nhà khoa học, đối tượng là các sự kiện. Điều tra thủ phạm được tiến hành bởi các cơ quan điều tra, phối hợp với các nhà khoa học, đối tượng là con người nên phức tạp hơn nhiều. Việc công bố ai là kẻ gây ra sự cố nghiêm trọng này cần có quá trình điều tra xác định chứng cứ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan bảo vệ pháp luật, quản lý chuyên ngành và các địa phương.
“Kết quả điều tra là khách quan, chỉ dựa trên chứng cứ, hoàn toàn loại trừ mọi sự can thiệp làm chậm quá trình điều tra và sai lệch kết quả điều tra. Các cơ quan tham gia điều tra đã nỗ lực rất lớn, đã làm hết năng lực, trách nhiệm của mình” – Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin về toàn bộ diễn biến vụ cá chết hàng loạt. Theo đó, trong tháng 4/2016, tại ven biển 4 tỉnh miền Trung Việt Nam (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế) xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế-xã hội, môi trường biển; ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Ngay sau khi có thông tin về sự cố, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bước đầu đánh giá thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường. Đồng thời, đã chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan khoa học, trên tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan và đúng pháp luật, xác định, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp xử lý.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các bộ ngành liên quan, huy động trên 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước đã tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế, đã xác định có nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chứa độc tố như phenol, xyanua,… kết hợp với hydroxit sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (Mixel), có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc-Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát các nguồn thải; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước với sự tham gia của các cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và đã phát hiện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà tĩnh (FHS) có một số hành vi vi phạm; xác định những sự cố xảy ra trong quá trình vận hành thử nghiệm của FHS đã dẫn đến nước thải từ Công ty xả ra biển có chứa các độc tố phenol, xyanua, hydroxit sắt vượt quá mức cho phép.
Từ các căn cứ nêu trên, các bộ ngành, cơ quan chức năng có liên quan đã thẩm định kỹ lưỡng, tham vấn các nhà khoa học trong, ngoài nước và kết luận: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ô nhiêm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế trong tháng 4 vừa qua.
End of content
Không có tin nào tiếp theo