Pháp luật

Có thể tước giấy phép trường mầm non vụ cô giáo dùng dép đánh vào đầu trẻ

Trước sự việc có tính chất “bạo hành” trẻ em xảy ra ở trường Mầm non Sen Vàng, phường Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), theo ý kiến của Luật sư, cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên có thể bị tước giấy phép và người đứng đầu cũng có thể bị xử lý theo pháp luật.

Ngày 5/2, mạng xã hội lan truyền clip “trẻ bị cô giáo mầm non lấy dép đánh vào đầu. Clip này khiến cư dân mạng, các bậc phụ huynh bất bình vì hành vi phản giáo dục của các cô giáo mầm non, theo báo Phụ Nữ TP. HCM.

Theo đó, clip này quay lại cảnh cô giáo chỉ tay vào mặt học sinh sau đó cầm một chiếc dép tổ ong đập hai cái khá mạnh vào đầu đứa trẻ khoảng 2 tuổi và quát: “Mày có biết cái gì không?”

Trong clip cũng xuất hiện hình ảnh một cô giáo cho tay vào túi quần, chỉ vào mặt và có những lời nói quát tháo trẻ khi vì các con ị đùn. Mặc kệ đứa trẻ khóc, cô giáo vẫn quát tháo ầm ĩ khiến đứa trẻ vô cùng sợ hãi và càng khóc to hơn.

Một đại diện của trường mầm non Sen Vàng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội xác nhận clip này được quay tại trường mầm non này. Người này cũng cho biết đã có văn bản báo cáo lên Phòng Giáo dục quận Hai Bà Trưng. Cơ quan công an cũng đã vào làm việc với trường.

Nhà trường sẽ cung cấp thông tin cụ thể cho báo chí. Cũng theo đại diện này, clip do một giáo viên trong trường quay và chia sẻ trên mạng xã hội.

Hình ảnh cô giáo cầm dép nhựa và sau đó đánh 2 cái khá mạnh vào đầu bé trai mầm non khiến bé khóc thét. Ảnh: Cắt từ clip.

Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, đại diện trường Sao Vàng đã thừa nhận biết sự việc trong clip và sáng ngày 5/2 đã làm việc với giáo viên có liên quan và phụ huynh học sinh để làm rõ hành vi sai phạm của giáo viên.

Nói về trách nhiệm pháp lý về sự việc này với báo chí, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, pháp luật ghi nhận quyền tự do thân thể, bảo đảm và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín của mọi công dân. Pháp luật không cho phép giáo viên đánh học sinh và ngược lại, không cho phép học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

Vì vậy, hành vi giáo viên đánh học sinh là hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của học sinh. Hành vi này có thể gây thương tích hoặc thậm chí tử vong học sinh.

Ngoài ra, hành vi đánh trẻ, uy hiếp dọa nạt trẻ em sẽ tác động không tốt đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình hình thành nhân cách của trẻ, ảnh hưởng đến tương lai, hạnh phúc của trẻ và có thể gây hiểm họa, nguy hại cho xã hội…

Vì vậy, tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả để lại mà giáo viên có hành vi hành hung học sinh sẽ bị xử lý theo pháp luật. Các chế tài xử lý ở đây là xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Nói về trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở nuôi dạy trẻ, trường mầm non trên, Luật sư Cường cho rằng, đối với cán bộ lãnh đạo quản lý và cơ sở giáo dục để xảy ra bạo hành cũng phải bị xử lý theo pháp luật.

Nếu biết hành vi bạo hành của giáo viên với học sinh mà vẫn khuyến khích, dung túng cho hành vi này thì người quản lý sẽ được xác định là “đồng phạm” trong trường hợp người thực hiện hành vi đánh học sinh bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức độ xử lý với cơ sở giáo dục mầm non (nếu là tư thục) thì có thể bị tước giấy phép khi để xảy ra những trường hợp giáo viên xâm hại tính mạng, sức khỏe của học sinh.

Nên đọc
Công Danh (tổng hợp theo báo Phụ Nữ TP. HCM, Dân Việt)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo