Xã hội

Có vé không đi được, hành khách náo loạn ga Sài Gòn

Ngày 22/1, ngay từ 6h sáng đã có hàng trăm người tập trung ở ga Sài Gòn để thắc mắc về việc chiếc vé mà họ đã phải trầy trật mua được cách đó không lâu nhưng lại không đúng tên, CMND của người đi. Những trường hợp này ngành đường sắt từ chối vận chuyển…

Mất trắng tiền tích cóp vì mua vé qua “cò”

Theo quy định, trong thời gian phục vụ vận chuyển hành khách dịp Tết, vé đi tàu của khách có các ga từ Nha Trang trở ra phải có tên và ba số cuối CMND trên vé, hành khách phải xuất trình CMND để đối chiếu (CMND hoặc các loại giấy tờ thay thế khác như thẻ sinh viên, giấy khai sinh...) khi lên tàu.
 
Ảnh minh họa
 
“Đây là vé thật, có phải dởm đâu. Chúng tôi là công nhân, tích cóp cả năm trời mới mua được tấm vé về quê thăm cha mẹ, con cái. Vậy mà giờ nhà ga bảo vé này không thể lên tàu ? Nếu vậy chúng tôi biết kêu ai? Kêu trời à?” - anh Nghĩa cầm vé về Bắc Ninh gào lên chua xót giữa nhà ga.
 
Đa số những người có mặt tại nhà ga hôm nay đều là công nhân, người lao động phổ thông. Họ phải nghỉ làm để đổi vé lại cho đúng tên, số CMND của mình.
 
Phần đông trong số họ đều bị nhân viên nhà ga từ chối vì trên vé không có tên và 3 số cuối CMND trùng với thông tin trên CMND của người đi. Nhiều người may mắn đổi được thì ngã ngửa ra vì phải bù tiền 30% mới có được tấm vé lên tàu hợp lệ.
 
Anh Bình thất thểu gọi điện thoại cho người vợ ở quê thông báo tình hình. Cách đây 1 tháng, vì không mua vé được tại nhà ga, anh phải bỏ thêm 300 nghìn để mua vé qua “cò”…
 
“Làm công nhân thì biết gì đến Internet mà đăng ký. Nhắn tin điện thoại lấy số thứ tự thì không được, lên ga thì bảo hết vé rồi…không mua của “cò” thì mua của ai?”, anh nói.
 
Những tưởng mọi chuyện đã êm xuôi, bây giờ anh phải bỏ tấm vé đó vì “Mua qua cò thì làm gì có đúng số CMND được, nhà ga bắt phải có người mua vé mang CMND đến để đổi vé thì tôi biết kiếm “cò” ở đâu?”.
 
Khác với anh Bình, chị Nhung có tên nhưng số CMND không phải của chị, vì bận việc không thể tự đi mua được nên chị gửi cho một người bạn cùng khu trọ mua giùm. Hậu quả là giờ chị mất thêm 320 nghìn để đổi vé.
 
“Phúc trời tôi còn đổi được, cả 10 năm nay mới về quê, quà cáp mua hết rồi, giờ mà không lên được tàu thì tôi hết cách để về nhà ” - chị Nhung nói.
 
Trường hợp chị Bình, mất thêm tiền không đáng là bao, còn rất nhiều người như anh Hùng (quê Lạng Sơn), chị Mai (quê Hưng Yên)…thì 300 hay thậm chí 100 ngàn cũng “xót" lắm. Cả năm tăng ca chỉ mong tích cóp được đồng nào hay đồng ấy.
 
“Đã mất 300 nghìn cho “cò” rồi giờ còn mất 30% nữa cho nhà ga. Chẳng biết sao nhưng năm nay ăn tết không ngon rồi” - anh Tâm (quê Nghệ An) thất vọng chia sẻ.
 
Nhiều người bao vây phòng đội trưởng đội vé ga Sài Gòn
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, cho tới 10 giờ sáng nay, tình trạng lộn xộn vẫn tiếp tục diễn ra. Nhân viên nhà ga, bảo vệ, công an…được huy động để giải thích cho hành khách rằng: “Đây là quy định, chúng tôi phải chấp hành”.
 
Và cũng đã có khá nhiều người đã nổi nóng khi vừa mất tiền oan vừa không được đi.
 
“Nhà ga sách nhiễu người lao động quá? Thử hỏi, sao trong ga báo hết vé mà ở ngoài vé vẫn đầy ra. Nếu không tin, ngay bây giờ trong nhà ga cũng có thể mua vé từ “cò” được. Vậy vé này là vé giả à? Vé có dấu mộc đàng hoàng, chứ đâu phải vé giả? Vậy ai đã “tuồn” vé ra ngoài?” - anh Khoa (Hà Nam) bức xúc nói.

“Chỉ cần nhà ga ghi tên và số CMND ở mặt sau rồi đóng dấu mộc lên để biết rằng đây là vé đi được, cần gì phải gây khó khăn cho chúng tôi?” - anh Ngọc quê Ninh Bình chưa hết bức xúc nói.
 
“Đây là quy định, phải chấp hành..”
 
Đó là lời giải thích được lặp đi lặp lại từ phía nhân viên ga sáng nay sau tiếng “kêu cứu” của hàng trăm người. Họ đã nghỉ việc một ngày chỉ để lên ga đổi lại vé, nhưng vô vọng. Hầu hết vé được mua qua “cò” nên coi như đã mất trắng vé tàu.
 
Lực lượng công an giải thích cho người dân hiểu
 
Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn cho biết, sở dĩ nhà ga siết chặt quy định làm này là nhằm hạn chế tình trạng “cò” vé, đầu cơ mua vé trước đây với tên, giấy CMND của người này rồi bán lại cho người khác, hưởng chênh lệch đến 300.000 đồng/vé.
 
Đối với những hành khách đã mua vé trước đây, giờ không có nhu cầu đi và muốn chuyển lại cho người thân trong gia đình hoặc người cùng cơ quan, theo ông Thành, người mua vé đến ga làm thủ tục chuyển đổi vé trước 10 giờ tàu xuất phát.
 
Điều kiện chuyển đổi vé phải kèm theo một trong số các giấy tờ liên quan chứng minh là người thân như hộ khẩu, giấy khai sinh, xác nhận của đơn vị…
 
Khi đó, lãnh đạo ga xem xét giải quyết cho hành khách đã mua vé trước đây làm thủ tục trả vé (bị khấu trừ phí 10%), rồi nhân viên ga xuất vé đúng tên, giấy CMND hành khách đi tàu mới đúng với số chỗ, số toa, tàu của người trả vé. Còn những trường hợp khác có nhu cầu trả lại vé do không đi nữa thì phí trả lại vé là 30% giá vé.
VietnamNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo