Chân dung

Cởi trói cho một thương hiệu

Năm 2011 khép lại với một sự kiện được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước và quốc tế, đó là việc Thừa Thiên - Huế quyết định bán lại toàn bộ cổ phần của mình trong liên doanh Bia Huế cho Tập đoàn Carlsberg International A/S (Đan Mạch

Ông Nguyễn Mậu Chi, Tổng giám đốc Công ty Bia Huế (Huda) .

 

- Thưa ông, vừa qua tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định bán lại toàn bộ phần vốn của mình trong liên doanh Công ty Bia Huế cho Tập đoàn Carlsberg International A/S (Đan Mạch), một đối tác trong liên doanh, việc này đã có những dư luận trái chiều về nguyên nhân và thời điểm bán. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

- Việc tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định bán lại toàn bộ vốn của mình trong Công ty Bia Huế cho Tập đoàn Carlsberg, đối tác chiếm 50% vốn trong liên doanh là một quyền của chủ sở hữu được Nhà nước cho phép, phù hợp với pháp luật Việt Nam và thỏa thuận trong điều lệ khi thành lập liên doanh.

Với quá trình phát triển 21 năm, Công ty Bia Huế qua giai đoạn đầu với 100% vốn của Thừa Thiên - Huế, năm 1990 chỉ đạt sản lượng tiêu thụ 3 triệu lít/năm nhưng đến năm 1991 lên 12 triệu lít và năm 1993 là 15 triệu lít, sản phẩm chủ yếu là bia Huda. Do nhu cầu tiêu thụ tăng nhanh, công suất nhà máy không đáp ứng kịp, điều này đã đặt ra một đòi hỏi cấp thiết phải có vốn đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh và trong bối cảnh đó, tỉnh đã đặt ra phương án liên doanh với hãng bia nổi tiếng của châu Âu để tìm kiếm nguồn vốn, công nghệ, dây chuyền sản xuất và kiến thức, kinh nghiệm...

Năm 1994, liên doanh Bia Huế ra đời như là một tất yếu khách quan nhằm phát triển. Từ năm 1994 đến 2011 (giai đoạn 2), Công ty Bia Huế luôn có một tốc độ phát triển và tăng trưởng rất cao, đặc biệt từ năm 2005 đến nay, trung bình tăng từ 24 đến 25% mỗi năm, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường bia ở Việt Nam. Từ một doanh nghiệp bia địa phương đã trở thành một Công ty bia quốc gia.

Mặc dù có tốc độ phát triển nhanh nhưng đến thời điểm hiện nay sản lượng tiêu thụ của Công ty Bia Huế mới chỉ chiếm khoảng 8% thị phần trong cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng. Trước thực tế đó, liên doanh đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015, sản phẩm của Công ty Bia Huế phải phấn đấu chiếm được 15% thị phần trong toàn quốc. Đây là một thách thức rất lớn, muốn làm được điều này đòi hỏi phải có những khoản đầu tư mới (khoảng 2.500 tỷ đến 3.000 tỷ) và vấn đề này lại đặt ra những đòi hỏi mới cho Công ty Bia Huế.

Đứng trước những sức ép mới và làm sao để cởi trói cho Công ty Bia Huế phát triển, nếu tỉnh Thừa Thiên - Huế không thể đầu tư thêm thì các hoạt động kinh doanh và sản xuất sẽ đình trệ và chắc chắn không những không tăng thị phần mà còn khó giữ được thị phần hiện tại của mình. Vì vậy, việc tỉnh Thừa Thiên - Huế trong giai đoạn khó khăn hiện nay không đủ nguồn vốn để đầu tư thêm nên đã quyết định bán lại cổ phần của mình, với điều kiện bên đối tác phải đầu tư thêm để nâng công suất, phát triển thương hiệu và thị trường là một quyết định rất đúng đắn và kịp thời. Đây có thể xem là một quyết định mang tính “cởi trói” cho Công ty Bia Huế nhằm mục tiêu thúc đẩy các hoạt động sản xuất và kinh doanh lên một tầm cao mới.

 

Công ty Bia Huế phối hợp cùng Báo Đất Việt tổ chức đêm nhạc từ thiện tại Quảng Bình.


- Việc định giá bán là 1.875 tỷ, theo ý kiến của ông là đã phù hợp?

- Xin được nói rõ lại 1.875 tỷ ở đây chỉ là 50% của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Để có được con số này, cả hai bên đã thuê tới 2 đơn vị kiểm toán độc lập để định giá và quá trình định giá, đàm phán giá cả đã diễn ra từ cả 2 năm nay. Trong tổng giá trị 3.750 tỷ đồng này thì hơn 1.400 tỷ là giá trị các tài sản hữu hình, phần còn lại hơn 2.300 tỷ là giá trị của thương hiệu Bia Huế. Theo tôi, một liên doanh được thành lập chưa đầy 17 năm thì đây là một cái giá khá hợp lý.

- Việc bán cổ phần này có ảnh hưởng gì tới đời sống của hơn 600 người lao động đang làm việc tại Công ty Bia Huế, thưa ông?

- Trong giai đoạn khó khăn và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu không được đầu tư thêm để đẩy mạnh các hoạt động thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm… thì không chỉ hơn 600 CBCNV của công ty mà hàng chục nghìn người lao động cùng gia đình của họ thuộc hệ thống phân phối trong nước và quốc tế của Bia Huế cũng bị ảnh hưởng. Điều may mắn cho chúng tôi là sau khi chuyển đổi cổ phần, bên đối tác vẫn tin tưởng giữ nguyên toàn bộ bộ máy lãnh đạo, nhân lực và hệ thống phân phối của chúng tôi như hiện nay trong nhiệm kỳ 2011 – 2016. Hiện tại chúng tôi đang lên kế hoạch để chuẩn bị tiếp đón nguồn đầu tư mới để mở rộng SX, nâng công suất... Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ tăng thêm cơ hội việc làm cho người lao động ở Thừa Thiên - Huế và môi trường làm việc cùng chế độ đãi ngộ, thu nhập cũng sẽ tốt hơn.

- Ông có suy nghĩ gì trước một số ý kiến lo ngại những thương hiệu nổi tiếng như Bia Huế, Huda, Festival Beer có nguy cơ bị ảnh hưởng sau khi bán hết cổ phần cho đối tác?

- Với số tiền bỏ ra để mua 50% cổ phần, tương đương với gần 15 năm lợi nhuận thu được của mỗi bên, trong đó giá trị chủ yếu là ở thương hiệu, chắc chắn Tập đoàn Carlsberg đã có chính sách ưu tiên các nguồn lực để phát triển hơn nữa thương hiệu Bia Huế cũng như các thương hiệu sản phẩm của Công ty Bia Huế.

- Cám ơn ông!

 

Theo Đất Việt

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo