Quốc tế

Cơn địa chấn chính trị thế giới 2016 chỉ qua một bức ảnh

(DNVN)-Hãng tin CNN đã miêu tả cơn địa chấn chính trị năm 2016 chỉ trong một bức ảnh với sự góp mặt của 5 nhà lãnh đạo thế giới đến từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh và Italia.

Ngày 01/5/2016, 5 nhà lãnh đạo thế giới đến từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh và Italia đứng cạnh nhau. Tất cả đều mang dáng vẻ chắc chắn đại diện cho 5 "ông lớn", cùng nhau lãnh đạo một thế giới tự do. 

Tuy nhiên, hiện giờ tình thế đã đảo ngược hoàn toàn. Theo đó, 3 người trong số này đã phải rời nhiệm sở giữa lúc làn sóng dân túy dâng cao ở châu Âu, 1 người cũng sẽ sớm phải đối mặt với tương lai chính trị của mình trong năm tới, còn 1 người cách nửa vòng Trái Đất sẽ chính thức trở thành cựu Tổng thống vào ngày 20/1/2017. 

 Bức ảnh này có giá trị hơn cả nghìn từ ngữ phản ánh chân thực cơn địa chấn chính trị thế giới hiện nay (Nguồn: Twitter Will Jordan)

Bức ảnh cho thấy những gì xảy ra với các nhà lãnh đạo chỉ trong vòng 7 tháng qua:

Ông David Cameron

Ông David Cameron từ chức Thủ tướng Vương quốc Anh chỉ vài giờ sau khi người dân xứ sở sương mù bỏ phiếu để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, hay còn goi là Brexit.

Ông Barack Obama

Cú sốc ở đây không phải là việc ông Obama sẽ rời Nhà Trắng sau hai nhiệm kỳ theo quy định của Hiến pháp Mỹ, mà trên tất cả là việc ông phải chuyển giao quyền lực cho một vị tỷ phú, ngôi sao truyền hình thực tế không có kinh nghiệm chính trường Donald Trump mới làm cả thế giới ngạc nhiên. 

 

Bà Angela Merkel

Bà Angela Merkel tuyên bố sẽ tranh cử Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc bầu cử vào năm sau. Bà cho biết, bà đã suy nghĩ rất kỹ và rất lâu về quyết định này. Bà đã khiến cử tri tức giận khi mở cửa biên giới Đức cho người nhập cư tràn vào và đảng của bà phải chịu thất bại đau đơn trong cuộc bầu cử địa phương trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nếu cử tri Đức muốn có người nào đó hiểu biết và quen với tình trạng hỗn loạn này thì bà Merkel có thể vẫn là lựa chọn của họ. 

Ông Francois Hollande

Tuần trước, ông Hollande tiết lộ rằng, ông sẽ không tiếp tục tranh cử Tổng thống Pháp trong mùa bầu cử tới. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1958, thời điểm nền cộng hòa thứ năm của Pháp được hình thành, một vị tổng thống đương chức không tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ hai. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ tín nhiệm ông Hollande ở mức thấp và Pháp dường như có xu hướng chuyển sang đảng cánh hữu. 

Ông Matteo Renzi

 

Giống như ông Cameron, Thủ tướng Italia Matteo Renzi đã trở thành một nạn nhân của cuộc trưng cầu dân ý mà chính ông kêu gọi tổ chức. Khi gần 60% cử tri phản đối lời kêu gọi cải cách hiến pháp của ông, ông Renzi đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella. Ông Renzi đã nhất trí sẽ tạm thời ở lại cho đến khi ngân sách năm 2017 được thông qua. 

CNN nhận định, bức ảnh này có giá trị hơn cả nghìn từ ngữ phản ánh chân thực cơn địa chấn chính trị thế giới hiện nay. 

Nên đọc
Thu An (Theo CNN)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo