Con đường đến với nghề diễn của Nghệ sĩ Phạm Bằng
Theo xác nhân từ Nghệ sĩ ưu tú Phạm Chí Trung, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Nghệ sĩ ưu tú Phạm Bằng đã từ trần vào hồi 20h tối 31/10 (ngày mùng 1 tháng 10 âm lịch) tại bệnh viện Hồng Ngọc; hưởng thọ 85 tuổi.
Từ tháng 6/2016, cơ thể nghệ sĩ Phạm Bằng có dấu hiệu mệt mỏi và phải nhập viện khám sức khỏe. Sau khi các bác sĩ chuẩn đoán ông bị viêm gan và viêm mật, gia đình đã đưa Phạm Bằng sang Singapore chữa trị.
Ông dừng hết mọi hoạt động nghệ thuật và không thể tham gia đóng các phim, chương trình cho Tết Đinh Dậu 2017. Cách đây vài ngày, cư dân mạng không khỏi xót xa khi nhìn hình ảnh NSƯT Phạm Bằng nằm trên giường bệnh với thân hình gầy tong teo được chụp tại nhà riêng của con trai ở Hà Nội.
Tính đến trước khi qua đời, người nhà thông tin Phạm bằng sụt khoảng 8kg vì bệnh tật.
Gần 15 năm trước, vợ của NSƯT Phạm Bằng qua đời. Từ đó ông sống với người con trai út và cô con gái chưa lập gia đình ở Hà Nội. Phạm Bằng còn có hai con gái đã lập gia đình, một người sống ở TP. HCM, một người định cư ở nước ngoài.
NSUT Phạm Bằng sinh năm 1931, tại Hà Nội, gia đình ông được 2 anh chị em, bố ông mất sớm, mẹ ông ở vậy từ năm 24 tuổi nuôi các con khôn lớn.
Năm 1955, Phạm Bằng trở thành sinh viên trường Cao đẳng Giao thông Công chính. Trong quá trình học ở trường, theo lời lôi kéo, rủ rê của bạn bè, ông cũng tham gia đóng vài vở kịch. Năm 1956, đang học năm thứ hai trường Cao đẳng Giao thông công chính, Phạm Bằng phải nghỉ học. Ông rời trường trong hoàn cảnh hết sức khó khăn: gia đình của ông thuộc diện tư sản cần cải tạo.
Năm 1959, Phạm Bằng tham gia đoàn kịch nghiệp dư của nhà thơ Hoàng Cầm, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Đoàn kịch định dựng vở "Vũ Như Tô" nhưng không thành. Cũng trong năm đó, Nhà nước tuyển sinh cho đoàn văn công Hà Nội, đồng thời, mở trường Đại học Sân khấu khóa I. Phạm Bằng được tuyển cả hai nơi. Khác với một số người bạn của mình trở thành sinh viên trường Sân khấu, Phạm Bằng lựa chọn con đường vào đoàn văn công Hà Nội, bởi theo ông: "Vào văn công vừa được học, vừa được diễn, lại vừa có thêm tiền phụ giúp gia đình trong khi vào trường Sân khấu phải trả tiền học phí. Tôi không còn lựa chọn nào khác hơn. Thời kì ấy, gia đình tôi quá nghèo khó, mặt khác tôi lấy vợ trong khi chưa có việc làm". Tháng 12 năm 1959, Phạm Bằng tham gia vào Đoàn văn công Hà Nội. Đó là một đoàn tổng hợp các loại hình, từ ca nhạc, múa, kịch nói, cải lương đến chèo, xiếc.
Năm 1964, đoàn kịch Hà Nội cùng các đoàn cải lương, đoàn chèo… được tách ra và bắt đầu đời sống riêng của mình. Tại đoàn kịch Hà Nội, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi mời Phạm Bằng tham gia các vở diễn. Ông bắt đầu nổi tiếng với các vai phản diện.
Nhưng vai diễn đánh dấu niềm đam mê của ông đối với sân khấu kịch là vai thiếu úy Minh trong vở kịch tình báo “Đêm tháng 7” (đạo diễn Dương Linh).
Sau 10 năm ở đoàn kịch Hà Nội, Phạm Bằng chuyển sang Đoàn kịch nói Trung ương, nơi mà mảnh đất rộng hơn cho diễn xuất của ông được khả dụng. Hai vai diễn đã mang lại cho ông hai huy chương Vàng trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc là vai Lý Trưởng trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (của Lưu Quang Vũ) và vai Thương trong “Mớ đời Thương” (của Tất Đạt). Đây là hai vai diễn hoàn toàn trái ngược nhau, một vai phản diện, một vai bi hài, nhưng Phạm Bằng đã vào vai tốt đến nỗi không ai có thể thay thế được.
Tiếp đến khi thời kỳ phim truyền hình nở rộ, các chương trình hài kịch trên ti vi được trình chiếu nhiều, ông chuyển sang các vai diễn hài trong các tiểu phẩm hài của chương trình Gặp nhau cuối tuần VTV3.
Từ đây ông được tạo thương hiệu sếp Bằng hói, với hàng trăm vai diễn là sếp. Cách diễn của ông luôn khiến khán giả bật cười một cách thoải mái, bởi cách nói thì tưng tửng, khuôn mặt có lúc thì nghiêm nghị nhưng có lúc lại tỏ ra sợ vợ, sợ nhân viên.
Năm 1993, ông được phong tặng danh hiệu NSƯT. Năm ngoái trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, ông cơi mở tâm sự, với ông, đi đâu vẫn nằm trong lòng công chúng là ông toại nguyện và mong muốn của ông lúc là khỏe mạnh, còn có công việc làm.
Vĩnh biệt nghệ sĩ Phạm Bằng, nền sân khấu nước nhà lại mất thêm một tên tuổi lớn, tận tụy với nghề. Nụ cười hóm hỉnh và gương mặt của ông sẽ ở lại mãi trong lòng khán giả.
Nhân đây, Doanh Nghiệp Việt Nam xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình NSƯT Phạm Bằng trong nỗi đau mất mát này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo