Con đường nào nâng hiệu quả cho nền kinh tế?
Cần một chiến lược cụ thể
Báo cáo mới nhất về kinh tế vĩ mô, triển vọng thị trường Việt Nam của HSBC dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ giảm xuống 5% năm nay từ mức 5,9% năm 2011, và sẽ chỉ tăng nhẹ lên 5,3% vào năm 2013. Đây là con số khiêm tốn nếu so với xu hướng tăng trưởng Việt Nam từng có là trên 7%.
Điều mà phần lớn các nhà quan sát Việt Nam muốn thấy là chính phủ sẽ làm gì để giảm quan liêu, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ những người nông dân, những nhà sản xuất và các doanh nghiệp tư nhân có hiệu quả và năng suất cao tại Việt Nam cũng như các nhà đầu tư nước ngoài đang muốn làm ăn tại Việt Nam; cải thiện sự phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương cũng như các bộ ngành để thực thi luật pháp một cách có hiệu lực cũng như đảm bảo các mục tiêu phát triển; thúc đẩy năng lực chế biến của Việt Nam để tăng giá trị xuất khẩu, giảm chi phí nhập khẩu; tăng năng suất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu đang tăng lên, v.v… Nói một cách ngắn gọn, phải có những bước đi cụ thể để nâng cao hiệu quả nền kinh tế.
Cơ hội tăng trưởng
Bản khảo sát mới nhất về môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới cho thấy Việt Nam có môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn Ấn Độ, Philippines và Indonesia (nhưng ở sau Thái Lan một khoảng cách khá xa). Tăng trưởng xuất khẩu ở thời điểm hiện tại so với cuối năm trước đang ở mức hai con số, được hỗ trợ bởi đầu tư mới đối với mặt hàng điện tử trong khi tăng trưởng nhập khẩu đã xuống mức một con số. Doanh số bán lẻ đang tăng lên nhờ vào dân số trẻ. Các lợi thế vốn có của Việt Nam – con người và tài nguyên, sẽ giúp đưa đất nước thoát khỏi khó khăn, nhưng một tương lai tươi sáng sẽ chỉ có thể có được với một khu vực công hoạt động hiệu quả hơn và không làm chìm mất những lĩnh vực hoạt động hiệu quả của Việt Nam.
Chỉ số PMI mới nhất cho thấy các hoạt động kinh tế của Việt Nam đang ổn định nhưng không cách gì quay lại xu hướng lâu dài đã có. Chỉ số PMI đã giảm nhẹ so với tháng trước, đánh dấu tháng thứ chín suy giảm trong năm 2012. Điều này có nghĩa là ngoài việc nhu cầu trong nước trì trệ kéo dài, Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi nhu cầu bên ngoài suy yếu.
Chỉ số PMI đã giảm nhẹ so với tháng trước, đánh dấu tháng thứ 9 suy giảm trong năm 2012. Ảnh minh họa (Nguồn:Internet)
Điều lạc quan nhất về tháng 10 là tình hình công ăn việc làm có tăng lên mặc dù điều này chỉ phản ánh những kế hoạch mở rộng đã có từ trước hơn là sự cải thiện chung của nền kinh tế. Điều này có nghĩa là bất kể tăng trưởng kinh tế trì trệ và một môi trường bên ngoài đầy thách thức, các nhà sản xuất ở Việt Nam đã thấy cơ hội tăng trưởng và đang thực hiện các kế hoạch mở rộng để chuẩn bị cho thời điểm khi tăng trưởng quay trở lại.
Một đặc điểm nữa là xuất khẩu hàng điện tử tăng mạnh, phản ánh xu hướng gần đây như công ty điện tử Samsung đã đầu tư thêm 2,2 tỷ USD vào thị trường Việt Nam. Điều này có nghĩa là sắp tới, may mặc và hàng điện tử sẽ là hai mặt hàng xuất khẩu đem lại doanh thu hàng đầu cho Việt Nam và sẽ dần thay thế xuất khẩu nguyên liệu thô.
Tuy nhiên, với nhập khẩu hàng điện tử tăng, phần lớn giá trị gia tăng của Việt Nam là lao động hơn là những mặt hàng có tính công nghệ cao. Trong khi thu hút đầu tư vào công nghệ cao ở Việt Nam có vai trò quan trọng để có thể thu hút lao động và tiếp cận với công nghệ và tập quán quốc tế, cần phải có nỗ lực tập trung để phát triển năng lực cung cấp đầu vào và nâng cao năng suất trong nước. Không có nỗ lực này, năng lực cạnh tranh về lương của Việt Nam sẽ có lúc mất đi khi các nước khác mở cửa thị trường và chi phí lao động trong nước tăng lên, một dòng đầu tư ngược sẽ bất lợi đối với Việt Nam.
Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng
Theo các số liệu của HSBC, đã xuất hiện một xu hướng thú vị. Xuất khẩu sang Trung Quốc tính từ cuối năm ngoái tới nay đã vượt tổng mức xuất sang Trung Quốc của cả năm ngoái. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc lại tăng. Điều này bắt nguồn từ thực tế là Việt Nam đang ngày càng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong khi chi phí sản xuất ở Trung Quốc tăng lên, dẫn tới một vài hàng hóa sản xuất ở Việt Nam sẽ được xuất sang Trung Quốc khi Trung Quốc ngày càng hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây là một cơ hội đối với Việt Nam phục vụ thực hiện công nghiệp hóa nhằm thu hút các kiến thức công nghệ để năng lực cạnh tranh trong tương lai không chỉ còn là nhân công rẻ (ví dụ tạo ra đầu vào cho chuỗi cung ứng của Trung Quốc cũng như chế biến các tài nguyên tự nhiên như hàng thô và và cà phê để tạo ra các sản phẩm thương hiệu Việt Nam có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế).
Điều đáng lạc quan nhất là dòng vốn FDI ổn định, cung cấp vốn đầu tư và công ăn việc làm đang rất cần thiết cũng như khoản kiều hối từ người Việt Nam ở nước ngoài. Nếu tiết kiệm năm nay có thể sử dụng để đầu tư vào các cơ hội làm tăng năng suất của nền kinh tế trong dài hạn, Việt Nam có thể trở lại vững vàng hơn.
Với lạm phát dự tính tăng dần dần từ giờ tới cuối năm, HSBC cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ chưa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ và kỳ vọng lãi suất OMO ổn định ở mức 8%. Nhiều khả năng, lãi suất sẽ chỉ tăng từ năm sau.
Thảo My (Theo VnMedia)
End of content
Không có tin nào tiếp theo