Con đường tận diệt thú rừng
Từ rừng về thị xã
Khi nghe chúng tôi có nhu cầu tìm mối lấy thịt thú rừng đem về TP.HCM bán quán nhậu, T., một thợ săn tại TX.Đồng Xoài tặc lưỡi: “Muốn lấy con gì, chỉ cần cú điện thoại báo số lượng trước là bao nhiêu cũng có”. Theo T., hầu như mối hàng nào muốn làm ăn lâu dài đều phải chịu khó giao dịch một hai lần đầu làm quen, sau khi tạo được niềm tin thì chủ cơ sở mới sẵn sàng đóng gói gửi xe quen xuống TP.HCM giao tận nơi.
T. cho biết, hiện nay thịt rừng vùng Đông Nam bộ chủ yếu được săn tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, thời gian săn chủ yếu về đêm. Khi đi săn, giới thợ săn tại đây thường chuộng loại súng R16 (súng dùng để bắn các loại thú lớn như bò, trâu, nai…) và một loại súng bắn không gây ra tiếng nổ dùng để bắn các loại thú nhỏ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thịt thú rừng sau khi được săn bắn tại vườn này sẽ được bà Bảy (ở Mã Đà, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) thu gom từ các thợ săn. Sau đó, tiếp tục bỏ mối lẻ cho các quán nhậu tại H.Vĩnh Cửu, số còn lại được bí mật tuồn về bỏ sỉ cho vợ chồng Bình Hoa ở TX.Đồng Xoài (Bình Phước).
Từ mối hàng của bà Bảy, chúng tôi tiếp tục lần ra và liên hệ với một người phụ nữ tên Siệp - chủ đầu nậu thu mua thú rừng trực tiếp từ giới thợ săn ngay tại bìa rừng Mã Đà. Theo tìm hiểu, tùy vào hàng nhiều ít mà bà chuyển hàng đưa về TX.Đồng Xoài bán lại cho Bình Hoa. Trước đây bà Siệp thường vào sâu trong rừng mua hàng “nóng” từ những tay thợ săn nhưng sau đó họ mang tận vào rẫy bà để bán.
Mỗi chuyến chuyển hàng của bà Siệp trung bình cách nhau vài ngày đến một tuần. Hôm chúng tôi đặt hàng, bà Siệp nói có sẵn chồn, cheo, voọc, heo rừng… Riêng kỳ đà đến 400 ngàn đồng/kg mà không có để bán. Trâu rừng, bò tót thì gần như không thấy cả năm nay.
|
Cẩn thận hơn, sau khi hàng ra đến bìa rừng, bà Siệp gọi xe taxi đưa đón tận nơi cùng bà chuyển hàng đi giao. Khi biết chúng tôi có nhu cầu mua thịt rừng số lượng lớn, bà Siệp cho hay, bà bỏ sỉ cho Bình Hoa giá thịt cheo 350 ngàn đồng/kg, nhưng bán chúng tôi thì phải với giá là 370 ngàn đồng/kg. Bà Siệp giải thích: “Chị bán cho em có cao hơn giá bỏ cho Bình Hoa, nhưng đảm bảo hàng cho em an toàn thôi. Chịu giá này em chỉ cần nói đi xe nào tại Bình Phước về TP.HCM là chị mang tới tận nơi, em chỉ cần xách hàng là về. Chứ nếu mua tại Bình Hoa sẽ lên đến gần 400 ngàn”.
Xiêm, một thợ săn chuyên “nằm vùng” trong Vườn Quốc gia Cát Tiên cho biết: “Cứ 1 tuần chúng tôi ra khỏi rừng, gom tất cả số thú săn bắn được về Đồng Xoài bỏ cho vợ chồng Bình Hoa. Sau đó lại vào rừng tiếp tục săn bắn”. Khi nghe chúng tôi có nhu cầu lấy hàng đem về TP.HCM, Xiêm vui vẻ nói: “Giá cả đảm bảo rẻ hơn nhà Bình Hoa. Thú sống thì đóng lồng nhốt lại, chết thì làm sẵn ướp đá. Cứ tiền mặt vài lần làm quen trước đã, sau này chỉ cần gọi đặt trước là tụi này gửi xe đem về tận TP.HCM, giao tận nhà”. Ngoài 2 mối chính từ Xiêm và Bảy, vợ chồng Bình Hoa cũng nhận hàng từ các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk về.
Ngoài đầu nậu thịt rừng lớn của Bình Hoa tại TX.Đồng Xoài, hiện nay còn rất nhiều đường dây khác đứng ra mướn các thợ săn giỏi tại Bình Phước vào rừng săn bắn thú. Ông H., một thợ săn tại H.Đồng Phú cho biết: “Mỗi chuyến đi như vậy kéo dài từ 7 - 10 ngày. Xe cộ, ăn uống bọn nó (chủ lò - PV) lo hết. Mình chỉ có nhiệm vụ bắn được càng nhiều thú rừng càng tốt. Thịt rừng được bọn nó vận chuyển ra, mình ăn phần trăm trên giá trị con thú bắn được”.
|
Lò thú rừng giữa lòng phố
Từ những thông tin của các thợ săn và người dân tại TX.Đồng Xoài, chúng tôi quyết định xâm nhập đại lý thú rừng Bình Hoa (đại lý quy mô lớn nhất tại TX - PV) để tìm hiểu. Theo chỉ dẫn, chúng tôi men theo QL14 rồi rẽ vào một con đường nhựa (thuộc P.Tân Biên), chưa đầy một 1 km thì tấp vào một căn nhà cấp 4 nằm ngay mặt đường. Bên ngoài căn nhà rất yên ắng, thế nhưng đi sâu vào bên trong là một khung cảnh náo nhiệt mua và bán thú rừng.
Ngay sau phòng khách là cả một kho hàng lớn với đủ các loại thú rừng sống và ướp đá. Toàn bộ căn nhà được gắn đến 5 camera ở nhiều góc độ để theo dõi người ra vào. Tất cả người làm ở đây đều rất cảnh giác. Thấy chúng tôi bước vào, một người đàn ông cao to áp sát dằn mặt: “Bọn mày là ai? Đi đâu tới đây?”. Khi nghe chúng tôi nói được một người quen ở TX giới thiệu tới để mua ít ký thịt rừng về làm mồi nhậu thì người đàn ông kia mới cho chúng tôi tiếp cận thịt thú rừng.
Được lệnh, một phụ nữ ra dẫn chúng tôi đến mở một tủ đông lạnh nằm sát lối đi để xem 5 con cheo đã đông đá. Bà này huyên thuyên: “Cheo mới làm thịt nên còn rất tươi, 350 ngàn đồng/kg, mua nhiều sẽ được giảm giá”. Theo quan sát, trong tủ đông còn hơn nửa con heo rừng vẫn còn tươi roi rói với một số loài thú khác nằm ngổn ngang. Dọc lối đi lên phòng khách còn có thêm hai tủ đông khác cũng chứa đầy các loại thịt chồn, cầy hương, voọc, nhím được làm sẵn.
|
Lấy cớ không muốn mua thịt thú rừng đã chết, chúng tôi được người phụ nữ này tiếp tục dẫn vào sâu phía sau nhà đến các lồng sắt đang nhốt các loại thú sống. Đoạn căn nhà phía sau phòng khách rộng hơn 5m2 là nơi chứa hàng chục loại thú rừng còn sống. Bên trái lối đi, gần chục con cheo nặng từ 0,8 - 1,2 kg nhốt trong lồng sắt đang run cầm cập khi thấy người. Cạnh đó có khoảng 30 bao tải chứa các loại rắn mua được trong buổi sáng.
Chúng tôi thấy một người thanh niên cầm trên tay con rắn hổ vện nặng gần 2,5 kg, một người phụ nữ mập mạp tay cầm tiền, bút, sổ ra giá: “800 ngàn đồng dứt giá, bán thì bỏ vào bao”. Trong khi đó, người đàn ông nằm võng mắt liên tục đảo quanh để quan sát cử chỉ của chúng tôi. Trong lúc chúng tôi đang lựa hàng thì tại đây có khoảng 7 người liên tục ra vào bán chồn, cheo, rắn.
Theo Thanh Niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo