Xã hội

Con gái liệt sĩ Gạc Ma đã được bố trí việc làm

Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An đã ra thăm, đồng thời báo cáo bố trí tiếp nhận em Trang vào làm việc tại BVĐK Diễn Châu.

 Chiều 17/3, ông Bùi Đình Long, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đã dẫn đầu đoàn công tác của Sở ra gia đình bà Ninh (ở xóm 2, Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An) để thăm hỏi, động viên gia đình bà cùng con cái của liệt sỹ Phan Huy Sơn hi sinh tại đảo Gạc Ma.

 
Tại đây, ông Bùi Đình Long đã công bố việc tuyển dụng em Phan Thị Trang - là người đã gửi thư qua Facebook Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ít ngày trước đó.
 
 Ông Bùi Đình Long – Giám đốc Sở Y Tế Nghệ An gặp mặt gia đình em Trang chiều 17/3
 
Theo ông Long, tỉnh đã quyết định tuyển dụng em Trang vào làm điều dưỡng tại Bệnh viện đa khoa huyện Diễn Châu. Để thực hiện điều này, hiện Sở Y tế đang xin chỉ đạo của UBND tỉnh cho thêm một biên chế vào ngành điều dưỡng tại Bệnh viện đa khoa huyện Diễn Châu. Sở Y tế cũng sẽ cố gắng, bố trí sắp xếp công việc cho em Trang trong thời gian sớm nhất.
 
Liệt sỹ Phan Huy Sơn hi sinh trên đảo Gạc Ma đã 27 năm, nhưng nỗi đau và những khó khăn của vợ, con thì vẫn còn nguyên vẹn. Liệt sỹ Phan Huy Sơn (quê ở xóm 2, Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An). Năm 1981, liệt sỹ Phan Huy Sơn kết duyên cùng bà Trần Thị Ninh, thời gian đôi vợ chồng mới cưới ở bên nhau chưa được bao lâu thì đến tháng 2/1982, liệt sỹ Phan Huy Sơn đã lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc.
 
Nhập ngũ được một thời gian thì ông được điều vào Cửa Hội, thành phố Vinh, Nghệ An lúc bấy giờ học y tá. Sau đó được cử ra thành phố Hải Phòng học lên y sỹ. Hoàn thành việc học, liệt sỹ Phan Huy Sơn lại được điều ra đảo Gạc Ma làm nhiệm vụ.
 
Năm 1984, biết tin người vợ của mình có bầu và sinh cậu con trai đầu lòng là Phan Huy Hà (SN 1984). Ngày vợ sinh con, liệt sỹ Phan Huy Sơn được đơn vị cho về phép thăm vợ con, thế nhưng, niềm vui lớn nhất lại xen lẫn nỗi buồn, khi đứa con trai đầu Phan Huy Hà sinh ra bị bệnh. Phan Huy Hà sinh ra 4 ngày không khóc, 7 ngày không bú, không cười, phải hơn 3 năm mới biết đi, thời gian sau được đưa đi khám mới biết bệnh thần kinh, thiểu năng não.
 
Liệt sỹ Phan Huy Sơn cố giấu nỗi đau này để xa vợ và đứa con tật nguyền tiếp tục ra đảo làm nhiệm vụ thiêng liêng cho Tổ quốc. Ở đảo Song Tử Tây được 2 năm, ông được nghỉ phép 9 tháng về với gia đình. Hết thời hạn nghỉ phép liệt sỹ Phan Huy Sơn lại rời quê hương. Cũng trong thời gian đó, bà Trần Thị Ninh có mang người con thứ hai.
 
Năm 1988, bà Trần Thị Ninh hạ sinh đứa con gái thứ hai, cũng trong thời gian này, liệt sỹ Phan Huy Sơn cùng đồng đội đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma.
 
Thấu hiểu nỗi đau mất bố hy sinh vì Tổ quốc, anh trai bị bệnh, mẹ cũng đau yếu còn mình đang lành lặn hơn, sức khỏe tốt hơn nên Trang nhất quyết phải làm được điều gì đó để có thể bù đắp cho bố, cho mẹ và anh trai nên đã thi đỗ ngành điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y khoa Vinh.
 
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp điều dưỡng nhưng về nhà Trang không thể xin được việc làm mà chỉ quanh quẩn trong nhà, ra bờ ruộng làm cỏ lúa, chăm sóc mẹ, anh trai. Đau đáu trong tâm nguyện, Phan Thị Trang đã viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Y tế qua tin nhắn Facebook, trình bày khó khăn và nguyện vọng muốn có một công việc làm ổn định để có thể phụ giúp mẹ cùng anh trai nhiều hơn trong cuộc sống.
 
Sau khi bức tâm thư của Trang gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có Công văn gửi Sở Y tế Nghệ An về việc thu xếp giúp đỡ Trang có một công việc ổn định gần nhà để tiện chăm sóc mẹ và anh trai./.
Theo VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo