Công an Hà Nam nói về vụ "chặt chém" bát phở 200 nghìn đồng
Mấy ngày vừa qua, người dân liên tiếp phản ánh về nạn "chặt chém" giá các món ăn ở một số quán ăn quanh khu vực cầu Hồng Phú, Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Nhân việc này, nhóm khách hàng là nạn nhân của vụ "chặt chém" giá đã đăng tải trên Diễn đàn OtoFun về tờ phiếu ăn nhớ đời của họ, theo báo Dân Trí.
Cụ thể, theo giấy thanh toán của một nhóm khách: 22 bát phở được tính giá 200 ngàn đồng/bát, 22 cốc trà đá giá 20 ngàn đồng/cốc, 2 chai nước ngọt C2 được tính 80 ngàn đồng/chai. Tổng cộng nhóm khách phải trả tới 5 triệu đồng.
Tình trạng "chém" giá trên diễn ra nhiều năm nay ở các quán ven đường khu vực Hồng Phú, thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, nằm trên quốc lộ 1A cũ đoạn đường sắt cắt chéo đường 1 cũ. Theo nhiều người dân Hà Nam và những người đã từng là nạn nhân của nạn "chặt chém" này thì tình trạng này phải kéo dài khoảng 20 năm nay.
Các quán trên nằm ở khu vực thường là chỗ dừng, nghỉ của nhiều phương tiện giao thông chở khách sau khi đi một quãng đường dài cho nên, nhiều người đi đường không biết, hay chọn làm điểm ăn uống. Mặc dù, các quán ăn "khét tiếng" về việc tính giá quá đắt đỏ nhưng không phải ai cũng biết điều này.
Theo một người từng là khách hàng của một quán ăn ở đây, mặc dù đã lường trước việc bị tính giá cao nên đã mặc cả giá trước khi gọi đồ ăn, uống. Nhưng cuối cùng họ vẫn bị tính giá đắt.
"Ví dụ, một đoàn vào ăn, một người đứng ra hỏi thì chủ quán nói 25 ngàn đồng/bát phở. Tuy nhiên khi ăn xong, họ chỉ tính tiền 25 ngàn đồng/bát còn các bát còn lại tính 200 ngàn đồng", anh Trịnh Văn Giang, một người đã từng ăn ở một quán ăn trên cho biết.
N.K.V, một khách hàng khác, cho biết: "Có quán hỏi giá bát phở, họ bảo 20 ngàn đồng nhưng đến khi trả tiền thì nói, chưa tính 50 ngàn đồng thịt bò".
"Thậm chí, có chỗ còn tính một cốc nước mía 100 ngàn đồng. Khi mình hỏi giá thì chủ quán nói 10 ngàn đồng/cốc. Nhưng sau đó họ bảo, chưa tính 90 ngàn đồng tiền đá", anh Nguyễn Thế Chính (Hà Nội) cho biết.
Dẫu vậy, tình trạng này chỉ diễn ra ở các quán ăn ở khu vực trên. Theo một số người dân ở đây thì việc "chặt chém" khách chủ yếu là ở các quán từ ga Phủ Lý đến khu vực cầu Hồng Phú, đoạn giao cắt đường sắt Bắc Nam với tuyến đường rẽ đi Nam Định.
Nói về việc này, ngày 1/2, ông Lê Đức Tùng, Trưởng Công an TP.Phủ Lý khẳng định với báo chí, dịp nghỉ Tết Đinh Dậu 2017 không có tình trạng hàng quán ở khu vực đường tàu chặt chém khách hàng, theo báo Đất Việt.
Thông tin du khách dừng ăn phở tại khu đường tàu TP.Phủ Lý bị chặt chém 200 nghìn đồng/bát phở trên mạng là không chính xác.
Theo ông Tùng, việc chặt chém xảy ra trước năm 2014. Sau đó, TP.Phủ Lý đã cắm biển cấm dừng đỗ xe, lắp camera theo dõi 24/24 ở khu vực trên, đồng thời tổ chức lực lượng CSGT, cảnh sát cơ động thường xuyên tuần tra ở khu vực trên để xử lý phương tiện dừng, đỗ sai quy định và phản ánh của người dân về tình trạng “chặt chém”.
Ông Tùng khẳng định, khoảng 2 năm trở lại đây và thời gian nghỉ Tết Đinh Dậu tới nay đã không còn tình trạng chặt chém ở khu vực đường tàu, Công an TP.Phủ Lý không nhận được phản ánh nào của người dân về việc bị “chặt chém” khi vàohàng quán khu vực trên ăn uống.
End of content
Không có tin nào tiếp theo