Công an 'truy' công ty Đài Loan xuất cá bẩn sang Nhật
Công an tỉnh Thái Bình đã vào cuộc kiểm tra vụ việc công ty thực phẩm Rich Beauty bị phía Nhật Bản tố xuất cá có phân người, thuốc diệt chuột.
Làm rõ trách nhiệm
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Rong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Bình cho biết ngay sau khi biết thông tin này Sở đã cử các phòng chuyên môn xuống kiểm tra.
Theo đó, phía Công ty TNHH thực phẩm Rich Beauty Việt Nam đã báo cáo Nhật Bản thông báo có 2 lô hàng lẫn chất không mong muốn, một lô lẫn phân người, một lô có thuốc diệt chuột.
Công ty này cũng cho biết để lô hàng xuất ra khỏi nhà máy phải trải qua 7 công đoạn. Các công đoạn đều có công nhân phụ trách và có danh sách đầy đủ.
"Hiện không phải toàn bộ container hàng chuyển sang Nhật bị như vậy mà chỉ có 2 mẫu hàng bị nhiễm bẩn", ông Rong cho biết.
Theo ông Rong, hiện phía Nhật Bản hiện đã thu hồi toàn bộ sản phẩm của container này. Công ty cũng đã báo cho công an tỉnh Thái Bình vào cuộc kiểm tra. Ngoài ra công ty cũng báo với Cục quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xem xét.
"Phía Sở đã kiểm tra để tránh những chuyện sai sót tiếp xảy ra. Đây là chuyện không mong muốn, khi có kết luận điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm", ông Rong nhấn mạnh.
"Lỗi ở khâu nào thì phải chờ kết luận điều tra. Tuy nhiên chất lượng bị như thế vì lý do chủ quan thì đương nhiên công ty bị mất khách hàng và ảnh hưởng tín nhiệm. Trong quá trình điều tra nếu thấy có chuyện tư thù cá nhân thì đương nhiên phải truy cứu trách nhiệm. Còn bản thân công ty đương nhiên sẽ mất tín nhiệm vì trong tất cả các công đoạn sản xuất, kiểm soát sản phẩm của mình mà để xảy ra sai sót như vậy", ông Rong nói.
Không có lý do gì quy chụp cho sản phẩm Việt Nam
Công ty TNHH thực phẩm Rich Beauty Việt Nam là đơn vị chế biến hải sản cao cấp 100% vốn của Đài Loan, hiện đang đóng trụ sở tại Thái Bình nên nhiều lo ngại về sự ảnh hưởng uy tín sản phẩm thủy sản nói chung, song ông Rong cho rằng: "Đương nhiên đơn vị chịu trách nhiệm và ảnh hưởng nhất chính là Công ty TNHH thực phẩm Rich Beauty Việt Nam".
"Đây chỉ là một công ty nhỏ của Đài Loan đóng tại Thái Bình thì không có lý do gì quy chụp cho sản phẩm của Việt Nam nói chung", ông Rong khẳng định.
Đưa ra nhận định của cá nhân, ông Rong cho rằng rất có thể sai sót này nếu có thì ở công đoạn cuối cùng."Bởi nếu ở công đoạn giữa thì chắc chắn các công đoạn sau phải thấy được ngay nhưng đây có thể là sai sót ở khâu cuối cùng", ông Rong dự đoán.
Trên thực tế thực phẩm này đã được phân phối ra ít nhất 12 trong tổng số 47 tỉnh tại Nhật Bản, bao gồm cả Tokyo, Aichi, Kyoto và Osaka. Ngay sau đó các quan chức y tế địa phương đã chỉ đạo cho công ty Imura ngừng bán loại cá bị dính chất bẩn, trong khi Imura cũng đã chủ động tiến hành thu hồi số cá đã được bán ra.
Lãnh đạo công ty Imura cho biết số cá dính chất bẩn được gói trong túi nylong và được đựng trong các thùng các-tông.
Hiện Imura đã mang 2 thùng cá nhiễm độc trả lại cho công ty TNHH thực phẩm Rich Beauty Việt Nam vào cuối tuần trước và đã báo lại cho nhà chức trách Việt Nam.
Theo ông Rong, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ thông tin sớm nhất khi có kết luận điều tra vụ việc.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo