Công bố 4 nguyên nhân làm cá chết hàng loạt trên sông Chà Và
Tại cuộc họp, Viện Môi trường Tài nguyên cho biết qua thực tế điều tra, khảo sát đã xác định bốn nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông Chà Và, đó là ô nhiễm do nước thải từ khu vực Cống số 6 xả ra theo triều; ô nhiễm do chính hoạt động của các lồng bè, thể hiện ở cự ly khoảng cách giữa các bè nuôi quá gần, không còn khoảng trống cho khả năng tự làm sạch của nguồn nước; xả thải từ các ao, đầm nuôi thủy sản trên lưu vực và nước xả thải sinh hoạt từ khu vực xã Long Sơn. Trong đó, Viện Môi trường Tài nguyên đã xác định nguyên nhân chính dẫn đến cá chết hàng loạt là do chính các hoạt động xả thải từ Cống số 6.
Cơ quan này cũng xác định 14 cơ sở chế biến hải sản tại xã Tân Hải gây ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Chà Và là các cơ sở hoạt động xả thải vào Cống số 6. Trong số các cơ sở này có bốn cơ sở chế biến sirimi có lưu lượng nước thải lớn, bốn cơ sở chế biến bột cá, bốn cơ sở chế biến hải sản khác, còn lại là cơ sở sản xuất nước mắm.
Theo tính toán của Viện Môi trường Tài nguyên, các cơ sở này xả thải vào Cống số 6 có tỷ lệ đóng góp gây ô nhiễm ở sông Chà Và với tỷ lệ khoảng 76,64% tải lượng ô nhiễm, nên phải xác định tỷ lệ đóng góp của từng nguồn thải để làm cơ sở tính toán, yêu cầu các chủ nguồn thải đền bù thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Tại cuộc họp, Viện Môi trường Tài nguyên cũng đề xuất vấn đề ô nhiễm nguồn nước trong Cống số 6 là cả quá trình tích lũy lâu dài, trong đó có sự góp phần gây ô nhiễm của tất cả 14 cơ sở chế biến hải sản khu vực Tân Hải, do đó 14 cơ sở này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, do cá chết đã làm thiệt hại của người dân trên sông Chà Và hơn 18,1 tỷ đồng. Với tỷ lệ đóng góp gây ô nhiễm ở sông Chà Và của 14 cơ sở chế biến hải sản với tỷ lệ khoảng 76,64% tải lượng ô nhiễm, Sở cũng đưa ra con số tạm tính mà các doanh nghiệp phải bồi thường cho người dân nuôi trồng thủy sản số tiền 13,8 tỷ đồng, với phương án chia làm ba đợt chi trả cho người dân. Trong số này, doanh nghiệp phải bồi thường với số tiền cao nhất 3,6 tỷ đồng, doanh nghiệp bồi thường số tiền ít nhất là 20 triệu đồng.
Việc yêu cầu bồi thường thiệt hại được thực hiện theo hai bước là thỏa thuận giữa các hộ nuôi cá lồng bè bị thiệt hại và các cơ sở chế biến hải sản gây thiệt hại về mức bồi thường, hình thức bồi thường. Trong trường hợp này, các ban, ngành, địa phương liên quan sẽ hỗ trợ các hộ nuôi cá lồng bè chứng minh việc các cơ sở chế biến hải sản gây ô nhiễm, gây thiệt hại và tổ chức cuộc họp với các cơ sở chế biến hải sản để thương lượng, thỏa thuận bồi thường thiệt hại.
Bước thứ 2 là trường hợp các bên không thương lượng, thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại sẽ tiến hành giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại tại Tòa án. Trường hợp này, các ngành, địa phương có liên quan sẽ hỗ trợ các hộ nuôi cá lồng bè khởi kiện ra Tòa án và chuẩn bị các hồ sơ, bằng chứng để cung cấp cho Tòa án.
Tại cuộc họp, các doanh nghiệp chế biến hải sản khu vực xã Tân Hải đều đề nghị Viện Môi trường Tài nguyên và các ban, ngành liên quan tính toán lại tỷ lệ phần trăm tải lượng của các nguồn xả thải vào đầm chứa nước thải Cống số 6 cho sát với thực tế. Đại diện các doanh nghiệp này cho rằng doanh nghiệp của họ đã và đang được đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải và khẳng định mức độ ô nhiễm không trầm trọng như kết quả mà Viện Môi trường Tài nguyên đưa ra.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng cá chết hàng loạt trên sông Chà Và thời gian qua đã được xác định là do nguồn xả thải từ khu vực Cống số 6.
Tuy nhiên, theo đề nghị của các doanh nghiệp, các ban, ngành liên quan cũng cần tính toán chính xác tỷ lệ % tải lượng của các nguồn xả thải vào đầm chứa nước thải Cống số 6 để làm cơ sở cho các doanh nghiệp thống nhất mức chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo