Công bố gần năm vạn doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động
Đó là con số thống kê trong báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2011, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 14/3.
Theo TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, 2011 là năm khó khăn của nền kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Năm ngoái, số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới đạt trên 77.500 doanh nghiệp, số vốn đăng ký đạt trên 513 nghìn tỷ đồng, giảm 13% về số lượng đăng ký mới và giảm 5,7% về vốn đăng ký so với năm 2010.
Tuy nhiên, chỉ trong chín tháng đầu năm 2011, có tới 48.700 doanh nghiệp giải thể, và xin ngừng hoạt động.
Trong đó, có hơn 5.800 doanh nghiệp giải thể (cả năm là 7.600 doanh nghiệp giải thể), ngừng hoạt động là 11.400 và gần 31.500 doanh nghiệp đã dừng nộp thuế nhưng chưa đăng ký giải thể.
Dẫn số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Hằng cho biết, tổng số doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp, tính đến hết năm ngoái cả nước có 623.000 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với 79.000 doanh nghiệp đã phá sản tính đến hết năm ngoái, cả nước chỉ còn khoảng 544.000 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký trên sổ sách sáu triệu tỷ đồng.
Cũng theo VCCI, trên 80% dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại là của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, có tới 95% các doanh nghiệp Việt Nam thuộc dạng nhỏ và siêu nhỏ, trong đó loại siêu nhỏ chiếm tới 66%.
Trong khi chính sách tiền tệ thắt chặt, khiến doanh nghiệp phải chi phí vay vốn cao, chi phí sản xuất tăng, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, tạo áp lực lên việc cung ứng hàng hóa ra thị trường.
Theo khảo sát của VCCI, có tới 76% số doanh nghiệp được khảo sát phải vay lãi ngân hàng ở mức 18-19% trở lên, đây là mức lãi suất quá cao.
Nếu buộc phải chấp nhận mức lãi trên, chưa đến 50% số doanh nghiệpN có thể chịu đựng được, nửa còn lại kêu sẽ gặp khó khăn nếu phải chịu mức lãi đó lâu dài.
Bà Hằng cho biết, với mức lãi cao trên, doanh nghiệp sẽ không mạnh dạn đầu tư phát triển chiều sâu, họ chỉ chọn đầu tư thương vụ ngắn hạn, hoặc đầu cơ vào các dự án lãi cao, nhưng rủi ro lớn.
Theo dự báo, kinh tế thế giới 2012 tiếp tục khó khăn, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam do quá trình hội nhập, trong đó xuất khẩu sẽ giảm mạnh.
Tuy nhiên, báo cáo thường niên cho thấy, năm 2012, vẫn có 32% số doanh nghiệp được khảo sát có thể mở rộng quy mô kinh doanh, 52% quyết định giữ nguyên quy mô, chỉ 15% số doanh nghiệp có thể giảm và chỉ 1% số doanh nghiệp đóng cửa trong năm nay.
Bình luận về tình hình kinh tế năm nay, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho hay, năm nay vẫn là năm “mừng ít, lo nhiều” của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo