Xã hội

Công bố thêm 6 Luật mới được Quốc hội thông qua

(DNVN) - Chiều 12/7, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn đã tiếp tục công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 Luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.

Trước đó, vào sáng 12/7, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Đường sắt; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Du lịch và Luật Thủy lợi cũng đã được công bố, hiệu lực áp dụng từ ngày 01/01/2018.

Cụ thể 6 Luật mới được công bố vào chiều 12/7 là: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Luật Trợ giúp pháp lý và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (có hiệu lực từ 01/01/2018); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Cảnh vệ, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (có hiệu lực từ 01/7/2018).

Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn chủ trì buổi Công bố Lệnh của Chủ tịch nước.

1. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung những quy định của Bộ luật Hình sự đã có những sai sót và được phát hiện, cùng những nội dung chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế, nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của Bộ luật Hình sự, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội: Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng giới hạn trong 28 tội danh cụ thể và chỉ chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với hai tội danh: giết người và cướp tài sản; sửa đổi, bổ sung một số quy định mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm cả đối với hai tội danh: tài trợ khủng bố và rửa tiền nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế.

Luật bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng, máy tính, mạng viễn thông, bổ sung một tội danh vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian qua.

Thêm vào đó, cùng với việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 3 đã thông qua Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ Luật hình sự số 12/2017/QH14 về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13; Luật thi hành tạm giữ tạm giam số 94/2015/QH13.

2. Luật Trợ giúp pháp lý bao gồm 8 chương, 48 điều, quy định về nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý; chính sách của Nhà nước về trợ giúp pháp lý; nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý; các hành vi bị nghiêm cấm; người được trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý; phạm vi, lĩnh vực, hình thức và hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với hoạt động trợ giúp pháp lý; giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp.

 

Luật cũng mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý từ 6 lên 14 so với Luật Trợ giúp pháp lý 2006; mở rộng đối tượng là trẻ em không nơi nương tựa thành tất cả trẻ em và người dân tộc thiểu số ''thường trú'' thành ''cư trú'' tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

3. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công bao gồm 10 chương, 134 điều, bổ sung các quy định để đảm bảo việc ban hành tiêu chuẩn, định mức, công khai, minh bạch; quy định rõ trách nhiệm tuân thủ, giám sát, kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công trong toàn bộ quy trình đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công để khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua

Luật chú trọng đến việc giao quyền quản lý, quyền sử dụng hoặc các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác nhằm xác định rõ chủ thể quản lý, sử dụng gắn với trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Luật cũng quy định quyền giám sát của cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm việc sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình.

4. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bao gồm 9 chương, 78 điều, quy định cụ thể về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; thiệt hại được bồi thường; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường.

 

Luật bổ sung quy định việc giải quyết bồi thường được giải quyết tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, được kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.

Luật cũng mở rộng nguyên tắc bồi thường, cho phép người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay ra tòa khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự; kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án dân sự và thi hành án hình sự. Luật này có hiệu lực thi hành từ 01/7/2018.

5. Luật Cảnh vệ mới gồm 6 chương, 33 điều (bổ sung 2 chương, 12 điều so với Pháp lệnh Cảnh vệ 2005) được xây dựng trên quan điểm quán triệt và thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Luật cũng quy định cụ thể về đối tượng cảnh vệ, biện pháp và chế độ cảnh vệ; lực lượng cảnh vệ, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng cảnh vệ và chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; công tác khen thưởng và xử lý vi phạm.

6. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ bao gồm 8 chương, 76 điều, bổ sung đối tượng được trang bị vũ khí là Cảnh sát biển, Cơ yếu, Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm điều kiện cho các lực lượng này thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao…so với Pháp lệnh trước đó.

 

Luật cũng quy định nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng theo hướng: khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng và phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra

Bên cạnh đó, Luật quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ; điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vât liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ; tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ…

Nam Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo