Công chức lương thấp nên nhận phong bì?
Năm 2015, phải thật sự tiết kiệm chi tiêu ngân sách, giảm tối đa các khoản chi tiêu không cần thiết để tăng lương cho cán bộ, công chức theo lộ trình.
Đó là kiến nghị của ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, đại biểu tỉnh Đồng Nai.
Tại buổi thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015 vào chiều 31/10, nhiều đại biểu đã quan tâm đề cập đến vấn đề tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức trong năm 2015.
Theo ông Tùng, đối với khu vực hưởng lương từ ngân sách đã có lộ trình tăng lương, nếu bây giờ bảo khó khăn không thực hiện thì những người lao động hưởng lương thấp làm sao đủ sống? Trong khi đó, lương thấp thì cán bộ, công chức lại gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, vui vẻ nhận cái phong bì "bôi trơn". Như vậy nguy cơ còn lớn hơn nữa.
Về ý kiến lương thấp là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ, công chức... tham nhũng, tiêu cực, TS Lê Hồng Huyên ở Vụ Xã hội, Ban Kinh tế TƯ cũng từng cho rằng, tác hại của việc lương thấp thì ai cũng rõ, “đói ăn vụng, túng làm liều”.
Từ năm 2012, ông Huyên đã đưa ra một con số khảo sát cho thấy "mức sống cán bộ công chức mới xấp xỉ 30%, có nghĩa để tồn tại được (50%) thì phải kiếm sống bằng những việc không đàng hoàng rồi".
Còn ông Jairo Acuna Alfaro – Cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, lương tối thiểu chính thức ở Việt Nam vẫn được xem là rất thấp và không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt căn bản của công chức. Vì vậy, công chức phải sống dựa vào nhiều nguồn thu nhập không chính thức. Thu nhập này không nhất thiết là bất hợp pháp, song lại làm phân tán công việc và nghĩa vụ chính, giảm hiệu quả công tác của công chức.
Một báo cáo khác của đại diện UNDP Việt Nam khoảng 2 năm trước có đưa ra con số thống kê trong đó có tới 30% cho biết sẽ sử dụng chức vụ của mình để nhận quà, tiền từ người dân, doanh nghiệp, 25% sử dụng mối quan hệ từ chức vụ của mình để làm thêm và tới 34% sử dụng thời gian của cơ quan để làm thêm…
Điều mâu thuẫn là, Cũng trong kỳ họp lần này, nhiều đại biểu cũng chỉ rõ, chính bộ máy biên chế cồng kềnh hiện nay khiến cho việc tăng lương theo lộ trình khó thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thẳng thắn: "Nếu chúng ta không giảm được bộ máy cồng kềnh thì đương nhiên nguồn chi thường xuyên sẽ không giảm và nền kinh tế chắc chắn khó khăn".
Đồng quan điểm, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: "Không giảm được biên chế rõ ràng sẽ làm cho nợ công tăng thêm.
Thứ hai là muốn cải thiện được chất lượng đội ngũ cán bộ thì chỉ có cách là tăng thu nhập cho họ nhưng bởi vì số lượng biên chế quá đông như thế trong khi đó lại chưa lựa chọn được những người có năng lực để trả lương cao thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng chung.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta không thu hút được người giỏi".
Còn nhớ, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam hiện có 2,8 triệu công chức trong đó có khoảng 30% (tức 840.000 người) công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Ngoài số 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” mà Phó Thủ tướng nói, nhiều ý kiến cũng chỉ rõ 30% khác cần phải được "cầm tay chỉ việc".
Theo Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo