Pháp luật

Công chức “vô ý”, Nhà nước oằn lưng bồi thường

Từ khi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực (tháng1-2010) đến nay, Nhà nước chưa thu được khoản tiền hoàn trả nào từ người thi hành công vụ có hành vi sai trái.

Năm 2010, ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) được TAND tỉnh Thái Bình bồi thường 668 triệu đồng vì bị kết án oan. Theo TAND tỉnh Thái Bình, thẩm phán của TAND tỉnh Thái Bình có lỗi “vô ý” trong việc kết án oan ông Phi nên không phải chịu trách nhiệm hoàn trả. Trong ảnh: ông Phi đợi nhận tiền bồi thường - Ảnh: Tâm Lụa

Nội dung trên theo báo cáo của Bộ Tư pháp.
 
Tại sao? Vì Luật TNBTCNN quy định trong lĩnh vực tố tụng hình sự, nếu người thi hành công vụ có lỗi vô ý thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả. Cán bộ công chức có hành vi sai trái, Nhà nước vẫn phải oằn lưng chi trả tiền bồi thường cho lỗi “vô ý”.
 
Quy định như vậy liệu đã đủ sức răn đe, có nâng cao được tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức trong các cơ quan tiến hành tố tụng?
 
* Ông TRẦN VIỆT HƯNG (phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước - Bộ Tư pháp):
 
Cân nhắc khi sửa luật
 
Ðiều 56 Luật TNBTCNN quy định trong hoạt động tố tụng hình sự, nếu người thi hành công vụ có lỗi vô ý thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.
 
Quy định này xuất phát từ lý do trong hoạt động của tòa án, nếu đưa ra lỗi để xác định trách nhiệm hoàn trả thì ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý cũng như quyết tâm của người thẩm phán, chủ tọa phiên tòa khi giải quyết vụ án.
 
Chúng ta nên sử dụng nhiều biện pháp khác ngoài quy định trách nhiệm hoàn trả. Hệ thống luật chúng ta rắc rối, việc áp dụng quy định của pháp luật khi ra bản án có những cái phụ thuộc vào bản lĩnh và năng lực của thẩm phán.
 
Quá trình nghiên cứu để chuẩn bị sửa đổi bổ sung Luật TNBTCNN trong thời gian tới, nhiều đại biểu đã yêu cầu đưa trách nhiệm hoàn trả đối với lỗi vô ý trong hoạt động tố tụng hình sự.
 
Chúng tôi đang cân nhắc quy định như vậy thì lợi - hại như thế nào. Vì xác định lỗi cố ý trong việc ra bản án trái pháp luật rất khó. Ngoài ra, chúng tôi sẽ đề xuất tăng mức hoàn trả để có đủ sức răn đe đối với cán bộ công chức làm sai.
 
* Ông VŨ TRUNG THÀNH (phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ðiện Biên):
 
Quy định phù hợp
 
Luật TNBTCNN được ban hành để xác định rõ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại, góp phần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, công chức khi thi hành công vụ.
 
Đồng thời cũng tạo điều kiện cho người bị thiệt hại thực hiện quyền công dân về yêu cầu được bồi thường.
 
Trong thực tế hoạt động tố tụng hình sự, trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm và do yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ra các quyết định nhanh chóng.
 
Do đó, sẽ không tránh khỏi việc gây ra thiệt hại. Vì vậy, Luật TNBTCNN quy định như hiện nay “trong trường hợp gây ra thiệt hại do lỗi vô ý thì người có thẩm quyền không phải chịu trách nhiệm hoàn trả” là phù hợp.
 
Quy định như trên sẽ không gây áp lực cho người tiến hành tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng đang thực thi nhiệm vụ.
 
Mặt khác, nếu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng khi thi hành công vụ mà cố ý làm sai lệch hồ sơ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, vi phạm các quy định của pháp luật về điều tra, truy tố, xét xử... thì phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội mà Bộ luật hình sự đã quy định.
 
* ThS NGUYỄN MINH SƠN (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang):
 
Ảnh hưởng đến tâm lý người thi hành công vụ
 
Xét dưới góc độ Bộ luật dân sự thì lỗi vô ý hay cố ý đều phải bồi thường. Luật TNBTCNN có hai mối quan hệ: quan hệ giữa công chức - người bị thiệt hại và quan hệ giữa công chức - Nhà nước.
 
Quan hệ thứ hai là quan hệ hoàn trả, quan hệ thứ nhất là nghĩa vụ bồi thường. Xét trách nhiệm bồi thường, quan hệ thứ nhất phù hợp với Bộ luật dân sự, anh gây thiệt hại cố ý hay vô ý đều phải bồi thường.
 
Quan hệ thứ hai, theo quan điểm của tôi, có lỗi vô ý nhưng buộc họ hoàn trả sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của người thi hành công vụ.
 
Khi xử lý vụ việc, họ sẽ e ngại việc gây ra thiệt hại, điều này tác động rất lớn đến tâm lý, ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả của người thi hành công vụ.
 
Mặt khác, trong hình sự có những tình huống buộc người thi hành công vụ phải xử lý ngay tức thời. Khả năng gây thiệt hại là cao, nhưng buộc họ phải làm như thế để ngăn chặn hành vi vi phạm trong hình sự.
 
* Luật sư PHẠM VĂN THẠNH (Ðoàn luật sư TP.HCM):
 
Quy định không thực tế
 
Trước hết, mọi hoạt động tố tụng hình sự được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn liên quan. Ai cố tình vi phạm gây ra hậu quả thì đó là lỗi cố ý.
 
Làm sai phải bồi thường thì mới nêu cao tinh thần trách nhiệm của công chức đối với công việc của mình.
 
Còn xác định lỗi vô ý không phải hoàn trả thì Nhà nước gánh chịu (tức là cứ lấy tiền thuế của dân nộp để bồi thường) thì việc ban hành đạo luật đó chỉ mang tính hình thức, không thực tế... như vậy đâu cần ban hành đạo luật đó làm gì?
 
Tôi thấy quy định nêu trên là chưa phù hợp, luật chưa sát thực tế, là kẽ hở để bao che cho công chức làm sai, chỉ cần xác định lỗi vô ý là xong.
 
Ðã làm sai phải bồi thường, luật không nên quy định lỗi vô ý không phải chịu trách nhiệm hoàn trả mà công chức gây thiệt hại, oan sai phải bồi thường tùy theo mức độ sai phạm của mình.
 
Có như vậy mới nâng cao ý thức, trách nhiệm của công chức, tránh lạm quyền, ỷ lại làm qua loa gây thiệt hại, sẽ giảm được nhiều vụ án oan sai và hạn chế được việc cố ý làm oan sai cho người khác mà vẫn ung dung cho là “vô ý”.
 
* Thẩm phán TRƯƠNG VIỆT TOÀN (phó chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân TP Hà Nội):
 
Làm sai phải bồi thường
 
Theo tôi, người thi hành công vụ làm sai và gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm dù đó là lỗi cố ý hay vô ý.
 
Ví dụ như việc gây ra tai nạn giao thông, là lỗi vô ý nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự là bồi thường cho người thiệt hại. Lỗi vô ý là do anh cẩu thả, làm không hết trách nhiệm của mình để xảy ra thiệt hại khiến Nhà nước phải bồi thường.
 
Cần có quy định dù là lỗi vô ý hay cố ý thì người thi hành công vụ vẫn phải chịu trách nhiệm, như vậy mới nâng cao được tinh thần trách nhiệm đối với người thi hành công vụ.           
 
Nhà nước đã bồi thường hơn 1,7 tỉ đồng
 
Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy từ tháng 10-2013 đến tháng 7-2014, viện kiểm sát tiếp nhận 30 đơn yêu cầu thực hiện trách nhiệm bồi thường theo Luật TNBTCNN.
 
Ðã kiểm tra hồ sơ, thẩm định và thương lượng với 11 trường hợp, đã bồi thường 606 triệu đồng cho bảy người. Các vụ việc còn lại vẫn đang tiếp tục giải quyết.
 
Từ tháng 10-2013 đến tháng 7-2014, tòa án các cấp thụ lý 15 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án, đã giải quyết được sáu trường hợp thông qua thương lượng với số tiền phải bồi thường là 1,134 tỉ đồng.
 
Tòa án các cấp cũng đã thụ lý 11 vụ yêu cầu các cơ quan tiến hành hành tố tụng bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự. Tuy nhiên các vụ bồi thường này không thu được đồng hoàn trả nào từ cán bộ công chức làm sai.
Theo Tuổi Trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo