Phân tích

Cộng đồng kinh tế ASEAN: Doanh nghiệp cần chủ động!

(DNVN) - Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động trong hội nhập, tìm kiếm và tiếp cận thông tin về hội nhập. Khi tham gia vào sân chơi hội nhập, cần chủ động học hỏi để tìm kiếm cơ hội kinh doanh dựa trên những lợi thế so sánh và năng lực của bản thân.

Nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm khó khăn

Theo đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức thành lập vào cuối năm 2015 và nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp ASEAN nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng bởi đây là một khu vực có môi trường kinh tế ổn định, năng động và khả năng cạnh tranh cao. Thuế nhập khẩu sẽ giảm dần về 0% góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng, có cơ hội mở rộng trao đổi thương mại ở một thị trường rộng lớn, thu hút đầu tư dựa trên lợi thế của một thị trường mở. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho các công ty sản xuất lớn, giúp doanh nghiệp tiếp cận được khoa học công nghệ, phương thức quản lý hiện đại.

Hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, doanh nghiệp Việt Nam cần sự chủ động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, việc gia nhập AEC sẽ tác động rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam. Đầu tiên là sức ép từ hàng hóa nhập khẩu, cạnh tranh về dịch vụ, đầu tư từ các nước ASEAN dẫn đến một số ngành và doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phải rút khỏi thị trường.

Bên cạnh đó, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô, một số mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, giá trị xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng thấp, chủ yếu vẫn nằm trong nhóm hàng gia công như dệt may, giầy dép, máy vi tính… mới chỉ dừng ở giai đoạn gia công, lắp ráp. 

Mặt khác, AEC đem lại lợi thế về rào cản thuế quan cho tất cả các nước nhưng rào cản về phi thuế quan cũng bị siết chặt hơn. Các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy chuẩn cao về bảo vệ môi trường… sẽ được các nước sử dụng nhằm bảo vệ ngành, doanh nghiệp và các sản phẩm trong nước. 

Trong đó, quy tắc xuất xứ có vai trò quan trọng, yêu cầu về hàm lượng khu vực (ít nhất 40% hàm lượng sản phẩm làm ra phải có xuất xứ nội khối thì mới được hưởng thuế suất 0%) là một rào cản lớn đối với các nước sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu chủ yếu từ các nước ngoài ASEAN.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt chưa tận dụng được các ưu đãi thuế quan, cũng như chưa thực sự quan tâm tới sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhà đầu tư từ Thái Lan, Malaysia, Singapore... xâm nhập thị trường Việt Nam đã đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp nội khi AEC được thành lập. 

 

Cũng theo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, hiện mới chỉ có 30% hàng hóa Việt Nam xuất vào ASEAN được hưởng ưu đãi xuất khẩu, 70% hàng hóa còn lại xuất đi theo con đường bình thường, không khai thác được các ưu đãi miễn thuế. Ở chiều ngược lại, dù Việt Nam chưa hội nhập hoàn toàn, chỉ mới bắt đầu cắt bỏ thuế quan từ năm 2014 và vẫn còn 7% tổng biểu thuế sẽ được gỡ bỏ linh hoạt đến năm 2018, nhưng thị trường Việt Nam đã sớm được các nhà đầu tư ASEAN quan tâm. 

Từ  năm 2010, hàng hóa ở các nước ASEAN đã ồ ạt đổ vào Việt Nam, cán cân thương mại giữa Việt Nam - ASEAN nghiêng toàn bộ về nhập siêu. Hoạt động đầu tư từ các nước ASEAN vào Việt Nam cũng không ngừng gia tăng, tính đến hết tháng 6/2015, vốn từ các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam đạt gần 55 tỷ USD với hơn 2.600 dự án.

Chủ động tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức

 Đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, AEC đang đến rất gần và đặt Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác trước những vận hội mới. Thực tế này đã và đang đòi hỏi Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự quan tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong quá trình tham gia “sân chơi” chung AEC. 

Trong đó, tập trung vào cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia là các yếu tố then chốt. 

 

Cụ thể, bên cạnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, cải thiện môi trường kinh doanh, rút ngắn thời gian khởi sự doanh nghiệp… Nhà nước cần có những hỗ trợ về thông tin hội nhập thông qua các cuộc hội thảo, đào tạo giới thiệu về thị trường các nước ASEAN, những ưu đãi và thuận lợi mà các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng cũng như những khó khăn có thể gặp phải nhằm giúp cho doanh nghiệp định hướng kinh doanh, có chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp với thị trường ASEAN. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo, quản lý, xúc tiến quảng bá hàng hóa, chia sẻ các kinh nghiệm trong việc áp dụng thành tựu khoa học mới vào sản xuất.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động trong hội nhập, tìm kiếm và tiếp cận thông tin về hội nhập. Doanh nghiệp tham gia vào sân chơi hội nhập, cần chủ động học hỏi để tìm kiếm cơ hội kinh doanh dựa trên những lợi thế so sánh và năng lực của bản thân; phải học cách kết nối để cùng chấp nhận cạnh tranh; học cách huy động vốn và tận dụng hợp lý các công cụ huy động vốn, cách quản trị doanh nghiệp, cách đối thoại pháp lý cũng như phải đồng hành cùng Chính phủ trong việc thực hiện cải cách. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập và đối mặt với xu thế tự do hóa đầu tư, thương mại, giảm và xóa bỏ thuế quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính… Từ đó, điều chỉnh chiến lược sản phẩm, chiến lược kinh doanh thích ứng với những thay đổi trong chính sách sản xuất toàn cầu, đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ nhằm tận dụng được các ưu đãi về thuế quan.

Đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, Việt Nam cần nâng cao năng suất lao động để chuẩn bị hội nhập hiệu quả. Hiện năng suất trung bình của người lao động Việt Nam chỉ bằng 1/2 năng suất lao động của Philippines, bằng 1/4 của Thái Lan, bằng 1/10 của Malaysia và chưa bằng 3% năng suất lao động của Singapore. Điều này cho thấy nguy cơ nền kinh tế Việt Nam cạnh tranh với các nước trong khu vực chỉ dựa vào lao động giá rẻ, năng suất lao động thấp là rất cao. 

Chính vì vậy, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động là yếu tố cần thiết để hội nhập AEC một cách hiệu quả. Muốn tận dụng thời cơ, đẩy xa thách thức, bên cạnh sự trợ giúp của Chính phủ, cần nhiều hơn nữa sự chủ động, linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp.

 

Theo cam kết, đến năm 2018, sẽ có khoảng 97% hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam được miễn thuế. Trên thực tế, kể từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN đã thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng, chủng loại hàng hóa nhất định. Đến năm 2015, Việt Nam cam kết đưa thuế suất về mức 0 - 5% đối với 90% số dòng thuế và đến năm 2018 sẽ phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với 4 mặt hàng là đường, muối, trứng gia cầm và thuốc lá nguyên liệu.

Viện Chiến lược và Chính sác tài chính (Bộ Tài chính).

Nên đọc
HÒA HẬU thực hiện
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo