Phân tích

Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội và thách thức đối với DNNVV Việt Nam

(DNVN) - "Việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tác động rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam", đó là đánh giá của ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương).

Thị trường rộng lớn

Theo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được coi là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập các nền kinh tế Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, hình thành một thị trường quy mô lớn có GDP xấp xỉ 2.400 tỷ USD, với trên 600 triệu dân ngang bằng với nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ và làm chuyển biến nền kinh tế của 10 nước trong khối ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Khi AEC đi vào hoạt động sẽ tạo ra một thị trường đơn nhất, khai thác tối đa các lợi ích do hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, thuế suất sẽ giảm dần về 0%.

Cộng động kinh tế ASEAN hình thành một thị trường quy mô lớn có GDP xấp xỉ 2.400 tỷ USD, với trên 600 triệu dân ngang bằng với nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới.

Bên cạnh đó, AEC cũng sẽ đưa ra một kế hoạch hành động trung hạn với Hiệp định khung ASEAN về hội nhập các ngành ưu tiên, theo đó, các quốc gia thành viên sẽ loại bỏ thuế quan sớm hơn 3 năm so với cam kết theo chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) của AFTA. 

Trong đó, các ngành ưu tiên hội nhập bao gồm: 7 ngành sản xuất hàng hóa là nông sản, thủy sản, sản phẩm cao su, sản phẩm gỗ, dệt may, điện tử, ô tô; 2 ngành dịch vụ là hàng không, logistic và E-ASEAN (thương mại điện tử) và 2 ngành vừa hàng hóa vừa dịch vụ là y tế và công nghệ thông tin.

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, AEC được thành lập với mục đích hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn được luân chuyển và lưu thông tự do, kinh tế phát triển đồng đều, giảm đói nghèo và chênh lệch kinh tế - xã hội vào năm 2020. 

Bên cạnh đó, AEC cũng nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như doanh nghiệp thông qua hội nhập nhanh hơn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của ASEAN. Trong đó chú trọng việc đưa ASEAN trở thành một cơ sở sản xuất và thị trường chung; phát triển cân bằng giữa các nước thành viên, khắc phục khoảng cách phát triển giữa các nước trong khu vực.

Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh về mặt kinh tế của toàn khu vực và đưa kinh tế ASEAN hội nhập sâu hơn với kinh tế toàn cầu. AEC vừa mang đến cho các quốc gia thành viên những vận hội mới nhưng cũng đòi hỏi các quốc gia không ngừng nỗ lực, chủ động nắm bắt cơ hội và sẵn sàng đối mặt với những thách thức để xây dựng AEC phát triển bền vững.

 

Áp lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đánh giá tác động của việc gia nhập AEC, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, ông Lương Hoàng Thái nhận định: “AEC tạo ra một thị trường khu vực rộng lớn, sẽ đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp mạnh đủ sức cạnh tranh vươn xa nhờ lợi thế kinh tế theo quy mô (sản xuất và phân phối quy mô càng lớn thì giá thành sản phẩm càng giảm), đồng thời các doanh nghiệp cũng có cơ hội phát triển thị trường ngách (phục vụ nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp và người dân ASEAN với danh mục sản phẩm và dịch vụ ngày càng mở rộng)”.

Ông Thái cũng cho rằng, AEC mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp ASEAN nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng bởi đây là một khu vực có môi trường kinh tế ổn định, năng động và khả năng cạnh tranh cao. 

Ông Thái phân tích, thuế nhập khẩu sẽ giảm dần về 0% góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng, có cơ hội mở rộng trao đổi thương mại ở một thị trường rộng lớn, thu hút đầu tư dựa trên lợi thế của một thị trường mở. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho các công ty sản xuất lớn, giúp doanh nghiệp tiếp cận được khoa học công nghệ, phương thức quản lý hiện đại.

Tuy nhiên, việc gia nhập AEC sẽ tác động rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam. Đầu tiên là sức ép từ hàng hóa nhập khẩu, cạnh tranh về dịch vụ, đầu tư từ các nước ASEAN dẫn đến một số ngành và doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phải rút khỏi thị trường.

 

Bên cạnh đó, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô, một số mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, giá trị xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng thấp, chủ yếu vẫn nằm trong nhóm hàng gia công như dệt may, giầy dép, máy vi tính… mới chỉ dừng ở giai đoạn gia công, lắp ráp. 

Mặt khác, AEC đem lại lợi thế về rào cản thuế quan cho tất cả các nước nhưng rào cản về phi thuế quan cũng bị siết chặt hơn. Các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy chuẩn cao về bảo vệ môi trường… sẽ được các nước sử dụng nhằm bảo vệ ngành, doanh nghiệp và các sản phẩm trong nước. 

Trong đó, quy tắc xuất xứ có vai trò quan trọng, yêu cầu về hàm lượng khu vực (ít nhất 40% hàm lượng sản phẩm làm ra phải có xuất xứ nội khối thì mới được hưởng thuế suất 0%) là một rào cản lớn đối với các nước sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu chủ yếu từ các nước ngoài ASEAN.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt chưa tận dụng được các ưu đãi thuế quan, cũng như chưa thực sự quan tâm tới sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhà đầu tư từ Thái Lan, Malaysia, Singapore... xâm nhập thị trường Việt Nam đã đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp nội khi AEC được thành lập. 

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện mới chỉ có 30% hàng hóa Việt Nam xuất vào ASEAN được hưởng ưu đãi xuất khẩu, 70% hàng hóa còn lại xuất đi theo con đường bình thường, không khai thác được các ưu đãi miễn thuế. 

 

Ở chiều ngược lại, dù Việt Nam chưa hội nhập hoàn toàn, chỉ mới bắt đầu cắt bỏ thuế quan từ năm 2014 và vẫn còn 7% tổng biểu thuế sẽ được gỡ bỏ linh hoạt đến năm 2018, nhưng thị trường Việt Nam đã sớm được các nhà đầu tư ASEAN quan tâm. Từ  năm 2010, hàng hóa ở các nước ASEAN đã ồ ạt đổ vào Việt Nam, cán cân thương mại giữa Việt Nam - ASEAN nghiêng toàn bộ về nhập siêu. Hoạt động đầu tư từ các nước ASEAN vào Việt Nam cũng không ngừng gia tăng, tính đến hết tháng 6/2015, vốn từ các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam đạt gần 55 tỷ USD với hơn 2.600 dự án.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo