Phân tích

Cộng đồng kinh tế ASEAN: Việt Nam đang có bước đi chủ động, tích cực

(DNVN) - Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) đã đưa ra khẳng định như vậy trong bối cảnh Việt Nam cùng các nước thành viên sắp bước cuộc cạnh tranh khốc liệt khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập.

Ông Lương Hoàng Thái cho biết, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là cơ chế hợp tác dự kiến có hiệu lực từ ngày 31/12/2015. Cạnh tranh trên thị trường lao động sẽ trở nên gay gắt nhưng AEC cũng sẽ là cơ hội cho các nước nâng cao khả năng cạnh tranh trước ngưỡng cửa hội nhập.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cũng cho biết, AEC là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN (cộng đồng chính trị - an ninh, cộng đồng kinh tế và cộng đồng văn hóa - xã hội). AEC là cơ chế hợp tác có hiệu lực từ ngày 31/12/2015 với quy mô dân số trên 600 triệu người và GDP khoảng 2.500 tỷ USD. 

Theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), AEC chính thức thành lập sẽ tạo cơ hội cho nhiều ngành nghề phát triển nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với các ngành nghê như dệt may, da giầy...
Theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), AEC chính thức thành lập sẽ tạo cơ hội cho nhiều ngành nghề phát triển nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với các ngành nghê như dệt may, da giầy...

Theo cơ chế này, bên cạnh dòng hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư, vốn, nguồn lao động di chuyển tự do giữa các nước ASEAN là nguồn lao động có kỹ năng. Một thị trường lao động nói chung và một phân khúc thị trường lao động có trình độ cao, lao động có kỹ năng sẽ nhanh chóng được hình thành trong AEC. 

Việt Nam là một thành viên của ASEAN cho nên việc lao động di chuyển giữa các nước thành viên trong đó có Việt Nam là tất yếu và cũng là cơ hội để quá trình hội nhập và cạnh tranh trên phân khúc thị trường lao động có kỹ năng. Cạnh tranh trên thị trường lao động sẽ trở nên gay gắt và sự tham gia của lao động nước ngoài trên thị trường lao động Việt Nam cũng tất yếu.

Nói về sự chuẩn bị của Việt Nam khi AEC sắp chính thức thành lập, ông Thái cho biết, vào ngày 31/1/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 142/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế làm việc và phối hợp giữa các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN cua VIệt Nam. Theo đó, Bộ Công thương được giao là cơ quan chủ trì, đầu mối điều phối các hoạt động của Việt Nam trong trụ cột kinh tế ASEAN và Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Quan điểm của Việt Nam là chủ động, tích cực cùng các nước ASEAN xây dựng thành công AEC năm 2015. Với quan điểm này, thời gian qua Bộ Công thương đã chủ động phối  hợp với các Bộ, ngành tham gia AEC và tích cực triển khai các biện pháp ưu tiên nhằm thực hiện kế hoạch tổng thể và xây dựng AEC, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại hàng hóa (cắt giảm thuế nhập khẩu và các rào cản phi thuế quan, thuận lợi hóa thương mại), thương mại dịch vụ và đầu tư, giao thông vận tải, hợp tác tài chính, chính sách cạnh tranh, nông nghiệp, năng lượng, kết nối ASEAN, tiêu chuẩn hợp tác với các đối tác nước ngoài khối.

"Trong quá trình này, chúng tôi cũng đã đàm phán với các nước ASEAN để dành các cam kết và lộ trình phù hợp với năng lực thực thi và trình độ phát triển của ta", ông Thái chia sẻ.

 

Cũng theo ông Thái, một trong những điểm nổi bật của việc thành lập AEC là việc cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa của các nước ASEAN. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu tong ASEAN được Việt Nam thực hiện từ khi gia nhập ASEAN. Đến năm 2015, Việt Nam đã đưa thuế suất về 0-5% đối với khoảng 90% số dòng thuế, chỉ được linh hoạt giữ thuế suất đối với 7% số dòng thuế còn lại tới năm 2018. 

"Như vậy, chỉ chưa còn tới 3 năm nữa, khoảng 97% hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ được miễn thuế  ( các nước ASEAN -6 đã thực hiện nghĩa vụ này từ năm 2010, tức là năm 2010, khoảng 98%-99% hàng xuất khẩu của ta sang các nước ASEAN-6 đã được miễn thuế nhập khẩu). Về các biện pháp phi thuế quan, tới năm 2018 ta sẽ phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với 4 mặt hàng là đường( đường tinh luyện, đường thô), muối, trứng gia cầm, thuốc lá nguyên liệu", ông Thái cho biết.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cũng cho biết thêm, về dịch vụ, trong khuôn khổ thực hiện cam kết thực hiện Hiệp định khung về dịch vị ASEAN ( AFAS năm 1995). Đến nay, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN đưa ra cam kết theo 9 Gói cam kết về thương mại dịch vụ chung, 6 Gói cam kết về dịch vụ tài chính, 8 Gói cam kết về dịch vụ vận tải hàng không. Các cam kết này phù hợp với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của ta và trong khuôn khô pháp luật hiện hành.

Về đầu tư, Việt Nam và ASEAN đã ký kết Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) năm 2009. Cam kết của Việt Nam phù hợp với Luật đầu tư năm 2005 và Luật Đầu tư sửa đổi năm 2014.

Cuối cùng, ông Thái khẳng định, nhìn chung, cho tới nay, Việt Nam luôn nằm trong số các nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất các biện pháp trong Lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN. Đối với các biện pháp ưu tiên mà ASEAN đã đề ra tới hết năm 2015, Việt Nam và Singapore là hai nước có tỷ lệ cao nhất trong ASEAN, đạt 93,5%, so với mức chung cảu ASEAN là 90,5%. Điều này thể hiện sự nghiêm túc và nỗ lực của Việt Nam trong việc chung sức Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015.

 

"Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp xây dựng AEC, chúng tôi cũng rất chú trọng, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về AEC đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân thông qua nhiều hình thức, các hội thảo", ông Thái khẳng định.

HÒA HẬU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo