Thị trường

Công khai qũy bình ổn xăng dầu để chấm dứt lạm dụng quỹ?

Bộ Tài chính vừa công bố tình hình trích lập, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến thời điểm tháng 6/2013. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần xem xét lại cách trích lập và sử dụng nguồn tiền này để tránh việc lạm dụng quỹ…

Công khai số tiền dân "ứng trước"!?


(NĐT) Ngày 9/7, lần đầu tiên Bộ Tài chính công khai quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG). Theo đó, số dư quỹ BOG đến 01/01/2013 là 756,383 tỷ đồng. Trong đó, tổng số trích quỹ đến ngày 30/6/2013 là 2.231,452 tỷ đồng; tổng số sử dụng quỹ đến hết tháng 6 là 2.932,368 tỷ đồng. Như vậy, tính tới hết tháng 6, quỹ BOG còn dư 55,467 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, việc công bố quỹ BOG sẽ được công khai vào tháng đầu quý trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính. Việc trích quỹ BOG là nhằm tạo ra một nguồn lực tài chính để thực hiện bình ổn giá xăng dầu góp phần vào việc bình ổn mặt bằng giá nói chung, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế và chỉ phục vụ mục tiêu bình ổn giá thị trường trong nước khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, không sử dụng vào mục đích nào khác.

Theo Bộ Tài chính, từ năm 2010 đến nay, nếu không có công cụ quỹ bình ổn, giá xăng dầu trong nước đã phải tăng giá cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn. Ví dụ: Nếu không sử dụng quỹ thì ngay trong thời điểm Tết Nguyên đán năm 2011, năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 (thời điểm nhạy cảm thường có chỉ số CPI cao-PV) đã phải điều chỉnh giá xăng dầu và mức giá phải điều chỉnh cao hơn nhiều; mặt khác nếu không có quỹ trong một số thời điểm sẽ phải nhiều lần liên tiếp điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.

Liên quan đến việc công khai minh bạch quỹ BOG, trả lời báo chí, bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, quỹ BOG được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể nằm trong giá cơ sở của giá xăng dầu, nghĩa là được hình thành từ tiền của người sử dụng xăng dầu. Vì vậy, mong muốn minh bạch trong việc quản lý, sử dụng qũy bình ổn giá cũng là mong muốn chính đáng của người dân cũng như toàn xã hội.

Trước khi quỹ BOG được công bố, nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại tiền nhàn rỗi từ quỹ BOG có thể bị lạm dụng trong những thời điểm chưa được huy động vào mục đích bình ổn giá. Theo TS.Lê Đăng Doanh, quỹ bình ổn giá không phải từ trên trời rơi xuống mà là do người tiêu dùng đóng góp, ứng trước cho doanh nghiệp và nhờ doanh nghiệp cân đối khi có biến động. Điều quan trọng, tiền của dân đóng góp thì phải được sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí. Thế nhưng, lâu nay, người dân không biết được quỹ sử dụng thế nào, không biết giám sát ra sao? Thực tế, nhiều thời điểm đã có hiện tượng doanh nghiệp lỗ ít mà xả quỹ cao, thậm chí doanh nghiệp xăng dầu còn lãi lớn khi "mở van" quỹ bình ổn? Như thế là không công khai, minh bạch.

Tiền phải được sinh lời chứ không phải tiền... "chết"!

Các chuyên gia kinh tế nhận định, quỹ bình ổn giá có tác dụng nhất định trong việc bình ổn giá khi có biến động trên thị trường xăng dầu thế giới, tuy nhiên cần xem xét lại cách trích lập và sử dụng nguồn tiền này. Trao đổi với PV, TS.Phạm Chi Lan cho  rằng, việc công bố phải thật chi tiết mới đảm bảo sự minh bạch, bởi nếu như Bộ Tài chính chỉ công bố số còn lại mà không công bố toàn bộ quá trình thu bao nhiêu, chi như thế nào thì người dân cũng chỉ biết... mù mờ.

"Theo tôi, phải công bố cụ thể trong từng kỳ thu- chi để bình ổn như thế nào,  số tiền thu được để ở đâu và nó sinh lời như thế nào trong thời gian vừa rồi. Bởi vì, dù là ai giữ đi chăng nữa thì phải để nó sinh lời chứ không thể để tiền "chết". Vậy quỹ đã sinh lời được bao nhiêu thì cũng cần phải công bố. Điều quan trọng mà tôi muốn nói đến là thời điểm dùng quỹ bình ổn. Mỗi thời điểm được dùng bao nhiêu? Thực tế, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng được sử dụng quỹ mà khi nào Nhà nước yêu cầu hoặc cho phép trích bao nhiêu tiền cho một lít để hạn chế tăng giá. Mỗi một đợt bình ổn đã trích bao nhiêu, trong khoảng thời gian cụ thể bao nhiêu ngày cũng cần công bố cụ thể. Mỗi một đợt bình ổn như vậy giúp kìm chế được giá xăng dầu trong bao nhiêu lâu và thời hạn bao lâu sẽ lại dùng quỹ bình ổn này?

Tôi nghĩ, phải công bố chi tiết như vậy mới đảm bảo sự minh bạch, chứ công bố tổng thu bao nhiêu, còn lại bao nhiêu thì người dân cũng không thể biết con số cụ thể trong từng thời điểm. Tôi nhớ trước đây, có lần giá xăng dầu được dùng quỹ Bình ổn, nhưng khi ấy giá xăng dầu thế giới giảm rất mạnh nhưng chúng ta vẫn dùng quỹ bình ổn mà không giảm giá. Đến lúc, có nhiều ý kiến thắc mắc tại sao không giảm giá và ngừng quỹ bình ổn thì Bộ Tài chính lại công bố quỹ bình ổn đã hết. Việc sử dụng quỹ như thế là rất mù mờ. Từ nay trở đi đã công bố thì phải đảm bảo theo tiến độ của từng thời gian (mỗi đợt bao nhiêu ngày, khi nào chấm dứt sử dụng...)", TS. Lan phân tích.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, lâu nay quỹ đã bị sử dụng chưa đúng mục đích. Trong khi chưa sử dụng đến phần tiền nhàn rỗi đã trích lập thì doanh nghiệp có thể sử dụng quỹ vào việc khác, sau này vẫn sẽ hoàn lại khi có yêu cầu xả quỹ để bình ổn giá xăng dầu. Như vậy, Nhà nước bị thiệt hại mà người tiêu dùng cũng bị lợi dụng. Vì thế, cần làm rõ khi nào được sử dụng quỹ, lúc chưa sử dụng thì phải làm sao cho nguồn tiền đó sinh lời và phải quản lý được. Nếu tiếp tục duy trì quỹ thì có thể cho phép doanh nghiệp sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi làm vốn để phục vụ mục đích kinh doanh nhưng phải trả lãi bằng lãi suất ngân hàng.  
 
 
N.Giang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo