Pháp luật

Công khai xin lỗi người mang án tử tù oan 43 năm ở Bắc Ninh

(DNVN) - Sáng 11/8, Liên ngành Tư pháp trung ương đã tổ chức buổi công khai xin lỗi cụ Trần Văn Thêm (80 tuổi, ngụ tại Bắc Ninh), người mang thân phận tử tù suốt gần nửa thế kỷ.

Sáng nay 11/8, tại trung tâm văn hoá huyện ở thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã diễn ra lễ công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm (SN 1935, ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), theo nguồn tin trên báo Người Lao Động.

Tại buổi lễ, Thiếu tướng Vũ Quang Hưng, Phó Thủ tưởng cơ quan CSĐT Bộ Công an, đã công bố quyết định đình chỉ bị can. Theo đó, kết quả điều tra cho thấy, có căn cứ xác định ông Thêm không phạm tội giết ông Nguyễn Khắc Văn. Căn cứ các quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, quyết định đình chỉ bị can đối với bị can Trần Văn Thêm.

Theo kết luận điều tra, vào năm 1970, cụ Trần Văn Thêm khi đó 34 tuổi cùng người em họ tên Nguyên Khắc Văn ghé vào ngủ ở lều cắt tóc. Nửa đêm, hung thủ xông vào dùng búa bổ củi đánh ông Văn tử vong. Cụ Thêm sau đó bị kết tội là hung thủ giết người, theo tin trên báo Dân Trí.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tặng hoa cụ Thêm trong ngày xin lỗi công khai và công bố quyết định đình chỉ điều tra. Ảnh: Dân Trí.

Đến năm 1973, các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú đưa ra xét xử và kết tội cụ Thêm mức án tử hình. Không đồng ý với bản án, cụ Thêm kêu oan. Đến năm 1974, Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm kết tội y án sơ thẩm mức án tử hình.

Năm 1975, sau khi đối tượng Phan Thanh Nhàn khai giết hại nạn nhân Nguyễn Khắc Văn, Ủy ban thẩm phán Tòa án tối cao đã mở phiên toà theo thủ tục giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm và giao hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý lại theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở quyết định của giám đốc thẩm, cơ quan công an đã tạm tha cho ông Trần Văn Thêm, với giải thích là do có vết thương trên đầu nên Bộ công an cấp cho một giấy miễn lao động nặng. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, việc điều tra lại vẫn chưa được thực hiện, về mặt pháp lý vẫn chưa có quyết định đình chỉ hoặc tiếp tục truy tố đối với ông Trần Văn Thêm. Gần nửa thế kỷ qua, cụ Thêm sống với nỗi oan sai khổ nhục, là tù nhân giết em để cướp của.

Sau khi được tạm tha, ông Trần Văn Thêm đã có nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan cao nhất của Đảng, Quốc hội, cơ quan tiến hành tố tụng.

Đến năm 2015, Tòa án nhân dân tối cao đã sao chụp và nhận được các tài liệu liên quan, do cụ Thêm và Luật sư trợ giúp cho cụ cung cấp. Từ đó các cơ quan tố tụng Trung ương tiến hành xem xét để có quyết định cuối cùng cho ông Trần Văn Thêm trong thời gian sớm nhất.

 

Tại buổi lễ, ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh án TAND Tối cao, đọc lời công khai xin lỗi:

“Hôm nay đại diện cho cơ quan tố tụng là TAND cấp cao tại Hà Nội (trước đây là TAND Tối cao), VKS cấp cao tại Hà Nội, Cơ quan CSĐT Bộ Công an chúng tôi công khai xin lỗi ông Trần Văn thêm và gia đình theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Việc khởi tố, xét xử không đúng đã gây tổn thất cho ông Thêm và gia đình. Chúng tôi nhận thấy đây là 1 bài học đắt giá cho các cơ quan tố tụng trong quá trình xét xử vụ án.

Ngay sau ngày hôm nay, chúng tôi sẽ khẩn trương thực hiện đúng quy định về Luật bồi thường của nhà nước, công khai đăng trên thông tin báo đài và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Chúng tôi mong ông Thêm và gia đình thông cảm sâu sắc, chấp nhận lời xin lỗi của các cơ quan tố tụng đã gây ra cho ông".

 

Trong lời phát biểu của mình ngay sau khi được xin lỗi, ông Trần Văn Thêm nói: “Xin cảm ơn Chủ tịch nước, lãnh đạo Bộ Công an, VKSND. Chúng tôi biết ơn ông Bùi Văn Hoà, phó Chánh án TAND Tối cao, và lãnh đạo công ty Luật Hoà Lợi đã không quản ngại khó khăn vất vả để tìm lại bản án, nhân chứng làm chứng cứ để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết oan sai cho tôi thì mới có được ngày hôm nay.

Tôi có một mong muốn xin bà con làng xã quê hương và gia đình con cháu của ông Nguyễn Khắc Văn chia sẻ, thông cảm với nỗi oan ức của tôi trong những năm qua. Từ nay về sau, con cháu anh em hai gia đình gắn kết lại tình cảm gia tộc để quay lại tình nghĩa như trước đây.

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo