Khoa học - Công nghệ

"Hốt bạc" nhờ "giải cứu" siêu xe sau bão

Những thợ sửa xe chăm chỉ, chịu khó “chạy sô” có thể kiếm từ 2 – 3 triệu đồng trong những ngày mưa ngập vì nhu cầu sửa xe ô tô tăng cao.

XE HOT QUA ẢNH (23/11): Xe VinFast đắt hay rẻ?, cận cảnh Yamaha Sirius 2019 / XE HOT (23/11): Đánh giá ôtô rẻ nhất của VinFast, siêu xe Ford giá 450.000 USD

Nhu cầu “cứu” ô tô tăng đột biến

TPHCM đã hứng chịu cơn mưa kéo dài nhất kể từ đầu năm do ảnh hưởng của Cơn bão số 9 (Usagi). Hàng trăm tuyến đường của thành phố bị ngập nặng khiến hàng loạt xe ô tô chết máy, hỏng hóc.

Ông Hồ Văn Bảy (ngụ quận Phú Nhuận) cho biết, đêm qua, chiếc xe Toyota Vios của ông bị ngập nước ở quận Bình Thạnh nên anh nhờ mọi người xung quanh đẩy xe vào lề đường. Anh kiếm thợ sửa xe cả đêm nhưng không có.

“Sáng nay tôi liên hệ được với thợ sửa xe nhưng họ báo là phải 16h chiều nay mới chạy qua chỗ xe của tôi được vì kẹt lịch hẹn với nhiều chủ xe khác nữa”, anh Bảy nói.

Ô tô bị ngập nước là điều kinh hoàng đối với các chủ xe.
Ô tô bị ngập nước là điều kinh hoàng đối với các chủ xe.

Anh Nguyễn Nhật Hoàng, đại diện một garage ô tô tại quận Gò Vấp chia sẻ, từ tối 25/11 đến trưa 26/11 đã có rất nhiều cuộc điện thoại của các chủ xe gọi đến nhờ garage của anh xử lý xe ngập. Năm người thợ của garage đã làm hết công suất nhưng cũng không hết việc.

“Từ sáng đến giờ, mấy đứa thợ nó xử lý được khoảng hơn chục xe rồi, đa phần là khách quen thôi. Chiều nay cũng có khoảng hơn 20 khách hẹn sửa xe giúp nhưng chắc làm không xuể”, anh Hoàng nói.

Theo anh Hoàng, garage không có phương tiện để kéo xe của khách về nên các thợ trong garage phải tỏa ra khắp thành phố để đi sửa xe lưu động. Tùy vào trường hợp hỏng hóc của từng xe mà chủ xe sẽ được báo giá cụ thể.

Nếu xe ô tô bị hỏng nhẹ thì chủ xe chỉ tốn trên dưới 1 triệu đồng là xử lý xong. Tuy nhiên, nếu xe bị hỏng động cơ, hệ thống điện thì chi phí sửa xe cao hơn gấp nhiều lần, có thể là vài triệu đồng và cũng có thể là hàng chục triệu đồng đối với các loại xe có phụ tùng đắt tiền.

Ông Võ Quốc Bình, đại diện hệ thống chăm sóc, bảo dưỡng ô tô trên đường Hoàng Diệu 2 (quận Thủ Đức) cho biết, trong ngày 26/11, điểm chăm sóc xe của ông đã đón nhận khoảng 15 chiếc xe ô tô bị ảnh hưởng do ngập nước. Các xe chủ yếu đến dọn nội thất, sấy ghế, sấy gầm…

 

“Các xe bị ngập nhẹ thì chủ yếu là làm sạch xe giúp xe không bị mục gầm, rỉ sét và bị ẩm mốc gây mùi hôi. Còn xe bị ngập nặng dẫn đến thủy kích thì sẽ bị ảnh hưởng đến máy móc, cảm biến oxy, béc phun…Sau này xe hoạt động cũng không ổn định”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, nếu xe ô tô làm các dịch vụ như dọn nội thất, sấy khô, dọn khoang động cơ, phủ gầm, phủ sàn…thì giá các dịch vụ dao động từ 1 – 3 triệu đồng, tùy vào lại xe và những dịch vụ mà chủ xe lựa chọn. Hiện tại đã có rất đông khách đặt lịch đến điểm chăm sóc xe của ông Bình để chăm sóc, bảo dưỡng xe vào ngày mai.

Các garage sửa xe ô tô tại TPHCM tấp nập khách sửa chữa, bảo dưỡng xe trong mùa mưa bão.
Các garage sửa xe ô tô tại TPHCM tấp nập khách sửa chữa, bảo dưỡng xe trong mùa mưa bão.

Anh Trần Văn Trọng, một thợ sửa xe ô tô tại quận 3 chia sẻ, từ tối 25/11 đến chiều 26/11, anh đã phải làm việc liên tục vì garage của anh khá đông khách. Ngoài những xe khách mang tới garage để sửa chữa, bảo dưỡng thì anh cũng phải đến các địa điểm khác để xử lý xe “nằm đường” cho khách.

“Nhiều xe bị chết máy ở quận Bình Tân, quận Thủ Đức hay huyện Bình Chánh thì chúng tôi phải đi xa “tít tắp”, được cái sửa xe xong khách cũng bồi dưỡng thêm cho anh em nên thu nhập cũng tốt hơn ngày thường”, anh Trọng nói.

Cũng theo anh Trọng, những ngày TPHCM mưa ngập thì thợ sửa xe ô tô làm không hết việc. Nhiều thợ sửa xe ô tô chăm chỉ có thể kiếm thêm 2 – 3 triệu đồng/ngày.

 

Một chiếc xe Honda City được chăm sóc tại quận Thủ Đức.
Một chiếc xe Honda City được chăm sóc tại quận Thủ Đức.

Phải làm gì khi ô tô đi qua vùng nước ngập?

Theo đại diện nhiều garage ô tô tại TPHCM thì nước rất có hại với các ổ bi, ổ bạc dưới gầm xe. Nước cũng ảnh hưởng đến máy đề, máy phát điện, các cánh quạt, các linh kiện điện, các cảm biến. Hộp điều khiển của xe cũng rất dễ hỏng và nước lọt vào xe cũng làm giảm hiệu lực của côn, phanh.

Thủy kích là hiện tượng xe ô tô thường gặp phải khi di chuyển trong đường ngập nước, nhất là mức nước ngập quá nửa bánh xe khiến nước tràn vào ống hút gió. Việc nước tràn vào ống hút gió sẽ khiến xe bị thiếu không khí và dẫn đến động cơ chết máy.

Các xe ô tô lưu thông trong nước ngập thường được sấy ghế, sấy gầm, dọn lại nội thất.
Các xe ô tô lưu thông trong nước ngập thường được sấy ghế, sấy gầm, dọn lại nội thất.

Khi gặp trường hợp nói trên, nếu người lái xe cố khởi động lại động cơ, hệ thống hút gió sẽ tiếp tục hoạt động nhưng cái được hút vào động cơ lại là nước. Điều này khiến tay biên của piston bị cong và có thể dẫn đến gãy do quá sức chịu đựng nếu không dừng lại kịp thời sẽ dẫn đến việc thủng lốc máy.

Đại diện các garage ô tô cũng có lời khuyên rằng, khi đi qua vùng nước ngập, người dân nên tháo lọc gió động cơ ra để lấy gió trực tiếp từ khoang động cơ vào vì đây là vị trí cao nhất, tránh lấy gió qua đường khí nạp theo xe vì đây là vị trí thấp hơn. Qua khỏi đoạn ngập lụt, người dân có thể lắp lại lọc gió động cơ như ban đầu.

 

Người dân chỉ nên điều khiển xe qua vùng nước ngập dưới 25 cm hoặc qua vùng nước ngập không vượt qua tâm bánh xe. Khi đi trên đường ngập nên chú ý khi có xe chạy cùng chiều và ngược chiều vì có thể xảy ra hiện tượng tạo sóng, làm nước dâng cao hơn và tăng nguy cơ nước tràn vào đường nạp gió, vào lọc gió động cơ.

Khi đi qua vùng ngập nước nên tắt công tắc điều hòa (nút AC), đi số 1, chạy đều ga ở mức độ vừa phải và lái xe điềm tĩnh. Đối với xe số tự động, người dân nên chuyển sang chế độ bán tự động và để ở số 1. Nếu không về chế độ bán tự động, xe sẽ tự sang số 2 khiến ga bị yếu, dẫn tới nước tràn vào động cơ thông qua ống xả. Đối với xe số sàn, người dân không nên đạp côn khi qua chỗ ngập để tránh trường hợp chết máy.

Nên hạn chế đạp thốc ga vì việc tăng ga mạnh sẽ khiến nước tràn qua lưới tản nhiệt, đổ vào ống hút.

Nhiều dòng xe sang tiền tỷ cũng bị “đột tử” trong dòng nước ngập khiến chủ xe phải tốn bộn tiền.
Nhiều dòng xe sang tiền tỷ cũng bị “đột tử” trong dòng nước ngập khiến chủ xe phải tốn bộn tiền.

Nếu xe bị tắt máy đột ngột giữa vùng ngập, người dân tuyệt đối không tìm cách khởi động lại, nên rút chìa khóa điện, đẩy xe đến vị trí cao và gọi ngay cứu hộ. Với mỗi xe khác nhau thì việc xử lý sự cố sau khi ngập nước cũng khác nhau, vì thế người dân không nên tìm cách tự sửa nếu không có chuyên môn kỹ thuật.

Ngoài ra, không nên mở cửa ngay khi xe bị chết máy mà cần chú ý tới mức nước. Nếu nước cao hơn phần thấp nhất của cửa ra vào, tuyệt đối không được mở cửa vì sẽ làm nước bên ngoài tràn vào làm hư các hệ thống điện tử. Trong trường hợp này, cần mở cửa sổ để ra vào xe.

 


Theo dantri.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm