2 tuần trải nghiệm Samsung Galaxy Fold: Thú vị nhưng giá cao
Bảng giá điện thoại Samsung tháng 12/2019: Giảm giá sốc, thêm 2 sản phẩm mới / Phiên bản nâng cấp Huawei Mate X với Kirin 990 sắp trình làng?
Samsung Galaxy Fold đại diện cho một thế hệ smartphone tương lai với khả năng gập độc đáo, mở rộng không gian trải nghiệm của người dùng, tiếp cận với kích thước của một chiếc tablet. Tuy vậy, mức giá lên tới 50 triệu đồng là 1 trở ngại lớn, người dùng phổ thông khó có thể tiếp cận.
Samsung Galaxy Fold
Galaxy Fold thực sự mang đến một cái nhìn mới về ngành smartphone đang vốn “nhàm chán” trong thời gian qua khi không có nhiều đột phá. Khi ý tưởng một chiếc điện thoại màn hình cảm ứng có thể gập lại được đưa ra, rất nhiều người đã tin rằng đây là tương lai của ngành công nghiệp công nghệ cao dẫn đầu toàn cầu. Samsung và Huawei là hai thương hiệu mong muốn đưa ra một siêu phẩm áp dụng công nghệ này bên cạnh Flexpai đến từ Trung Quốc. Mate X và Galaxy Fold mang đến những trải nghiệm mới dành cho người dùng và sau khi trì hoãn 5 tháng, Samsung đã chính thức bán ra smartphone màn hình gập đầu tiên trên quy mô toàn cầu. Việt Nam cũng được ưu ái cung cấp với số lượng hạn chế.
Mức giá của Galaxy Fold tại Việt Nam là 50 triệu đồng, con số này cao gấp đôi so với mẫu smartphone cao cấp nhất của chính Samsung. Tuy nhiên, nhờ sự độc đáo và trải nghiệm mới thuyết phục người dùng, số lượng Galaxy Fold cung ứng đợt đầu đã được bán sạch, mặc dù sản phẩm vẫn tồn tại những nhược điểm như màn hình dễ bị tổn thương, độ bền và mức giá để sở hữu rất cao. Hy vọng trong tương lai, màn hình có thể uốn cong sẽ trở nên phổ biến, phổ cập với mức giá hấp dẫn hơn dành cho người dùng.
Thiết kế gập ấn tượng
Samsung Galaxy Fold mang đến cơ hội trải nghiệm thế hệ smartphone dành cho tương lai với thiết kế 2 trong 1 tương đối hợp lý nhờ màn hình 7.3 inches có thể uốn cong. Ở một khía cạnh khác, ai thích một smartphone màn hình nhỏ sẽ thỏa mãn khi kích thước ở mặt sau chỉ đạt 4.6 inches - con số hiếm thấy trên thị trường hiện nay. Màn hình phía trong được phủ bằng lớp nhựa dẻo (thành phần đã khiến Samsung vất vả trong giai đoạn cung cấp đầu tiên vào tháng 4 vừa qua) và Samsung gọi đây là Infinity Flex Display. Để việc gập lại an toàn cũng như ổn định hơn, Samsung đã thiết kế bản lề hai trục rất tỉ mỉ gồm 20 thành phần khác nhau, ngăn màn hình có thể mở rộng hơn 180 độ.
Việc đóng, mở Galaxy Fold thực sự mượt mà và khi gập lại bạn có thể nghe rõ tiếng “cạch” đặc trưng nhờ các nam châm từ tính gắn ở các cạnh viền màn hình. Điều này giống như bạn gập một cuốn sách khi đọc xong. Khi gấp lại, Galaxy Fold có độ dày bằng hai chiếc smartphone khác dù vẫn có thể để gọn trong túi quần, túi xách hay balo. Sức nặng của máy cũng khiến nhiều người phải e ngại. Tuy vậy, nhà sản xuất đã thành công khi mang đến một thiết bị độc đáo chỉ có độ dày 7.6mm khi mở ra, cảm giác cầm Galaxy Fold cũng khá dễ chịu, kích thước màn hình bên trong là đủ để trải nghiệm mọi nội dung một cách tốt nhất. Ở trạng thái gập, Galaxy Fold dày tới 17,1mm và nặng 276g, con số này trên Galaxy Note 10+ là 7,9mm và 196g.
Ở các cạnh phải của máy, máy được bố trí cảm biến vân tay, phím nguồn tích hợp việc khởi động Bixby và nút tăng giảm âm lượng. Người dùng có thể sử dụng các phím này ở cả hai trạng thái, gập và mở. Ở trạng thái gập, việc tìm kiếm các phím tương đối khó và mất một thời gian dài để làm quen. Galaxy Fold sở hữu hai loa ở cạnh trên và dưới, hỗ trợ âm thanh nổi Dolby Atmos mạnh mẽ và ấn tượng. Song, ở trạng thái mở người dùng sẽ phải chú ý một chút khi cầm sẽ đè vào loa gây ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm.
Là sản phẩm tiên phong, Galaxy Fold không tránh khỏi những vấn đề bao gồm độ bền khi gấp mở, lớp phim phủ khá dễ xước và chưa nhiều ứng dụng thích nghi được với cách sử dụng “lạ thường” của sản phẩm. Tuy vậy, sau 2 tuần trải nghiệm, mọi thao tác gập mở trên Galaxy Fold đều cho thấy sự an toàn. Nhà sản xuất cho biết thiết kế của Fold có thể chịu được lực gấp, mở lên tới hơn 200.000 lần, tương đương 5 năm sử dụng.
Màn hình gập được
Có rất nhiều cách để thiết kế một chiếc smartphone màn hình linh hoạt bao gồm việc mở ra ngoài (Huawei Mate X) và gập vào trong giống Galaxy Fold. Cách tiếp cận của Samsung là dễ hiểu khi màn hình chính được bảo vệ an toàn hơn, tấm nền sẽ không phải dãn ra liên tục ảnh hưởng tới độ bền và phần sống lưng sẽ được an toàn với va đập. Đổi lại, Samsung sẽ phải trang bị thêm một màn hình bên ngoài để hiển thị thông báo và cho phép người dùng sử dụng giống như một chiếc smartphone thông thường, đồng thời bổ sung nhiều hơn ở cảm biến. Vấn đề bụi lọt vào bên trong cũng khiến người dùng phải lưu tâm.
Galaxy Fold sở hữu tới hai màn hình bao gồm 4.6 inches bên ngoài với tỉ lệ khung hình 19.5:9 và màn hình gập bên trong kích thước 7,3 inches, tỉ lệ khung hình 4.2:3, hỗ trợ chuẩn HDR10+ và độ sáng rất tuyệt vời cho trải nghiệm. Ngay cả khi ở ngoài trời nắng gắt, người dùng cũng có thể mở trang web hay bất kỳ nội dung nào để xem một cách thoải mái. Không có nhiều điều để nói về màn hình bên ngoài vì nó chỉ đúng nghĩa là phụ, kích thước cũng không đủ lớn để hiển thị ở thời điểm hiện tại.
Nhưng, khi mở màn hình bên trong, một cảm giác “wow” thật sự dành cho những ai cầm Galaxy Fold ở lần đầu tiên. Một màn hình rộng với tỉ lệ 4:3 quen thuộc cách đây 15-20 năm trên các mẫu TV cũ, màn hình máy tính CRT. Tỉ lệ này không phù hợp cho giải trí như 16:9 hay 18:9 thông thường nhưng sẽ mở rộng không gian hiển thị cho người dùng, đặc biệt là các tác vụ đọc, duyệt web và tuyệt vời cho việc bật đa cửa sổ.
Phần chứa camera khá dày, lớn và thô nhưng Samsung biết cách giảm sự ảnh hưởng đến phần trải nghiệm của người dùng khi thiết kế giao diện có thanh thông báo có độ dày tương đương với màu đen sâu. Tỉ lệ 4.2:3 với 0.2 thừa ra để dành cho phần khuyết thiếu này, đảm bảo không gian hiển thị đúng tiêu chuẩn. Độ phân giải của màn hình bên trong cũng rất cao, đạt 1536x2152 pixels, mật độ điểm ảnh 362 ppi (cao hơn hầu hết các máy tính bảng ở thời điểm hiện tại).
Cấu hình phần cứng, giao diện và ứng dụng
Galaxy Fold được trang bị cấu hình mạnh nhất với vi xử lý Snapdragon 855, RAM 12GB và bộ nhớ trong 512GB. Việc sử dụng vi xử lý của Qualcomm cho hiệu năng mạnh mẽ hơn so với Galaxy Note 10 bán ra tại Việt Nam, đặc biệt là khả năng xử lý đồ họa. Samsung muốn trải nghiệm của người dùng ở mức cao nhất, điều này dễ hiểu khi giá bán của sản phẩm này lên tới 50 triệu đồng.
Để Galaxy Fold mỏng và độc đáo, Samsung đã thiết kế pin hai thành phần với tổng dung lượng đạt 4380mAh, không quá lớn nhưng đủ để trải nghiệm Galaxy Fold trong một ngày dài. Với cấu hình như trên, Galaxy Fold hoàn toàn có thể đáp ứng toàn bộ các tựa game nặng hiện nay. Tuy nhiên câu chuyện của một thiết bị đặc biệt không hoàn toàn chỉ nằm ở cấu hình, tối ưu tốt và ứng dụng có phù hợp với thiết kế độc đáo hay không.
Bài toán lớn của Samsung là khả năng chuyển đổi từ màn hình nhỏ sang màn hình gập phía trong với kích thước lớn hơn, độ phân giải và tỉ lệ khác biệt. Trên thực tế, không khó để nhận thấy sự chuyển đổi này khá mượt với những ứng dụng được hỗ trợ như Chrome, trình duyệt web của Samsung, Google Maps. Mở ra, gập vào, các ứng dụng trên luân chuyển một cách hợp lý. Khi đang đọc báo Dantri.com.vn, muốn hiển thị to, rõ ràng hơn, bạn chỉ cần mở màn hình bên trong và khi cần nhỏ gọn, truy cập thông tin nhanh, chỉ cần gập lại. Galaxy Fold không mất tới 1 giây để xử lý các tình huống này. Bên cạnh đó, màn hình bên ngoài sẽ luôn bật để hiển thị trạng thái, thông tin và thông báo từ các ứng dụng.
Khả năng đặc biệt thứ hai mà người dùng có thể khai thác với màn hình lớn là chế độ đa cửa sổ. Người dùng có thể mở tối đa ba cửa sổ tương ứng cho ba ứng dụng khác nhau. Ngoài ra, tỉ lệ 4.2:3 của Galaxy Fold sẽ gây khó cho một số ứng dụng và trò chơi chưa được nhà phát triển cập nhật, hỗ trợ. Cũng may khi gần như tất cả các ứng dụng và trò chơi thường dùng của người Việt đều hỗ trợ tỉ lệ khung hình này như Facebook, Messenger, Instagram hay Mobile Legend: Bang Bang VNG, PUBG Mobile…. Tuy vậy, với các tựa game, tỉ lệ 4:3 là không hoàn hảo khi không gian bị thu hẹp đáng kể so với tỉ lệ 16:9 hay 18:9 hiện nay, trong khi đó màn hình bên ngoài là quá nhỏ để chơi game.
Camera
Như nhắc đến ở trên, Samsung sử dụng thiết kế gập màn hình vào bên trong nên sẽ cần phải bổ sung một lượng camera nhất định để đảm bảo cho nhiều tác vụ của người dùng. Điều đáng lo ngại là liệu chất lượng của từng camera này có đồng đều khi hãng định hướng người dùng sử dụng Galaxy Fold một cách linh hoạt nhất.
Galaxy Fold sở hữu tới 6 camera ở các vị trí khác nhau bao gồm 1 camera ở phía trên màn hình phụ, 2 camera ở góc bên phải màn hình chính và cụm ba camera phía sau. Xét về chất lượng, 2 camera trong màn hình gập và bộ ba camera sau tương đồng Galaxy S10 Plus trong khi camera ở mặt ngoài giống với Galaxy Note 10. Cụ thể, các thông số của camera bao gồm:
Ba camera sau:
- 12MP, khẩu độ f/1.5 và f/2.4
- 12MP, tele 2x, khẩu độ f/2.4
- 16MP, góc siêu rộng, khẩu độ f/2.2
Hai camera bên trong
- 10MP, khẩu độ f/2.2
- 8MP, khẩu độ f/2.4
Camera bên ngoài màn hình:
- 10MP, khẩu độ f/2.2
Về cơ bản, trải nghiệm camera trên Galaxy Fold hoàn toàn tương tự như các smartphone cao cấp của Samsung trong năm 2019. Nhiều tính năng thú vị bao gồm chụp Live Focus với nhiều hiệu ứng Bokeh độc đáo, khả năng chụp đêm tốt và quay video ấn tượng.
Thay cho lời kết
Việc Samsung bán Galaxy Fold ở thị trường Việt Nam là bất ngờ lớn dành cho người dùng bởi mức giá sẽ không phù hợp với tất cả, lên tới 50 triệu đồng.
Xét về trải nghiệm, ngoài cấu hình mạnh mẽ, camera chất lượng, Galaxy Fold sở hữu màn hình gập độc đáo, là tiêu chuẩn cho smartphone tương lai. Đây cũng là yếu tố chính thu hút người dùng nhưng đánh đổi lại là mức giá và những vấn đề còn tồn đọng về độ bền, không nhiều ứng dụng được hỗ trợ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo