Khoa học - Công nghệ

8 hiểu lầm khi mua ô tô trả góp năm 2019

Giải đáp được những hiểu lầm khi mua ô tô trả góp dưới đây thì việc sở hữu ô tô khi tài chính còn eo hẹp là điều khả thi.

Choáng với phong cách chở đào chơi Tết bằng Rolls-Royce Ghost / Sau nước, đến lượt không khí có thể thay xăng/dầu

Mua ô tô trả góp đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong thời gian qua. Tuy nhiên, với những người mua trả góp ô tô lần đầu thì vẫn có những hiểu lầm chưa được làm sáng tỏ. Dưới đây là những giải đáp cụ thể cho những hiểu lầm khi mua ô tô trả góp năm 2019.

Tính toán cẩn thận khi mua ô tô trả góp sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bạn

1. Đại lý ô tô sẽ là đơn vị cho khách hàng vay tiền mua xe.

Nhiều người nghĩ rằng mua xe ô tô vay trả góp là đại lý ô tô (bên Bán) sẽ đứng ra cho người mua vay tiền để người mua lấy xe về và trả tiền dần. Thực chất mua trả góp ô tô là việc mua bán giữa bên Mua và bên Bán nhưng có thêm bên thứ 3 là ”ngân hàng“ đứng ra bảo lãnh cho người mua cam kết thanh toán cho bên Bán. Bên bán xe sẽ giới thiệu ngân hàng cho người mua, hoặc người mua xe đã có mối quan hệ với ngân hàng riêng.

Có rất nhiều ngân hàng hỗ trợ mua ô tô trả góp như: Vietcombank, Ngân hàng nông nghiệp, BIDV, Tiên Phong Bank, Ngân hàng Quốc Tế VIB, Vpbank... Thông thường, ngân hàng cho vay 80% giá trị của xe và thời hạn vay tối đa là 7 năm, ( một số ngân hàng cho vay ngoại lệ cả phần thuế trước bạ, thời gian vay 8 năm…).

Tài sản thế chấp là chính chiếc xe mua (khách hàng vẫn vẫn sử dụng xe đi lại bình thường, ngân hàng giữ đăng ký gốc xe và giao cho khách hàng bản công chứng trong suốt thời gian vay). Số tiền vay mua xe ô tô trả góp sẽ bao gồm cả gốc và lãi trả dần hàng tháng trong suốt quá trình vay.

2. Lãi suất của việc vay mua ô tô trả góp chỉ có một gói và không đổi

 

Hầu hết các ngân hàng thường cung cấp 2 gói tùy chọn lãi suất, bạn nên cân nhắc kĩ trước khi chọn:

Lãi cố định trong suốt thời gian vay nhưng tiền lãi hàng tháng phải trả lại tính trên tổng số dư nợ ban đầu. Ví dụ: Bạn mua chiếc xe với giá 1 tỷ đồng, bạn trả trước 300 triệu đồng (30%) còn vay ngân hàng 700 triệu với lãi suất cố định 9%/năm, hàng tháng bạn sẽ trả một phần tiền gốc cộng với lãi suất tính luôn 70% ban đầu. Ưu điểm của cách này lãi suất không chịu ảnh hưởng và biến động bởi điều chỉnh của ngân hàng. Tuy nhiên, trường hợp này người mua sẽ không được hưởng lợi nếu lãi suất thị trường giảm, đồng thời càng về sau mức lãi suất thực càng tăng lên. Do đó, chỉ những người có thu nhập ổn định mới lựa chọn hình thức vay này.

Hình thức thứ 2 cũng sẽ có lãi suất cố định ban đầu, nhưng sau đó sẽ điều chỉnh khoảng 3 tháng một lần theo chính sách của từng ngân hàng. Đa phần ngân hàng hiện nay đang áp dụng mức lãi suất từ 12% đến 15%, cao hơn khá nhiều so với hình thức đầu tiên.

Tuy nhiên, có một số ngân hàng hỗ trợ vay mua xe với lãi suất khá ưu đãi chỉ khoảng 8.9%/năm đầu và biên độ sẽ dao động khoảng 3.5 - 3.7% từ năm thứ 2 trở đi, ví dụ như Seabank, TPbank, VIB. Ở hình thức này, người mua xe sẽ chỉ cần trả một phần tiền cộng với phần lãi suất tính trên dư nợ thực tế. Nhiều khách hàng không để ý sẽ khá bất ngờ và bối rối khi ngân hàng thay đổi lãi suất (thường là tăng lên).

3. Có gói vay nào trong 1 năm không?

 

Thường thì khi tài chính khách hàng vững, ngân hàng chỉ "thích" cho vay càng nhiều càng tốt, thời gian vay càng dài càng tốt. Tuy nhiên, có những khách hàng do nhu cầu mua xe cần gấp trước khi có khoản tiền về hay đến kỳ rút sổ tiết kiệm nên chỉ cần vay trong thời gian ngắn khoảng vài tháng hay 1 năm, vậy có ngân hàng nào cho vay 1 năm không?

Thực sự hiếm có ngân hàng nào đồng ý cho khách hàng vay 1 năm. Tuy nhiên, hiện tại có ngân hàng tài chính Toyota đưa ra gói vay 50-50 rất hữu ích:

+ Khách hàng chỉ được vay tối đa 1 năm.

+ Số tiền vay tối đa 50% giá trị xe.

+ Khách hàng chỉ phải thanh toán 1 lần duy nhất cả gốc lẫn lãi vào ký cuối cùng.

 

+ Lãi suất cố định suốt quá trình vay: 8,99%/năm.

+ Hết tháng thứ 6, khách hàng có thể tất toán mà không bị bất cứ khoản phạt nào, đồng thời tiền lãi chỉ tính từ lúc vay đến khi tất toán (chứ không phải thanh toán tiền lãi của cả 1 năm).

4. Nếu muốn vay lên đến 80% hay 100% giá trị xe có được không?

Câu trả lời là Có. Tuy nhiên nếu chỉ dùng tài sản thế chấp là chính chiếc xe mua thì vay được 80% giá trị xe. Đối với một số ngân hàng như Mbbank thì khách hàng còn vay được 80% của giá trị xe + thuế trước bạ. Tuy nhiên, bất cứ ngân hàng nào cũng vậy, khi vay số tiền càng lớn thì việc chứng minh thu nhập càng chặt chẽ, việc thẩm định càng phải chi tiết.

Nếu muốn vay 100% giá trị chiếc xe, khách hàng phải thế chấp bằng một tài sản có giá trị khác như sổ đỏ hay một chiếc xe khác...

 

Nói tóm lại là muốn vay khoản A thì ngân hàng phải đảm bảo giữ tài sản là A + + bởi hệ số an toàn hạn chế rủi ro.

5. Mua ô tô trả góp đi ngoài đường sẽ bị công an bắt

Ngân hàng sẽ photo đăng ký xe và đóng dấu ngân hàng vào cho khách hàng giữ. Giấy này có giá trị như bản gốc khi lưu thông trên đường mà không sợ bị CSGT bắt hoặc gây khó dễ, chỉ khác là không được cầm cố, bán, sang tên đổi chủ.

Đặc biệt bản sao y trên có thời hạn từ 3-6 tháng tùy từng ngân hàng. Hết thời gian này (mà khách hàng vẫn đóng tiền gốc + lãi đúng tiến độ, không bị quá hạn) thì khách hàng qua ngân hàng để nhận bản gia hạn mới. Nếu như hết hạn mà không được ngân hàng gia hạn thì khi gặp CSGT sẽ bị phạt theo quy định.

CSGT không bắt bí về việc giấy tờ ô tô trả góp không phải là giấy tờ gốc

6. Trả nợ trước hạn bị phạt

 

Khi có một khoản tiền, vì không muốn nợ nhiều nên khách hàng muốn trả trước hạn cho ngân hàng 1 phần hoặc tất cả để giảm tiền lãi hàng tháng hoặc tất toán sớm hơn thời hạn vay thì có được không?

Tuy nhiên, trên thực tế ngân hàng vẫn cho phép khách hàng thanh toán trước hạn dù là 1 phần hay toàn bộ, thường là phạt trả trước trong thời hạn từ năm đầu tiên đến năm thứ 3, sau thời gian đó thì trả trước không bị phạt, và tùy quy định từng ngân hàng. Tỉ lệ phạt rất nhỏ 1-2% số tiền trả trước hạn, Ví dụ khách hàng trả trước 100 triệu thì phí phạt từ 1-2 triệu.

7. Xe trả góp sẽ không bán hoặc chuyển nhượng được

Xe trả góp vẫn mua bán, chuyển nhượng lại bình thường, nhưng có thêm 1 bước so với xe mua trả thẳng. Khách hàng hoàn thiện trả nốt phần dư nợ còn lại cho bên ngân hàng để rút đăng ký gốc. Khách hàng có thể tự tất toán hoặc trường hợp khách hàng chưa đủ tài chính để tất toán ngân hàng, có thể viết cam kết với người mua lại xe là nhận tài chính trước để tất toán ngân hàng và cung cấp đăng ký gốc ngay sau khi tất toán ngân hàng.

8. Không cần mua bảo hiểm vật chất (BHVC) khi mua ô tô trả góp

 

Ô tô là tài sản có giá trị lớn nên bạn cần xem xét đến khoản bảo hiểm này, khác với bảo hiểm trách nhiệm dân sự là bắt buộc phải mua, BHVC là không bắt buộc nếu bạn mua xe không thông qua ngân hàng.

Tuy nhiên khi vay trả góp, BHVC là bắt buộc, bạn nên mua bảo hiểm có liên kết với ngân hàng, điểm lợi là khi xảy ra các vấn đề trục trặc về chiếc xe của bạn sẽ được giải quyết nhanh hơn. Một số hãng bảo hiểm uy tín hiện nay như PTI, PIJICO, Liberty, Bảo Việt, Bảo Minh.

Theo autobikes.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm