AI đang định hình tương lai - Bài cuối: Song hành phát triển và kiểm soát AI
Phát hiện tác phẩm nghệ thuật trên đá 2.000 năm tuổi / Công nghệ VinDr của Việt Nam chính thức được FDA cấp phép
Định hình khung pháp lý
Mặc dù vấn đề trí tuệ nhân tạo AI đã được nhận diện và đưa ra bàn luận, tuy nhiên hiện nay, việc triển khai trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức, như hạn chế về nguồn vốn và pháp lý, bảo mật thông tin, thiếu nhân lực chuyên môn, thiếu sự đầu tư một cách hệ thống về cơ sở hạ tầng công nghệ, thiếu sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và Chính phủ.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty CP Công nghệ An ninh mạng Quốc gia: “Các hàng lang pháp lý nói chung giống như "một đường băng giúp cho máy bay đi theo đúng lộ trình và tăng tốc". Vậy hành lang pháp lý không mang tính kìm hãm mà giúp tạo ra khuôn khổ các hoạt động liên quan đến AI sẽ hướng tới phục vụ cho mục đích của con người, cho xã hội. Thay vì để AI phát triển theo hướng tự do không có kiểm soát, theo hướng đi xấu,chúng ta sẽ phải đưa AI theo khuôn khổ có lợi nhất người sử dụng cũng như là cho xã hội”.
Theo ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT, hiện có tình trạng quá lạm dụng các hệ thống AI. Kỹ sư phần mềm lấy yêu cầu của khách hàng dán lên Chat GPT để nhận đoạn code, điều này vô cùng nguy hiểm vì lộ thông tin. Nhân viên lấy báo cáo tài chính của công ty đưa lên ChatGPT để làm báo cáo, để lộ dữ liệu rất lớn. Trong các trường học, có những sinh viên, học sinh làm bài tập, kể cả đồ án, báo cáo khoa học bằng ChatGPT.
“Hiện Việt Nam chưa có quy địnhluật pháp về AI. Điều này cũng phản ánh thực tế luật pháp bao giờ cũng đi chậm hơn thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, từ những mặt trái ứng dụng AI,cũng đã đến lúc đặt vấn đề quản lý ngay từ bây giờ. Tuy nhiên không cấm theo kiểu bế quan toả cảng mà hiểu biết đến đâu, chúng ta đặt barie đến đấyvà luôn đặt vấn đề sẵn sàng thay đổi. Điều quan tâm nhất là vấn đề đạo đức khi dùng AI”, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud cho rằng: “Việt Nam đã có chiến lược về AI, nhưng các vấn đề đạo đức, hành lang pháp lý AI hiện chưa có. Trên thế giới cũng đang có nhiều tranh cãi khác nhau. Kể cả luật EU về AI cũng chưa bao trùm tất cả. AI còn quá mới. Do đó, các nước đưa ra nguyên tắc, nguyên lý để tuân theo”.
“Từ góc độ đơn vị công nghệ, khi huấn luyện AI, đầu tiên phải tuân thủ độ sạch về dữ liệu. AI hiểu những gì ta dạy. Không thể đưa dữ liệu phản động, tài liệu không được kiểm chứng độ chính xác vào để đào tạo AI. Tiếp đó, khi sử dụng AI tạo sinh, có khái niệm ảo giác. AI tạo sinh có thể sinh ra một đoạn văn mà chúng ta đọc logic, nhưng sai sự thật. Do đó thông tin ra khỏi hành lang quy định, hệ thống từ chối trả lời”, ông Lê Hồng Việt đề xuất.
Lấy con người làm trung tâm
Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực. Theo Quyết định Số 127/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới Trí tuệ nhân tạo.Bộ Thông tin và Truyền thông, xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về giao dịch điện tử. Ngày 22/6/2023, Quốc hội đã ban hành Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các Nghị định và Thông tư liên quan.
Liên quan đến xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật định dạng về công nghệ và sản phẩm Trí tuệ nhân tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao Cục Chuyển đổi số quốc gia chủ trì thử nghiệm triển khai Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và Trợ lý ảo (TLA), xây dựng bộ Benchmark (chương trình chạy đánh giá và kiểm tra tiêu chuẩn thử nghiệm trên máy tính) để đánh giá chất lượng các LLM và TLA đã triển khai, dự kiến ban hành trong năm 2024.
Trong khi đó, Bộ Công an xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư, quyền con người, về an ninh trật tự có liên quan đến hoạt động phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo và về đảm bảo an toàn an ninh mạng cho các hoạt động liên quan tới Trí tuệ nhân tạo. Bộ Tư pháp xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới trí tuệ nhân tạo.
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định: Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bộ đã làm việc với các doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp đã cam kết đồng hành trong việc xây dựng môi trường pháp lý bảo đảm quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng nhưng không kìm hãm sự phát triển của xã hội.
Về vấn đề quản lý AI, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết: “Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi về trí tuệ nhân tạo AI, nhưng phải đảm bảo hai yếu tố: Việt Nam phải xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để nghiên cứu, ứng dụng vào đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, Việt Nam cần học tập, chia sẻ kinh nghiệm của các nước phát triển, đi trước theo hướng có trách nhiệm, phù hợp với văn hóa Việt Nam và tránh thiệt hại. Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh, phát triển công nghệ số phải song hành cùng trách nhiệm và đạo đức”.
Kiểm soát AI là một vấn đề phức tạp, có nhiều vấn đề và cần tập trung giải quyết bao gồm: Phát huy tối đa thành quả từ việc phát triển AI, mà vẫn đảm bảo rằng công nghệ này nằm dưới sự kiểm soát. Đảm bảo AI được dùng chủ yếu cho các mục đích tốt và có đạo đức.Khuyến khích sự phát triển của công nghệ AI và ngăn cho không quá nhiều quyền lực tập trung hay độc quyền cho một tổ chức hay cá nhân.
Cơ hội phát triển AI là rất lớn, theo báo cáo “Chỉ số sẵn sàng về AI của Chính phủ năm 2023” của Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ KH&CN), điểm trung bình của Việt Nam năm 2023 là 54,48 điểm (so với 53,96 điểm năm 2022 và 51,82 điểm năm 2021). Việt Nam đứng vị trí thứ 5 trong khu vực ASEAN, tăng 1 bậc so với năm 2022. Trong đó, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 59 trên tổng số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, và đây đã là năm thứ ba liên tiếp mà Việt Nam vượt qua mức trung bình toàn cầu.
Đặc biệt, Việt Nam có dân số trẻ, nguồn lao động chất lượng cao dồi dào và quan tâm đến việc học tập và làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Các trường đại học hàng đầu Việt Nam như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đều đã có những ngành đào tạo chuyên ngành về trí tuệ nhân tạo. Đây là điều kiện rất thuận lợi để chúng ta có đủ nguồn lực tương lai trong việc phát triển AI sâu rộng trong các ngành công nghiệp và nhiều lĩnh vực.
Theo Ông Phạm Hùng Quất, Cục trưởng Cục phát triển Thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH&CN): “Trí tuệ nhân tạo AI là công nghệ của tương lai và tạo ra được những mô hình kinh doanh mới, một hệ sinh thái khởi khiệp sáng tạo rất tốt trong tương lai. Dữ liệu lớn hay khả năng ứng dụng vào các lĩnh vực cụ thể đều rất tiềm năng, tuy nhiên các nước trên thế giới cũng đang muốn tạo ra môi trường cho AI để phát triển một cách bền vững và có đạo đức, mục đích cuối cùng vẫn là phục vụ lợi ích cho con người”.
Theo đó, nguồn lực chuyên gia về AI còn chưa đủ, số lượng chuyên gia AI có kỹ năng và kinh nghiệm đủ để triển khai các dự án lớn vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, để phát triển và ứng dụng được trí tuệ nhân tạo vào đời sống cũng như các lĩnh vực một cách sâu rộng, cần nguồn vốn lớn. Việc áp dụng AI đặt ra nhiều vấn đề về quyền riêng tư, an ninh thông tin và trách nhiệm pháp lý. Việt Nam cần thiết lập các quy định pháp lý và khung chính sách rõ ràng để bảo vệ quyền riêng tư và đảm bảo an toàn thông tin.
Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao Trần Anh Tú (Bộ KH&CN) cũng cho rằng: “Trí tuệ nhân tạo AI được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhận thức được tầm quan trọng của AI, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, nhằm tạo ra "cú hích" cho ngành AI của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về AI”.
Theo Quyết định số 127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vềChiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, nêu rõ mục tiêu đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam, phấn đấu "nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo".
“Việt Nam cũng nên ủng hộ các nỗ lực toàn cầu về kiểm soát AI ở mức độ vừa phải nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra các kịch bản xấu nhất, nhưng vẫn khuyến khích phát triển và tích hợp công nghệ này một cách sâu rộng và có đạo đức vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội để không ngừng nâng chất lượng cuộc sống của người dân và vị thế quốc gia. Do đó, quá trình xây dựng luật về AI ở Việt Nam cũng cần được đẩy nhanh hơn nữa”, ông Trần Anh Tú cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo