An toàn sinh mạng: Yếu tố hãng xe máy lãng quên ở Việt Nam
XE HOT QUA ẢNH (16/11): Bảng giá xe Hyundai, siêu xe đắt nhất thế giới / XE HOT QUA ẢNH (17/11): Người Việt chuộng xe giá rẻ, SUV 7 chỗ tầm giá 1 tỷ chạy đua dịp cuối năm
Công nghệ mới giúp giảm thiểu tai nạn
5 năm trở lại đây, các DN sản xuất lắp ráp bắt đầu chú ý và trang bị nhiều công nghệ hiện đại cho xe máy. Các tính năng như Idling Stop (chức năng tắt tạm thời), smartkey (chìa khóa thông minh), phun xăng điện tử,... xuất hiện ngày càng nhiều trên các mẫu xe. Tuy nhiên, công nghệ mới vẫn xoay quanh yếu tố tiết kiệm nhiên liệu, chủ yếu dành cho động cơ, dường như quên mất tính an toàn của dòng xe hai bánh.
Là người sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại chính từ hơn 30 năm qua, anh Ngô Thanh Quang, sống tại Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, cho biết đã thay tới gần chục chiếc xe máy mới, nhưng tới năm 2014 nghe đến công nghệ phanh ABS, hay cảm biến góc nghiêng,vẫn còn là điều khá xa lạ.
Xe máy bị tai nạn một phần do ít được trang bị công nghệ an toàn (ảnh minh họa) |
Anh Quang kể, cuối năm 2014, anh bị gãy xương đòn do tai nạn xe máy. Buổi tối đi trên đường Linh Đàm, xe chạy tốc độ dưới 40km, bất ngờ một chiếc xe máy cũ chở 3 người, không đèn pha, từ trong ngõ lao vút ra. Anh chỉ kịp bóp cả 2 phanh để không đâm vào họ. Kết quả xe đổ, anh ngã xuống đường, bị cuốn đi một đoạn và gãy xương đòn. Đi viện, bác sỹ bắt phải đeo đai số 8 và nằm nhà một tháng mới lành.
Theo anh Quang, nếu chiếc xe của anh có trang bị phanh ABS và cảm biến góc nghiêng sẽ an toàn hơn. Khi bóp “chết” phanh, xe chỉ dừng lại chứ không đổ hoặc đổ thì cũng tự tắt máy, không cuốn anh đi một đoạn do động cơ vẫn hoạt động.
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS (Anti - Lock Braking System) được phát minh từ năm 1920, ban đầu chỉ áp dụng vào phanh của máy bay, sau đó được sử dụng trong ngành công nghiệp ôtô và xe máy. Năm 1988, tập đoàn BMW bắt đầu trang bị hệ thống phanh ABS trên xe môtô. Từ đó đến nay, ABS đã trải qua nhiều lần nâng cấp và trở thành trang bị an toàn hàng đầu trên xe máy.
ABS sẽ hỗ trợ bằng cách bóp nhả liên tục, hạn chế lực tác động mạnh của má phanh vào đĩa phanh, khi người lái bóp hoặc đạp phanh quá nhanh, với lực lớn. Nó sẽ giữ cho bánh xe vẫn quay chứ không bị khóa cứng. Sau tình huống nguy hiểm tránh được, hệ thống sẽ tái áp dụng lực phanh lớn nhất, để xe dừng lại nhanh, hoặc cho tới khi phát hiện mối nguy khóa bánh mới.
Theo một nghiên cứu năm 2010 của Ủy ban an toàn Giao thông quốc gia Mỹ, gần 37% tai nạn trên xe môtô, liên quan tới việc không được trang bị phanh ABS khiến xe bị trơn trượt.
Một trong số những mẫu xe ở Việt Nam sử dụng phanh ABS |
Hiện nhiều nước đã quy định, môtô, xe máy sản xuất và bán ra có dung tích xi-lanh từ 125cc trở lên bắt buộc phải trang bị hệ thống phanh ABS. Tại Ấn Độ, thị trường xe máy lớn thứ 2 thế giới, từ năm 2017 đã thực hiện quy định bắt buộc, tất cả xe máy có dung tích xi lanh 125cc trở lên, phải gắn hệ thống chống bó cứng phanh ABS.
Tại thị trường châu Âu, tiêu chuẩn còn cao hơn, phanh ABS được tích hợp trên các loại xe tay ga, từ phân khối nhỏ cho tới phân khối lớn. Xe máy gắn phanh ABS sẽ giúp tăng mức độ an toàn giao thông và giảm thiểu thương vong.
Cùng với đó là tính năng cảm biến góc nghiêng, có tác dụng giúp chiếc xe tự động tắt máy khi bị đổ. Điều này sẽ giúp người sử dụng tránh được tai nạn nghiêm trọng hơn khi bị ngã xe.
Bị lãng quên ở Việt Nam
Sau khi bị tai nạn, anh Quang quan tâm hơn tới tính năng an toàn trên xe máy và tìm hiểu về phanh ABS, cảm biến góc nghiêng. Đến nay, tại Việt Nam, một số mẫu xe tay ga, đã được trang bị những công nghệ này nhưng chưa nhiều, anh Quang cho biết.
Với Piaggio Việt Nam, tất cả các sản phẩm xe tay ga như Vespa, Liberty, Medley,... đều được tích hợp công nghệ phanh ABS và cảm biến góc nghiêng. Honda Việt Nam có một mẫu xe được trang bị phanh ABS là SH, xe Lead có trang bị cảm biến góc nghiêng. Tại Yamaha, chỉ mẫu xe NM-X 150 nhập khẩu được trang bị phanh ABS... còn lại các mẫu xe khác có động cơ dung tích 125 cm3 thì không. Thậm chí, một số mẫu xe tay ga tại các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đều được trang bị phanh ABS, nhưng tại Việt Nam thì không.
Các nhà sản xuất lo ngại trang bị phanh ABS khiến giá thành tăng, song thực tế không hẳn đã như vậy (ảnh minh họa) |
Những chiếc xe tay ga trang bị phanh ABS và cảm biến góc nghiêng tại Việt Nam đều có giá từ 60 triệu đồng trở lên. Khách hàng có tiền đều chuyển sang đi dòng xe này vì nó đảm bảo an toàn hơn hẳn. Một số mẫu xe còn được trang bị thêm nhiều tính năng hiện đại như kết nối với smartphone hay cổng USB, khóa chống trộm và khung gầm cũng vững chắc hơn, anh Quang cho biết.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất ngày càng nâng cấp các mẫu xe tay ga, nhất là động cơ. Nhiều xe trước đây có dung tích xi lanh chỉ 110cm3, nhưng các phiên bản về sau, đều nâng lên 125cm3, thậm chí 150cm3, nhưng không hề trang bị những tính năng an toàn kể trên. Tuy giá xe rẻ hơn, nhưng độ an toàn thấp, rất nguy hiểm khi chạy trên đường với tốc độ cao mà phanh gấp.
Một số ý kiến cho hay, lắp phanh ABS và tính năng cảm biến góc nghiêng làm giá thành xe tăng lên nhiều nên các DN không muốn. Song, cũng có chuyên gia cho rằng, nếu sản xuất hàng loạt với số lượng lớn giá thành sẽ không tăng.
Ở Việt Nam hiện chưa có thống kê số vụ tai nạn do tính năng an toàn thấp của xe máy, nhưng chắc chắn đây là một con số không hề nhỏ. Đã đến lúc cần đưa ra quy định xe máy phải trang bị những công nghệ an toàn cao nhằm giảm số vụ tai nạn, hạn chế thương vong và thiệt hại tài sản.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Microsoft thúc đẩy người dùng Windows 10 mua máy tính mới
An toàn thông tin cho hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia
Bước tiến quan trọng thúc đẩy kết nối công nghệ Úc với doanh nghiệp Đà Nẵng
Chuỗi sự kiện ra mắt sản phẩm mới thường niên SaaS Day 2024