Khoa học - Công nghệ

ByteDance và TikTok đề nghị tạm ngừng thi hành lệnh cấm tại Mỹ

DNVN - TikTok, ứng dụng video ngắn nổi tiếng, cùng công ty mẹ ByteDance đã nộp đơn lên tòa án ngày 9/12, đề nghị Tòa Phúc thẩm Mỹ tại Quận Columbia tạm hoãn thực hiện luật buộc ByteDance phải bán cổ phần tại TikTok trước hạn chót 19/1. Yêu cầu này nhằm chờ phán quyết cuối cùng từ Tòa án Tối cao Mỹ.

Panasonic giới thiệu tủ lạnh thiết kế âm tường Slot-in đột phá / ChatGPT đạt 300 triệu người dùng hàng tuần

Biểu tượng TikTok trên màn hình điện thoại. Ảnh: AFP/TTXVN

Đơn khẩn cấp của hai công ty nêu rõ, nếu không có sự can thiệp kịp thời, luật này có thể dẫn đến việc TikTok bị đóng cửa ngay trước lễ nhậm chức tổng thống. Trong đơn, TikTok khẳng định đây là nền tảng giao tiếp quan trọng tại Mỹ với hơn 170 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng.

Việc không được tạm hoãn thi hành luật có thể khiến TikTok bị cấm hoạt động tại Mỹ chỉ trong vòng sáu tuần, gây tổn thất lớn về giá trị đối với ByteDance và các nhà đầu tư. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đang dựa vào TikTok để thúc đẩy doanh số bán hàng cũng sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước đó, một hội đồng gồm ba thẩm phán tại tòa phúc thẩm đã giữ nguyên yêu cầu thoái vốn của ByteDance, đưa ra thời hạn đến đầu năm 2024 để tuân thủ. Nếu không thực hiện, ByteDance sẽ phải đối mặt với lệnh cấm TikTok trên toàn nước Mỹ.

 

Đội ngũ pháp lý của ByteDance và TikTok bày tỏ sự tự tin rằng Tòa án Tối cao có thể xem xét lại vụ việc và thay đổi phán quyết. Vì vậy, họ nhấn mạnh việc trì hoãn thi hành luật là cần thiết, nhằm đảm bảo có thêm thời gian để giải quyết các vấn đề pháp lý một cách thấu đáo.

Các công ty cũng chỉ ra rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết sẽ ngăn chặn lệnh cấm này. Họ cho rằng việc tạm hoãn sẽ tạo điều kiện để chính quyền mới đánh giá lại và xác định quan điểm chính sách rõ ràng hơn.

Bên cạnh đó, TikTok cảnh báo lệnh cấm không chỉ tác động trong nước mà còn gây gián đoạn lớn đến dịch vụ của họ đối với hàng triệu người dùng trên toàn cầu. TikTok giải thích rằng họ phụ thuộc vào hàng trăm nhà cung cấp tại Mỹ để hỗ trợ các dịch vụ như bảo trì, phân phối ứng dụng và cập nhật phần mềm. Nếu lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 19/1, các nhà cung cấp này sẽ không thể tiếp tục hỗ trợ, gây khó khăn lớn trong việc vận hành nền tảng. Điều này sẽ làm gián đoạn hoạt động, khiến TikTok không thể cập nhật tính năng mới hay sửa lỗi kỹ thuật, trực tiếp ảnh hưởng đến người dùng ngoài Mỹ.

 

TikTok mong muốn Tòa Phúc thẩm đưa ra quyết định liên quan đến yêu cầu hoãn thi hành trước ngày 16/12 để đảm bảo thời gian giải quyết vấn đề một cách hợp lý.


Linh Chi (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm