Các nhà khoa học sử dụng AI để mã hóa thông điệp bí mật mà hệ thống an ninh mạng không thể nhìn thấy
Vì sao hàm lượng oxy trong khí quyển Trái đất cần duy trì ở mức 20,9%? / Giải mã nguyên nhân đôi khi mặt trăng xuất hiện trên bầu trời ban ngày
Phương pháp mới biến các chatbot như ChatGPT thành công cụ truyền tải thông điệp được mã hóa, bằng cách chèn mã một cách liền mạch vào trong các đoạn văn bản trông giống như do con người tạo ra. Theo tuyên bố từ nhóm nghiên cứu, kỹ thuật này đặc biệt hữu ích trong những tình huống mà các cơ chế mã hóa thông thường dễ bị phát hiện hoặc bị cấm đoán.
Giống như một dạng mực vô hình kỹ thuật số, thông điệp thật chỉ hiện ra khi người nhận có mật khẩu hoặc khóa giải mã phù hợp. Công nghệ này được kỳ vọng sẽ giải quyết những lỗ hổng bảo mật thường thấy trong các hệ thống truyền thông mã hóa hiện nay, vốn thường xuyên bị tin tặc tấn công hoặc để lộ “cửa hậu”.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng thừa nhận công nghệ này có thể bị lạm dụng với mục đích xấu. Kết quả nghiên cứu đã được công bố ngày 11/4 trên cơ sở dữ liệu bản in trước arXiv, và hiện vẫn chưa qua quá trình bình duyệt ngang hàng.
“Đây là một nghiên cứu rất thú vị, nhưng cũng giống như bất kỳ công nghệ nào khác, khía cạnh đạo đức của việc sử dụng – hay lạm dụng – cũng cần được cân nhắc để xác định phạm vi ứng dụng phù hợp”, ông Mayank Raikwar, đồng tác giả nghiên cứu và là nhà nghiên cứu về mạng và hệ thống phân tán tại Đại học Oslo (Na Uy), chia sẻ với Live Science qua email.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng hệ thống mang tên EmbedderLLM, sử dụng thuật toán để chèn các thông điệp mật vào những vị trí cụ thể trong văn bản do AI tạo ra – tương tự như cách cất giấu kho báu dọc một con đường. Văn bản này sau đó trông hoàn toàn tự nhiên như được viết bởi con người, và không thể bị phát hiện bởi các công cụ giải mã hiện nay. Người nhận sẽ dùng một thuật toán khác, đóng vai trò như bản đồ kho báu, để tìm ra vị trí các ký tự bị ẩn và từ đó giải mã thông điệp.
Thông điệp được tạo bằng EmbedderLLM có thể gửi qua bất kỳ nền tảng nhắn tin nào – từ các ứng dụng trò chuyện trong game đến WhatsApp và các nền tảng tương tự khác.
“Việc dùng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) cho mục đích mã hóa là khả thi về mặt kỹ thuật, nhưng mức độ hiệu quả còn phụ thuộc vào loại mật mã được sử dụng”, ông Yumin Xia, giám đốc công nghệ tại công ty blockchain Galxe, cho biết trong email gửi Live Science. “Dù còn tùy vào chi tiết cụ thể, song nhìn chung, ý tưởng này hoàn toàn có khả năng dựa trên các loại mật mã hiện hành”.
Dù vậy, một trong những điểm yếu lớn nhất của kỹ thuật này là bước đầu trao đổi mật khẩu an toàn – cần thiết để mã hóa và giải mã những tin nhắn tiếp theo. Hệ thống có thể hoạt động dựa trên mật mã đối xứng (người gửi và người nhận dùng chung một mã bí mật) hoặc mật mã khóa công khai (chỉ người nhận có khóa riêng).
Theo nhóm nghiên cứu, sau bước trao đổi khóa ban đầu, EmbedderLLM sẽ vận hành trên nền tảng mật mã có khả năng chống lại mọi kỹ thuật giải mã – kể cả với sự tiến bộ của điện toán lượng tử trong tương lai. Điều này giúp bảo đảm phương pháp mã hóa mới bền vững và có sức chống chịu lâu dài.
Các nhà nghiên cứu tin rằng công nghệ này sẽ hữu ích đối với các nhà báo và công dân đang sống dưới các chế độ kiểm duyệt hà khắc. “Chúng ta cần tìm ra những ứng dụng quan trọng của khuôn khổ này”, Raikwar nói. “Đối với những công dân bị đàn áp, công nghệ này mang lại một cách truyền đạt thông tin an toàn hơn mà không bị phát hiện”.
Ông cũng cho biết, công nghệ này có thể giúp các nhà báo và nhà hoạt động trao đổi thông tin một cách kín đáo tại những nơi có sự giám sát nghiêm ngặt với báo chí.
Tuy nhiên, bất chấp những bước tiến ấn tượng, giới chuyên gia cho rằng việc triển khai thực tế các kỹ thuật mã hóa bằng AI vẫn còn cách rất xa.
“Mặc dù một số quốc gia đã đưa ra một số hạn chế nhất định, nhưng việc khuôn khổ này có thể tồn tại lâu dài hay không sẽ phụ thuộc vào nhu cầu và mức độ ứng dụng trong thực tế”, ông Xia nhận định. “Hiện tại, nghiên cứu này là một thử nghiệm hấp dẫn cho một kịch bản giả định”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Kỹ thuật mới này có thể giúp các nhà báo và công dân tránh được các hệ thống giám sát áp bức. Ảnh: Yuichio Chino