Được hé lộ liên tục trong thời gian vừa qua, Bugatti Chiron Divo đã chính thức "trình làng" trong khuôn khổ lễ hội xe quý tộc Pebble Beach Concours d'Elegance đang diễn ra tại Mỹ. Theo ông Stephan Winkelmann Giám đốc điều hành của Bugatti chia sẻ, Chiron Divo không chỉ đơn thuần là phiên bản hiệu năng cao của dòng hypercar Chiron - nó còn thể hiện ngôn ngữ thiết kế mới của Bugatti, cũng như đánh dấu sự trở lại của hãng xe Pháp với nghệ thuật chế tác thân xe (coachbuild) truyền thống.
Trong những năm đầu của ngành công nghiệp xe hơi, một chiếc xe được bán cho khách hàng sẽ bao gồm phần động cơ và chassis lăn bánh từ các hãng xe, trong khi thân xe sẽ được các hãng coachbuild như Pininfarina, Bertone... thiết kế và chế tạo theo đúng theo yêu cầu của khách hàng. Ở thời kỳ này, Bugatti là một trong những hãng xe hiếm hoi đảm nhận cả 2 công việc trên, khi người sáng lập hãng là Ettore Bugatti sẽ tạo ra khung sàn và con trai ông - Jean Bugatti đảm nhiệm việc thiết kế thân xe.
Do có thân xe được thiết kế cho từng khách hàng khác nhau, những chiếc xe hơi coachbuild cổ khó có thể bị "đụng hàng" với nhau - khác với hình thức sản xuất xe công nghiệp sau này. Trong khi đó, các sản phẩm của Bugatti ở thời kỳ coachbuild luôn được tôn vinh bởi thiết kế hấp dẫn của chúng - ngay cả thời điểm bây giờ nhiều mẫu xe của hãng vẫn luôn nằm trong các danh sách xe đẹp nhất Thế giới. Ngày nay, khái niệm coachbuild thường gắn liền với các mẫu xe "hàng thửa" được thiết kế lại hoàn toàn và sản xuất với số lượng nhỏ, dựa trên những dòng xe thương mại đang có sẵn trên thị trường.
Quay trở lại với Chiron Divo, siêu xe mới nhất của Bugatti hoàn toàn xứng đáng với khái niệm "coachbuild" hiện đại khi nó sở hữu thân xe hoàn toàn khác biệt so với chiếc Chiron quen thuộc. Ngoài hình dáng của những cửa kính, phần còn lại của chiếc xe đã được Bugatti thiết kế lại hoàn toàn, hướng tối đa tới hiệu năng khí động học. Giống như những xe đua chuyên nghiệp, Chiron Divo sở hữu các hốc hút gió "khổng lồ" ở phía trước, những vây khí động học nằm hai bên cửa, dọc theo nắp động cơ, cánh đuôi lớn phía sau và các cánh ốp bên dưới bodykit.
Không chỉ khiến chiếc xe trở nên độc đáo và khác biệt so với Chiron, các chi tiết khí động học còn khiến cho chiếc xe có độ ổn định và bám đường cao hơn, từ đó đạt tốc độ lớn hơn ở các khúc cua. Theo Bugatti, lực nén không khí xuống mặt đường đo được của Chiron Divo tăng thêm 90kg, trong khi lực gia tốc G cũng tăng 1,6g so với Chiron thường. Nhờ sử dụng nhiều sợi carbon hơn trong kết cấu, thay bộ mâm siêu nhẹ, cắt giảm các lớp cách âm cabin cùng nhiều biện pháp "ép cân" khác, chiếc xe cũng nhẹ hơn tới khoảng 35kg.
Trong khi sở hữu ngoại hình khác biệt hoàn toàn so với Chiron nguyên gốc, Chiron Divo vẫn chia sẻ chung phần lớn thiết kế nội thất với "người anh em" ra mắt trước. Tương tự, hệ động lực của chiếc xe vẫn được giữ nguyên. Nằm phía sau khoang lái của Chiron Divo vẫn tiếp tục là động cơ W16 4 tăng áp quen thuộc, cho công suất 1.500PS. Nhờ có trọng lượng nhẹ hơn, chiếc xe có thời gian tăng tốc từ 0-100km/h nhanh hơn 0,1 giây so với Chiron, chỉ mất 2,4 giây.
Tuy nhiên đổi lại, Chiron Divo mất đi chế độ lái Top Speed từng xuất hiện trên chiếc Chiron cũ, dẫn tới việc tốc độ tối đa bị giới hạn "chỉ" ở mức 380km/h. Nguyên nhân đứng sau sự suy giảm này không chỉ nằm ở lực nén khí động học và cản gió tới thân xe lớn hơn, mà còn do góc nghiêng bánh xe (camber) được gia tăng. Đổi lại, những cải tiến này cùng với hệ thống treo và tay lái được cân chỉnh đã khiến Chiron Divo trở nên tốc độ hơn nhiều ở các khúc cua, cũng như đem tới cảm giác lái ấn tượng hơn.
Ngay từ khi mới bắt đầu hé lộ về Chiron Divo, Bugatti đã tuyên bố sẽ chỉ giới hạn số lượng sản xuất của chiếc xe ở con số 40, cũng như "chốt giá" khởi điểm ở mức 5 triệu Euro (tương đương 135 tỷ đồng). Mức giá nêu trên đắt hơn tới gần gấp đôi so với chiếc Chiron Sport, khiến Chiron Divo trở thành chiếc xe có giá bán niêm yết đắt nhất trong lịch sử của Bugatti. Mặc dù đắt đỏ nhưng hiện tại, cả 40 chiếc Chiron Divo đều đã có khách hàng đặt cọc.