Dù mới chỉ được thành lập từ năm 2009 nhưng có thể nói hãng xe điện Rimac tới từ Croatia đã có những bước phát triển thần tốc. Xuất phát điểm chỉ là một nhóm những người đam mê xe tìm cách độ một chiếc BMW 3 Series E30 đời 1984 thành xe điện, Rimac đã nhanh chóng trở thành một trong những hãng cung cấp hệ động lực điện tốt nhất Thế giới. Sau thành công với dòng siêu xe điện Concept One ra mắt lần đầu vào năm 2013, Rimac đã sẵn sàng tiến một bước xa hơn nữa với mẫu hypercar Rimac C_Two hoàn toàn mới.
Vừa được chính thức công bố tại triển lãm Geneva Motor Show 2018, Rimac C_Two đã chứng minh cho cả Thế giới thấy rằng những mẫu siêu xe điện cũng có thể "so găng" trực tiếp với các hypercar chạy động cơ đốt trong truyền thống hàng đầu Thế giới hiện nay. Để làm được điều này, "chìa khóa" của C_Two đó là hệ động lực điện cực kỳ mạnh mẽ ưu việt của chiếc xe. Rimac đã trang bị cho C_Two tổng cộng 4 mô-tơ điện, dẫn động từng bánh của chiếc xe. Khi cùng lúc hoạt động, cả 4 động cơ này có thể đạt tổng công suất lên tới 1.888 mã lực và mô-men xoắn 2.300Nm.
Để bạn đọc dễ dàng so sánh, Bugatti Chiron - mẫu siêu xe động cơ đốt trong thương mại được coi là mạnh mẽ nhất hiện nay chỉ đạt công suất 1.479 mã lực và mô-men xoắn 1.600Nm. Với các động cơ điện độc lập cho từng bánh xe, Rimac C_Two cũng có khả năng thay đổi cấu hình dẫn động linh hoạt - từ ngắt 1 trong 2 cầu hoàn toàn tới vận hành toàn bộ mô-tơ để dẫn động cả 4 bánh. Thậm chí từng mô-tơ còn có khả năng tự giới hạn sức mạnh độc lập, giúp chiếc xe đạt độ ổn định và bám đường tốt hơn ở các góc cua hay những điều kiện mặt đường không chuẩn.
Giống như Concept One trước đây, Rimac đã trang bị cho C_Two những hộp số đơn cấp cho cầu trước và một cặp hộp số 2 cấp độ ở cầu sau. Toàn bộ hệ động lực của xe được cung cấp sức mạnh bởi khối pin có dung lượng lên tới 120kWh được làm mát bằng chất lỏng, bảo đảm nhiệt độ ở mức ổn định ngay cả trong điều kiện vận hành tối đa trên đường đua. Theo Rimac, C_Two có tầm hoạt động lên tới 650km cho mỗi lần sạc đầy pin, đo theo chuẩn NEDC của châu Âu.
Nhờ có hệ động lực siêu mạnh, Rimac C_Two đạt hiệu năng xứng đáng được liệt vào hàng hypercar. Đánh bại Tesla Roadster thế hệ mới, chiếc xe có thời gian tăng tốc từ 0-96km/h "ngộp thở" là 1,85 giây, trong khi tốc độ tối đa đạt được là 412km/h. Không chỉ có hiệu năng của một hypercar, kiểu dáng của C_Two cũng đã giống như một siêu xe thực thụ. Thay vì có dạng như một chiếc xe động cơ đặt trước như người tiền nhiệm Concept One, C_Two được tạo hình với các tỷ lệ thân xe tương tự các mẫu siêu xe động cơ đặt giữa.
Rimac đã hài hòa giữa các bề mặt mềm mại, đường nét sắc sảo và các mảng thân xe xếp chồng lớp để tạo thành một tổng thể thiết kế đầy gợi cảm nhưng cũng mang đậm tính "tương lai" cho C_Two. Là một hypercar, chiếc xe đương nhiên cũng có phần thân được làm từ sợi carbon siêu nhẹ. Một trong những chi tiết nổi bật của C_Two đó là bộ mâm 5 cánh với thiết kế độc đáo, mô phỏng hình dáng của mô-tơ điện hay các tuốc-bin phản lực.
Rimac cũng không quên chú trọng tới nội thất của C_Two, biến nơi đây trở thành một không gian tối giản nhưng hiệu quả và sang trọng cho người lái cùng hành khách. Hãng đã hạn chế tối đa số nút bấm bên trong cabin, thay vào đó là một màn hình cảm ứng đồng thời đóng vai trò là hệ thống thông tin giải trí. Toàn bộ nội thất của C_Two cũng được bọc kín trong da cao cấp - bao gồm cả từng ngóc ngách như khoang để chân.
Một điểm đặc biệt khác của mẫu siêu xe điện này đó là nó được trang bị tới 8 camera khác nhau, một cặp cảm biến của hãng LIDAR, 6 radar, cả tá cảm biến sóng siêu âm khác và hệ thống GPS siêu chính xác. Những trang bị này khiến C_Two có thể tự lái ở cấp độ 4 gần như cao nhất hiện nay. Đồng thời, chiếc xe còn được trang bị phần mềm trí thông minh nhân tạo, mở ra khả năng nhận diện khuôn mặt để mở khóa cùng nhiều tính năng độc đáo khác.
Rimac sẽ sản xuất C_Two ngay trong năm nay và dự định sẽ giới hạn số lượng xe ở mức 150 chiếc. Hiện tại mức giá cùng kế hoạch bán ra của chiếc xe chưa được hãng tiết lộ.