Công nghệ mới trên điện thoại 6G có thể giúp phát hiện sớm ung thư da
SpaceX phóng thử nghiệm lần 3 tên lửa mạnh nhất thế giới / Hợp tác phát triển nhân lực ngành điện tử, vi mạch bán dẫn
Tờ Daily Mail (Anh) đưa tin, hiện nay, việc chẩn đoán ung thư da thường dựa trên kính hiển vi hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT).
Chụp CT dựa trên sóng vô tuyến tần số cao để tạo hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể, tuy nhiên, người khám phải đến bệnh viện còn thiết bị lại khá cồng kềnh. Mặc dù phương pháp này có thể giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu nhưng điểm trừ là sóng vô tuyến tần số cao có thể làm hỏng các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Chúng cũng tốn thời gian và tốn kém.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Queen Mary và Đại học Glasgow ở Anh đưa ra giải pháp khác mà họ tuyên bố có thể là cách mạng đối với chẩn đoán ung thư da. Họ đã đăng tải về nghiên cứu trên tạp chí IEEE Transactions on Biomedical Engineering.
Các nhà nghiên cứu đã phát triển cảm biến sử dụng bức xạ terahertz (THz) tần số thấp, ít gây hại, chính xác hơn so với kính hiển vi và an toàn hơn so với chụp CT. Công nghệ tương tự sẽ được sử dụng trong thế hệ điện thoại di động mạng 6G tiếp theo.
Chụp THz lại tập trung vào cách mô phản ứng với tần số vô tuyến nhất định. Các nhà nghiên cứu cho biết điều này đồng nghĩa với việc nó có thể xác định cả lượng nhỏ tế bào ung thư.
Họ cũng khẳng định rằng cảm biến mới có thể phát hiện ung thư da trong vài giây với “độ nhạy đặc biệt”. Trong tương lai, nó có thể được tích hợp vào thiết bị cầm tay để bệnh nhân được chẩn đoán thuận tiện hơn, ngay cả ở nhà.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm cảm biến trên da tổng hợp 3D để kiểm tra khả năng phát hiện thay đổi của tế bào. Sau khi chiếu bức xạ THz lên các mẫu da, họ theo dõi sóng vô tuyến và nhận thấy với tế bào ung thư, sóng vô tuyến phản xạ trở lại kèm ba đặc điểm cụ thể. Sau đó, nó được đưa vào một chương trình máy tính để tạo biểu đồ trên màn hình.
Ông Shohreh Nourinovin tại Trường Kỹ thuật Điện tử và Khoa học Máy tính của Đại học Queen Mary, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết công nghệ này tạo điều kiện để phân biệt chính xác hơn giữa các tế bào khỏe mạnh và ung thư cũng như đo mức độ ác tính của mô. Trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, cảm biến đã xác định thành công tế bào da bình thường và ung thư biểu mô tế bào đáy - loại ung thư da thường gặp nhất - trong vòng chưa đầy năm phút.
Các nhà nghiên cứu nhận định khả năng phát hiện ung thư giai đoạn đầu này có tiềm năng to lớn trong cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân.
Giáo sư Qammer Abbasi tại Đại học Glasgow, người tham gia vào nghiên cứu, đánh giá công nghệ mới này có thể đặc biệt có lợi cho những người không thể đến bệnh viện hoặc sống ở vùng sâu vùng xa. Ông dự tính nó sẽ được sử dụng để sàng lọc bệnh ung thư da cho mọi người. Nếu phát hiện ra bệnh ung thư, cần phải kiểm tra chi tiết hơn. “Chẩn đoán ung thư da càng sớm thì kết quả điều trị càng khả quan. Công nghệ này có thể cứu được vô số mạng sống”, ông nói thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tổng Bí thư: Chú trọng gỡ rào cản thể chế để khoa học công nghệ bứt phá
Khoa học công nghệ đóng góp công lớn vào giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp
5 tiểu hành tinh nguy hiểm nhất hệ mặt trời, có nguy cơ va chạm vào Trái Đất
Thành lập Liên minh ứng phó sự cố an ninh mạng Quốc gia
Việt Nam - Czech thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo