Khoa học - Công nghệ

Công nghệ tác động thế nào đến ngành logistics?

DNVN - TS Dương Thị Kim Liên - Viện trưởng Viện Hỗ trợ Đổi mới sáng tạo doanh nghiệp (IBIA), Trưởng Cộng đồng công nghệ tạo tác động Techfest Việt Nam cho rằng, công nghệ đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong ngành logistics Việt Nam. Giúp Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm logistics hiện đại trong khu vực.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt chuyển đổi logistics xanh / Công ty Duy Thịnh: Top doanh nghiệp tiên phong phát triển logistics xanh tại Đà Nẵng

Phát biểu tại hội thảo “Thu hút nguồn lực, nuôi dưỡng kỳ lân tương lai trong lĩnh vực logistic” chiều ngày 26/11, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, với tốc độ hội nhập quốc tế sâu rộng và sự bùng nổ của thương mại điện tử, logistics tai Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triên mới, mở ra những cơ hội to lớn.

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng này, Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics phát triển mạnh mẽ.

Bởi vậy, hội thảo không chỉ là nơi thảo luận các giải pháp nhằm thu hút nguồn lực và thúc đẩy sự hợp tác mà còn là diễn đàn để kết nối các doanh nghiệp, startup, nhà đầu tư và tổ chức hỗ trợ. Đây chính là nền tảng để xây dựng một hệ sinh thái logistics vững mạnh, nơi các ý tưởng sáng tạo có thể ươm mầm và phát triển thành.

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo.

“Tôi tin tưởng với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, đại diện quốc tế cùng sự góp mặt của các bạn trẻ khởi nghiệp đầy nhiệt huyết, hội thảo hôm nay sẽ tạo ra những bước đột phá.

Những ý tưởng, kinh nghiệm và giải pháp được chia sẻ không chỉ góp phần thúc đẩy ngành logistics phát triển mà còn tạo động lực lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trên toàn quốc”, ông Quất nói.

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, TS Dương Thị Kim Liên - Viện trưởng Viện Hỗ trợ Đổi mới sáng tạo doanh nghiệp (IBIA), Trưởng Cộng đồng công nghệ tạo tác động Techfest Việt Nam cho rằng, công nghệ đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong ngành logistics Việt Nam. Giúp Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm logistics hiện đại trong khu vực.

Cụ thể, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, tự động hóa, Internet vạn vật (IoT) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây… đang được ứng dụng rộng rãi, giúp tối ưu hóa hoạt động và tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành logistic. Việt Nam với vị trí địa lý chiến lược và tiềm năng phát triển lớn, có cơ hội trở thành trung tâm logistics hiện đại trong khu vực.

Công nghệ đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong ngành logistics.

Nhấn mạnh vai trò của AI trong lĩnh vực logistics, bà Liên cho biết, AI đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng. AI giúp tối ưu hóa tuyến đường giao hàng, dự đoán nhu cầu vận chuyển và lưu kho, quản lý tồn kho thông minh và hỗ trợ khách hàng thông qua AI chatbot, Voice AI chatbot… Những ứng dụng này giúp giảm thời gian vận chuyển, tiết kiệm chi phí và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Đối với blockchain, blockchain mang lại sự minh bạch và bảo mật cho chuỗi cung ứng. Công nghệ này cho phép truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tự động hóa các thỏa thuận thông qua hợp đồng thông minh, ngăn chặn gian lận và thúc đẩy thanh toán quốc tế nhanh chóng, tiết kiệm chi phí. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và nhu cầu về minh bạch trong chuỗi cung ứng ngày càng cao.

Cũng theo bà Liên, tự động hóa và robot đang thay đổi cách quản lý kho và vận chuyển hàng hóa. Các kho hàng tự động sử dụng robot để sắp xếp, chọn và đóng gói hàng hóa, tăng tốc độ xử lý và giảm sai sót. Xe tự hành và drone hỗ trợ vận chuyển trong nhà kho và giao hàng tại những khu vực xa xôi.

Ví dụ, các công ty lớn như Amazon và FedEx đang triển khai thử nghiệm các giải pháp giao hàng không người lái. Công nghệ này mở ra khả năng tiếp cận các khu vực khó khăn và giảm thời gian giao hàng.

Bên cạnh đó, IoT mang lại khả năng quản lý và giám sát chuỗi cung ứng chặt chẽ hơn. Cảm biến IoT gắn trên phương tiện và hàng hóa giúp giám sát các yếu tố như vị trí, nhiệt độ, độ ẩm và điều kiện vận chuyển. Dữ liệu IoT hỗ trợ phát hiện các sự cố thiết bị trước khi xảy ra, giảm thiểu gián đoạn trong vận hành.

Ngoài ra, IoT cung cấp luồng dữ liệu liên tục để tối ưu hóa toàn bộ chuỗi cung ứng. Các nền tảng thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Tiki, Lazada, Shopee đã tiên phong trong việc áp dụng công nghệ AI, IoT và tự động hóa vào hoạt động giao hàng.

“Việt Nam đang ở ngưỡng cửa của những cơ hội lớn để bứt phá trong ngành logistics. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ngành logistics cần giải quyết tốt các thách thức hiện tại và tận dụng tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ, các đối tác quốc tế”, bà Liên nhấn mạnh.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm