Đà Nẵng tìm giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho đề án thành phố đổi mới sáng tạo
Hơn 150 tỷ đồng mở rộng Bệnh viện Đà Nẵng / Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật Lê Bá Đảng
Nhận thức rõ tầm quan trọng của xã hội hoá các nguồn lực
Chiều ngày 8/11, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đà Nẵng chủ trì tổ chức tọa đàm “Giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho đề án Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo (ĐMST)” nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp ĐMST đưa ra những định hướng chính sách thu hút nguồn lực xã hội phục vụ phát triển khởi nghiệp ĐMST của TP Đà Nẵng trong thời gian tới.
TS Đặng Mỹ Châu chia sẻ tại toạ đàm.
Đến nay, Sở KH&CN Đà Nẵng đã phối hợp với các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp ĐMST từ trung ương đến địa phương triển khai xây dựng 17 chuyên đề thành phần của đề án, với 7 chuyên đề liên quan đến các giải pháp về cơ chế chính sách, về cơ sở hạ tầng…; đặc biệt là giải pháp về huy động các nguồn lực xã hội (thu hút nhà đầu tư, thu hút nhân tài…).
Theo chỉ đạo của lãnh đạo TP, Sở KH&CN Đà Nẵng đang tiếp tục chú trọng phối hợp với các chuyên gia đầu ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai xây dựng hoàn thiện đề án trong năm 2024 để sớm ban hành và thực thi, với kỳ vọng sẽ mở ra nhiều hướng đi đổi mới nhằm phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp ĐMST của khu vực và cả nước.
“Chúng tôi nhận thức rõ xã hội hóa các nguồn lực có tầm quan trọng rất lớn trong việc phát triển hệ sinh thái ĐMST. Hơn bao giờ hết, việc xây dựng Đà Nẵng trở thành TP ĐMST, trung tâm khởi nghiệp ĐMST quốc gia tại miền Trung - Tây Nguyên rất cần sự chung tay của không chỉ các cơ quan Nhà nước, các viện trường mà của toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia và nhân dân TP”, bà Lê Thị Thục nhấn mạnh.
Cần tập trung vào lĩnh vực chuyên biệt
Qua tìm hiểu tình hình thực tế tại địa phương và khảo sát các mô hình ĐMST của Hoa Kỳ (như Silicon Valley), Trung Quốc (như Thâm Quyến), TS Đặng Mỹ Châu - chuyên gia và cố vấn chiến lược trong lĩnh vực khởi nghiệp ĐMST (Entrepreneurship Innovation) và Công nghệ giáo dục (Edtech) cho rằng ĐMST của Đà Nẵng cần tập trung vào lĩnh vực chuyên biệt.
Theo đó, cần xác định các lĩnh vực công nghệ mà Đà Nẵng có lợi thế, tập trung phát triển chuyên môn sâu trong và lĩnh vực đã chọn và thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực chuyên biệt. Đặc biệt là cần xây dựng tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của Đà Nẵng, duy trì cam kết đổi mới và phát triển, đồng thời thường xuyên đánh giá và điều chỉnh chiến lược khi cần thiết.
TS Đặng Mỹ Châu cho rằng các lĩnh vực chiến lược mà Đà Nẵng cần ưu tiên trong hoạt động ĐMST là phát triển chuyên môn về năng lượng tái tạo; tập trung vào các giải pháp cho TP thông minh; chú trọng các lĩnh vực cụ thể trong phát triển phần mềm. Đồng thời hợp tác với các tỉnh lân cận để mở rộng phạm vi thị trường; tạo cơ chế chia sẻ nguồn lực giữa các địa phương; từ đó tạo điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn thông qua hợp tác.
TS Đặng Mỹ Châu cũng kiến nghị Đà Nẵng cần khuyến khích văn hoá đổi mới và hợp tác. Cụ thể là khuyến khích phát triển môi trường chấp nhận rủi ro và hợp tác trong hoạt động ĐMST; tạo không gian vật lý và ảo cho sự tương tác, kết nối giữa các bên; cung cấp vườn ươm, tài trở và tạo cơ hội kết nối cho khởi nghiệp.
Cùng với đó, TS Đặng Mỹ Châu đề nghị Đà Nẵng tăng cường hợp tác ĐMST với các đối tác Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc trong việc chuyển giao kiến thức, các đối tác Úc, Phần Lan trong việc ứng dụng công nghệ, và các đối tác Singapore trong việc tiếp cận thị trường toàn cầu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo