Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đồng hành với địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57
Hai rào cản doanh nghiệp cần khắc phục khi tuân thủ Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân / Kết nối thế hệ trẻ Pháp ngữ: Từ Mekong đến đại dương, từ Quy Nhơn ra thế giới
Gắn đào tạo với nhu cầu phát triển vùng
Với định hướng trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu khu vực, Đại học Quốc gia TP HCM (ĐHQG-HCM) không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành. Trong suốt 30 năm hình thành và phát triển, ĐHQG-HCM đã ký kết hàng loạt biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác chiến lược với hơn 31 địa phương và 200 doanh nghiệp trên cả nước; từ đó, góp phần giúp nâng cao chất lượng giáo dục và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam và cả nước.
Nhiều kết quả nghiên cứu, thiết bị ứng dụng đã được chuyển giao cho các địa phương, được chính quyền đánh giá cao và người dân đón nhận.

Đặc biệt, cuối năm 2024, Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số quốc gia, ĐHQG- HCM chủ động đẩy mạnh liên kết vùng với các địa phương Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ như TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Tháp, Long An, Đồng Nai và Bình Thuận nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết này.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM, xác định việc phối hợp với các địa phương là yếu tố then chốt để đưa Nghị quyết số 57 đi vào thực tiễn và mang lại hiệu quả cao.ĐHQG-HCM đã tổ chức nhiều hội thảo, buổi làm việc với các tỉnh, thành và doanh nghiệp phía Nam,kết quả ban đầu rất đáng khích lệ.
Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, hai bên phối hợp tổ chức hội thảo, thống nhất hợp tác chiến lược về khoa học công nghệ, xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế, phát triển đại học thông minh và đề xuất chính sách hỗ trợ Trường Phổ thông Năng khiếu; với tỉnh Đồng Nai tổ chức hội thảo tư vấn chính sách, đề xuất giải pháp chuyển đổi xanh cho khu công nghiệp.
Tương tự, ĐHQG-HCM cũng đã làm việc hiệu quả với các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Cà Mau, Bình Thuận và Bình Phước tạo ra các giải pháp cụ thể cho từng địa phương, từ công nghệ sinh học trong nông nghiệp thông minh, xử lý chất thải đến phát triển hạ tầng, năng lượng xanh và ứng dụng AI trong quản lý.
Tại Đồng Tháp, ĐHQG-HCM phối hợp triển khai chương trình “bình dân học vụ số”, hợp tác 3 nhà trong nông nghiệp, bảo tồn thiên nhiên và ký kết hợp tác với doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn.
Tại buổi lễ ký kết, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Tháp nhận định, việc ký kết hợp tác giữa địa phương và ĐHQG-HCM trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là cơ hội lớn cho tỉnh Đồng Tháp phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của mình. Theo định hướng, đến năm 2030, Đồng Tháp phải vươn lên trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển nền nông nghiệp sinh thái và xây dựng nông thôn hiện đại. Xa hơn, đến năm 2045, địa phương đặt mục tiêu phát triển các ngành kinh tế mới dựa trên nội lực như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các mô hình tăng trưởng bền vững. Theo đó, để hiện thực hóa các mục tiêu này, Đồng Tháp rất cần sự đồng hành của ĐHQG-HCM trong việc thúc đẩy khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ĐHQG-HCM, tính riêng giai đoạn 2021 - 2025, ĐHQG-HCM đã cùng các địa phương thực hiện 412 hoạt động, chương trình hợp tác, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Các dự án, chương trình tư vấn trên các lĩnh vực nông thôn mới, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp, quy hoạch du lịch và làng nghề, lịch sử - văn hoá được triển khai thành công đã mang lại những tác động thực tiễn lớn cho các địa phương.
Thúc đẩy mô hình hợp tác "3 nhà"
Cùng với hoạt động hợp tác địa phương, hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức cũng được ĐHQG-HCM xúc tiến triển khai thực hiện. Từ năm 2021 - 2023, ĐHQG-HCM đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến, mở rộng quan hệ hợp tác, ký kết các thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ hợp tác, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận tài trợ với các doanh nghiệp, tổ chức trong cả nước.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, ĐHQG-HCM đã định hướng rõ chiến lược kết nối với các tập đoàn công nghệ lớn và doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực then chốt như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và công nghệ cao.
ĐHQG-HCM đã ký kết với hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn như hợp tác với Becamex IDC trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực như vi mạch điện tử - bán dẫn, công nghiệp 4.0 và phát triển thành phố thông minh. Đối với VNG, phối hợp đào tạo ít nhất 1.000 sinh viên thông qua các chương trình chung, đồng thời đầu tư 25 tỷ đồng hỗ trợ nghiên cứu và ươm mầm, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ; hợp tác với Coteccons thúc đẩy phát triển bền vững và chuyển đổi số trong ngành xây dựng, nghiên cứu vật liệu xanh, công nghệ tiết kiệm năng lượng, đào tạo chuyên đề và đề xuất mô hình nhà ở xã hội. Hợp tác còn tập trung nâng cao phúc lợi công nhân và ứng dụng AI trong thiết kế, thi công.
Ngoài ra, đơn vị còn ký kết hợp tác với các doanh nghiệp lớn khác như CT Group, TTC AgriS, Tetra Pak Việt Nam, Nestlé Việt Nam, Suntory PepsiCo Việt Nam, Ngân hàng ACB, Bệnh viện Quốc tế DNA và Tập đoàn Sunwah. Các hợp tác này đều hướng đến mục tiêu chung là thúc đẩy đổi mới, bền vững và bứt phá của đất nước trong kỷ nguyên mới, thông qua đào tạo nhân lực, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số và xây dựng chính sách “3 nhà” hiệu quả.
Trước đó, tại buổi ra mắt Chương trình “Nghị quyết số 57-NQ/TW: Từ tầm nhìn đến thực thi Mô hình hợp tác nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp”, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam -PRO Vietnam, cho rằng ĐHQG- HCM đã khởi xướng một sáng kiến thiết thực, mang lại hiệu quả để các cơ sở giáo dục đại học có thể phát triển tri thức, tạo môi trường kinh doanh lý tưởng cho doanh nghiệp và đóng góp vào sự phát triển bền vững, tự chủ cho Việt Nam.
Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, trước đây, việc hợp tác giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn như việc liên kết còn hình thức, thiếu niềm tin chiến lược và cơ chế điều phối. Ngoài ra, việc hợp tác vẫn chưa có thiết chế đủ mạnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, buổi ra mắt do ĐHQG-HCM tổ chức là minh chứng cụ thể cho niềm tin giữa các bên, hướng đến mục tiêu chung. Chương trình mang dấu ấn, trở thành cơ sở để thực thi các hoạt động hợp tác trong tương lai vì một Việt Nam tự lực, tự cường, tự tin đi vào tương lai.
Để hợp tác “3 nhà” hiệu quả, ông Phạm Phú Ngọc Trai đề xuất các bên cùng tham gia thiết kế chương trình đào tạo - nghiên cứu - ứng dụng; phát triển các nền tảng mở, phòng thí nghiệm, phòng lab; thí điểm sandbox đối với các ý tưởng, giải pháp và cách làm mới về các lĩnh vực AI, bán dẫn, tài chính số đi đôi với khuyến khích đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, các bên cần thống nhất thành lập ban điều phối liên vùng để kết nối các tỉnh, thành, tập hợp các doanh nghiệp và các trường đại học trọng điểm, tránh tình trạng nghiên cứu chồng chéo.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, hợp tác “3 nhà” phải có nguyên tắc vận hành chung bao gồm: cùng thiết kế, cùng triển khai, cùng chia sẻ. Khi doanh nghiệp, trường đại học, chính quyền cùng ngồi lại, tham gia cùng giải quyết các bài toán lớn, cùng chia sẻ rủi ro, sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất

Chủ nhân Giải Nobel Vật lý 2016: Khoa học không bắt đầu từ giải thưởng mà từ đam mê
ICISE mở trường học nâng cao về vật liệu tô pô lượng tử đầu tiên tại Đồng Nam Á
Sàn giao dịch Khoa học và công nghệ Việt Nam vận hành chính thức từ tháng 11/2025
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đồng hành với địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57