Khoa học - Công nghệ

Đánh giá Samsung Galaxy A7 2018: thay đổi chiến lược ở phân khúc tầm trung

Hồi đầu tháng 9/2018, ông DJ Koh, phụ trách mảng di động của Samsung chia sẻ hãng điện tử Hàn Quốc đang thay đổi chiến lược ở phần khúc tâm trung, ưu tiên đưa các tính năng mới và các sáng tạo công nghệ vào dòng sản phẩm này trước cả phân khúc cao cấp.

Đánh giá Xiaomi Redmi Note 6 Pro: chiếc Redmi Note 5 tai thỏ / Bảng giá xe Royal Enfield tại Việt Nam tháng 12/2018

Mục tiêu của Samsung trong quyết định thay đổi chiến lược này là muốn vực dậy phân khúc tầm trung đang bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc. Chiếc Galaxy A7 2018 là sản phẩm đầu tiên ra đời từ chiến lược mới đó. Vì vậy, máy có những thứ mới mẻ lần đầu tiên xuất hiện trên điện thoại của hãng điện tử Hàn Quốc.

Cụ thể, Galaxy A7 2018 là smartphone Samsung đầu tiên có 3 camera ở phía sau (gồm 1 camera góc siêu rộng để chụp phong cảnh cùng với 2 chiếc camera 24MP và camera 5MP để chụp ảnh thông thường và xóa phông) và là điện thoại dòng A đầu tiên có cảm biến vân tay trên cạnh. Một điều mới mẻ nữa là mức giá của Galaxy A7 2018 hiện tại còn rẻ hơn cả phiên bản đàn em Galaxy A6+.Có lẽ đây là lần đầu tiên Samsung định giá sản phẩm dòng A lớn hơn lại rẻ hơn dòng A đàn em.

Video đánh giá Galaxy A7 2018

Ở các khía cạnh khác, Galaxy A7 2018 có nhiều điểm giống với chiếc Galaxy A6+: màn hình AMOLED 6 inch, RAM 4GB, bộ nhớ trong 64GB cùng khe cắm thẻ nhớ ngoài và camera trước 24MP. Tuy vậy, vi xử lý của Galaxy A7 2018 là con chip Exynos 7885 tám lõi kế thừa từ sản phẩm Galaxy A8/A8+ ở phân khúc cận cao cấp, mạnh mẽ hơn đáng kể con chip Snapdragon 450 trên Galaxy A6+.

Liệu những thay đổi như vậy có giúp Galaxy A7 2018 trở thành điện thoại hấp dẫn ở phân khúc tầm trung vốn đang rất đông đúc sản phẩm cạnh tranh hay không?

Thiết kế

Gần đây, Samsung đã thay đổi thiết kế của dòng Galaxy A, chuyển sang dùng khung kim loại mặt lưng kính thay vì thiết kế kim loại nguyên khối như trước. Trên chiếc Galaxy A7 2018, hãng này lại tiếp tục thay đổi chất liệu cả ở mặt lưng và khung máy. Mặt lưng sử dụng chất liệu nhựa trong suốt như kính, sờ vào cũng rất khó nhận biết đây là kính hay nhựa. Với khung máy, Samsung không nói rõ làm bằng chất liệu gì nhưng theo phỏng đoán của chúng tôi thì đó là chất liệu nhựa.

 

Mặt lưng kính, cụm 3 camera cùng đèn flash trợ sáng

Khung máy sờ vào không có cảm giác lạnh của kim loại và cũng không có các vạch ăng-ten, chi tiết thường thấy trên các điện thoại dùng khung kim loại. Khung máy vẫn cho cảm nhận chắc chắn, cứng cáp nhưng rõ ràng không còn "chất" như khung kim loại trên các dòng A trước đó. Việc loại bỏ khung kim loại và mặt lưng kính trên Galaxy A7 2018 có thể là chi tiết đánh đổi để đầu tư cho camera và hiệu năng trong khi vẫn duy trì được mức giá thấp hơn cả đàn em Galaxy A6+.

Cảm biến vân tay trên cạnh phải có bề mặt hơi nhỏ

 

Cùng với khung máy, thay đổi đáng chú ý hơn trong thiết kế của điện thoại này là cảm biến vân tay được đặt trên cạnh máy, trên nút nguồn. Sony trước đó đã từng làm như vậy trên một số sản phẩm. Xét về trải nghiệm bấm chạm thì đặt cảm biến vân tay trên cạnh cũng rất dễ tiếp cận, cảm giác thuận tay hơn là ở mặt lưng. Cảm biến vân tay của A7 2018 là cảm biến 1 chạm, tốc độ nhận diện khá nhanh. Tuy vậy, cảm biến này có diện tích hơi mảnh và nhỏ nên trong quá trình sử dụng, máy đôi khi không mở khóa do ngón tay đặt lên cảm biến không chính xác. Nhưng theo thời gian sử dụng, việc "định vị" ngón tay chuẩn cũng sẽ được cải thiện dần.

Vị trí cảm biến vân tay dễ bấm

Ở mặt trước, một bất ngờ nho nhỏ ở sản phẩm này là Samsung đã dán sẵn miếng dán màn hình rất vừa vặn. Như vậy cùng với chiếc ốp lưng nhựa trong tặng kèm theo hộp sản phẩm, người dùng sau khi mua máy về sẽ không cần phải đi mua miếng dán hay ốp bên ngoài nữa. Máy có màn hình 6 inch tỷ lệ dài 18,5:9, viền hơi dày hơn chút so với các máy dòng A gần đây. Tỷ lệ màn hình/mặt trước là 74,4%, thấp hơn chút so với Galaxy A6+ (75,3%). Camera tự sướng cũng có một đèn LED flash dùng khi chụp thiếu sáng. Ở phía mặt lưng, cụm 3 camera sau lồi nhẹ và các cạnh máy được bo nhẹ 2.5D giống như ở mặt trước tạo sự cân đối cho sản phẩm.

Máy vẫn dùng cổng sạc micro USB, không phải cổng USB Type C

 

Trên các cạnh, máy vẫn có đầy đủ các cổng, phím quen thuộc cùng 2 khe cắm thẻ SIM độc lập với khay thẻ nhớ micro-SD. Ở tầm giá hơn 7 triệu đồng, hơi đáng tiếc là Samsung vẫn dùng cổng microUSB, không phải là cổng USB Type C mới mẻ và tiện dụng hơn.

Nhìn chung, thiết kế là điểm mà Samsung cắt giảm ở A7 2018, không còn mặt lưng kính và khung kim loại sang trọng và chất lượng như các máy dòng A khác. Sự cắt giảm này có thể hiểu được, nhằm bù đắp cho những nâng cấp về hiệu năng, camera và mức giá cũng tốt hơn.

Video đánh giá Galaxy A7 2018

 

 

Màn hình và âm thanh

Galaxy A7 2018 dùng màn hình Super AMOLED 6 inch độ phân giải Full-HD+ (1080 x 2220 pixel), đạt mật độ điểm ảnh 411 PPI. Chất lượng tấm nền vẫn mang đầy đủ đặc trưng của màn hình Super AMOLED: độ sáng khá cao, góc nhìn rộng, độ tương phản cao và độ đen sâu, nhìn rõ ngoài trời. Màu sắc cũng hiển thị tươi tắn, đậm hơn chút so với màu trung tính trên các tấm nền IPS LCD. Tất nhiên, Samsung cũng có sự phân cấp về màn hình theo tầm giá. Tấm nền Super AMOLED trên các máy cao cấp dòng S và Note có sự khác biệt về đẳng cấp so với dòng A, trông rực rỡ và có chiều sâu hơn rõ rệt.

Màn hình của A7 2018 có thể nhìn tốt ngoài trời

Màn hình này vẫn có các chế độ màu sắc khác nhau cho các nhu cầu sử dụng như xem phim, ảnh hay cần hiển thị màu sắc chính xác (chế độ cơ bản). Samsung cũng đưa vào sản phẩm tính năng Always On Display hiển thị các thông tin cơ bản (ngày giờ, các thông báo...) ngay trên màn hình tắt màn không cần mở màn hình gây tốn pin.

 

Bên cạnh khả năng thay đổi màu thanh điều hướng và vị trí các phím điều hướng ảo, Samsung gần đây bổ sung một tính năng mới cho các màn hình dài (tỷ lệ 18,5:9 hoặc 18:9) cho phép ẩn đi các thanh điều hướng để tăng diện tích hiển thị.

Về âm thanh, Galaxy A7 2018 hỗ trợ công nghệ Dolby Atmos cho âm thanh qua tai nghe cắm dây và Bluetooth. Chất lượng âm thanh có sự cải thiện, âm lượng lớn hơn và tách bạch hơn khi bật chế độ Atmos. Chiếc loa ngoài dưới đáy máy cũng có chất âm khá tốt. Âm lượng không quá lớn nhưng không bị rè khi tăng âm lên mức cao.

Phần mềm và hiệu năng

Galaxy A7 2018 hiện chạy phần mềm Android 8.0 với giao diện Samsung Experience 9.0. Hơi khó hiểu là sản phẩm này được cài bản Android 8.0 chứ không phải là bản Android 8.1 giống như chiếc Galaxy J6+, một sản phẩm rẻ hơn ra mắt cách đây vài tuần. Có thể là Samsung muốn duy trì bộ phần mềm của A7 2018 đồng nhất với các máy dòng A gần đây như A6+ 2018 cũng dùng bản phần mềm này. Tuy vậy, bạn cũng đừng bận tâm nhiều về điều này bởi sự khác biệt giữa Android 8.0 và 8.1 thực sự là không đáng kể.

Phần mềm trên A7 2018 có đầy đủ các tính năng quen thuộc trên điện thoại Samsung như Always On Display hiện thời gian và các thông báo trên màn hình tắt, đổi theme, thư mục bảo mật (tạo không gian an toàn cho tập tin và ứng dụng, chỉ truy cập bằng mật khẩu hoặc vân tay), chia đôi màn hình (chạy hai ứng dụng song song cùng màn hình), mở khóa điện thoại bằng khuôn mặt với tốc độ nhận diện khá nhanh, ứng dụng kép Dual Messenger (cho phép sử dụng 2 ứng dụng Facebook, Messenger hay Skype... cùng lúc) và game launcher (đưa các game vào một nơi và hỗ trợ các công cụ chặn thông báo, ẩn các phím điều hướng, chụp màn hình và ghi màn hình khi chơi game). Các ứng dụng cài sẵn cũng tương tự những sản phẩm Galaxy gần đây gồm bộ ứng dụng Google, các ứng dụng văn phòng Microsoft và những ứng dụng riêng của Samsung như ứng dụng tiết kiệm data Samsung Max.

 

Về hiệu năng, Galaxy A7 2018 có cấu hình tương tự chiếc Galaxy A8+ đàn anh với vi xử lý Exynos 7885, RAM 4GB và bộ nhớ trong 64GB. Vi xử lý Exynos 7885 có 2 lõi hiệu năng cao Cortex A73 (xung nhịp 2.18GHz) và 6 lõi tiết kiệm Cortex A53 (xung nhịp 1.59GHz), một sự kết hợp theo mô hình big.Little được ứng dụng trên nhiều máy cao cấp nhưng có số nhân hiệu năng cao ít hơn. Vi xử lý đồ họa trên Exynos 7885 Mali G71MP2 với tốc độ tối đa 1.3GHz.

Trong thực tế sử dụng, máy cho tốc độ xử lý nhanh, mượt khi mở ứng dụng, tốc độ chờ để tải game hay các ứng dụng xử lý ảnh cũng nhanh. Tuy vậy, Mali G71MP2 không phải là chip đồ họa mạnh cho nhu cầu chơi game nặng. Máy đủ chơi tốt các game phổ thông như CrossFire: Legends, Liên quân Mobile nhưng các game nặng như Dead Triggers 2 hay Warhammer 40.000: Freeblade thì độ mượt mà chỉ ở mức trung bình, đạt khoảng 30-40 fps khi đo bằng app GameBench, chứ không lên mức mượt mà 50-60 fps như trên các sản phẩm cận và cao cấp.

Trên các ứng dụng đo hiệu năng, máy cũng đạt điểm số tương ứng với trải nghiệm thực tế. Có thể nói hiệu năng của chiếc A7 2018 không nổi trội nhưng cũng không thua kém phần lớn smartphone tầm trung khác.

Điểm Antutu đánh giá hiệu năng tổng thể của thiết bị

 

Điểm GeekBench đo hiệu năng xử lý đơn lõi và đa lõi của CPU

Bài test Manhattan trên ứng dụng GFXBench đo hiệu năng xử lý đồ họa của GPU ở độ phân giải thực của màn hình (onscreen) và độ phân giải mặc định Full-HD.

Thời gian pin

 

Pin của A7 2018 có dung lượng 3.300 mAh, nhỏ hơn 300 mAh so với phiên bản A7 2017 và cũng nhỏ hơn 200 mAh so với Galaxy A8+ có thông số cấu hình tương đồng. Qua một số bài test quen thuộc thì thời lượng pin của điện thoại này cũng thấp hơn chút so với các máy dòng A khác. Với hoạt động xem phim, máy có thời lượng 12 tiếng (thấp hơn gần 4 tiếng so với Galaxy A7 2017 và nửa tiếng so với Galaxy A8+. Với hoạt động chơi game và lướt web, máy chơi được lần lượt hơn 5 giờ và 7 giờ, cũng thấp hơn một 1,5 giờ so với thế hệ A7 2017 cũ.

Tuy thấp hơn so với thế hệ cũ nhưng thời gian pin của điện thoại này vẫn ở mức trung bình khá so với các điện thoại ở phân khúc tầm trung và đủ dùng trong ngày với hầu hết người dùng. Điểm đáng tiếc ở khía cạnh pin là máy không hỗ trợ sạc nhanh cũng như cổng USB Type C, chi tiết hiện có mặt trên ngày càng nhiều smartphone tầm trung.

Camera

Điểm nhấn của A7 2018 chính là camera. Đây là điện thoại Samsung đầu tiên có 3 camera sau gồm một chiếc camera chính 24MP khẩu f/1.7, chiếc camera thứ hai có góc siêu rộng 8M khẩu f/2.4 để chụp phong cảnh và chiếc thứ ba 5MP khẩu f/2.2 để hỗ trợ chụp ảnh xóa phông cùng với chiếc camera chính. Ở phía trước là chiếc camera 24MP với khẩu f/2.0 và có một đèn tùy chỉnh được các mức độ sáng khác nhau.

Về phần mềm, ứng dụng camera khá giống với các máy Samsung gần đây như Galaxy Note 9 có các chế độ chụp như chụp toàn cảnh panorama, chuyên nghiệp (Pro), làm đẹp, xóa phông (live focus), video chuyển động chậm, AR Emoji và video chuyển động nhanh Hyperlapse. Ứng dụng camera trên điện thoại này cũng có chế độ tùy chỉnh theo bối cảnh chụp giống như trên Galaxy Note 9, có thể nhận diện 19 bối cảnh khác nhau để tùy chỉnh thiết lập chụp tương ứng.

 

Chiếc camera góc siêu rộng có lẽ là điểm thú vị nhất của sản phẩm. Camera này có góc nhìn 120 độ, có thể chụp được phong cảnh rộng mà không cần đến chế độ panorama. Chiếc camera góc rộng cũng đặc biệt hữu ích khi chụp các công trình kiến trúc, dễ dàng chụp được toàn cảnh không cần phải di chuyển ra xa như với camera thông thường. Tuy nhiên, camera góc rộng cũng có nhiều hạn chế từ phần mềm. Khi chuyển sang camera này, bạn không thể chọn lấy nét (lấy nét cố định), cũng không điều chỉnh sáng được, do vậy gần như chụp góc rộng chỉ là giơ lên, ngắm bố cục và chụp.

Ở điều kiện đủ sáng, ảnh từ camera góc rộng có chất lượng ổn cả ở độ chi tiết lẫn màu sắc tổng thể. Tuy vậy, cách xử lý ảnh từ camera góc rộng cũng khác chút so với camera chính. Nhìn vào các bức ảnh phía dưới, bạn có thể dễ dàng nhận thấy có sự khác biệt về màu sắc giữa 2 camera. Camera góc rộng thường đẩy độ rực màu và độ tương phản lên cao hơn. Nếu nhìn ở kích thước nhỏ thì ảnh chụp rất ấn tượng, nhưng khi phóng to lên có thể thấy camera góc rộng bắt chi tiết kém hơn, những chi tiết nhỏ sát nhau trong ảnh thường bị bệt với nhau.

Ở điều kiện thiếu sáng, độ phân giải 8MP và khẩu mở hẹp (f/2.4) đã cho thấy sự hạn chế ở camera góc siêu rộng. Ảnh xuất hiện nhiễu và mờ nhòe hơn thấy rõ so với chiếc camera chính. Camera này cũng chỉ hỗ trợ lấy nét cố định nên khi chụp ban đêm có nhiều nguồn sáng, chúng ta không thể tự chỉnh phơi sáng để có bức ảnh hợp lý hơn như với camera chính.

Ảnh chụp từ camera chính 24MP giữ được khá nhiều chi tiết, màu sắc hơi đậm hơn thực tế một chút. Máy có tốc độ lấy nét nhanh trong điều kiện đủ sáng, còn thiếu sáng thì khá dễ bị lấy nét nhầm, thậm chí là không lấy được nét. Điểm cộng của camera chính là trong những tình huống khó như thiếu sáng, ngược sáng thì máy vẫn tái tạo màu sắc khá chuẩn, nhất là các loại đèn. Nhờ vậy, ảnh chụp đường phố có màu sắc tự nhiên chứ ít bị ám tông màu nào.

 


Ảnh chụp từ camera chính 24MP (trên) và góc rộng 8MP (dưới)

 

 

 

 


Ảnh chụp từ camera chính 24MP (trên) và góc rộng 8MP (dưới)

 

 

 

 


Ảnh chụp từ camera chính 24MP (trên) và góc rộng 8MP (dưới)

 

 

 

 


Ảnh chụp từ camera chính 24MP (trên) và góc rộng 8MP (dưới)

 

 

 

 


Ảnh chụp từ camera chính 24MP (trên) và góc rộng 8MP (dưới)

 

 

 

 


Ảnh chụp từ camera chính 24MP (trên) và góc rộng 8MP (dưới)

 

 

 

 


Ảnh chụp từ camera chính 24MP (trên) và góc rộng 8MP (dưới)

 

 

 

 


Ảnh chụp từ camera chính 24MP (trên) và góc rộng 8MP (dưới)

 

 

 

 

Với ảnh chụp xóa phông, máy có tốc độ chụp khá nhanh và cũng có thể chỉnh được mức độ xóa phông giống như nhiều điện thoại Samsung khác cùng với một số hiệu ứng Art Bokeh cho phép thay đổi các chấm tròn ở phần phông nền thành hình ngôi sao, cánh bướm... tạo thêm sự thú vị cho các bức ảnh. Ở điều kiện ánh sáng thuận lợi, phông nền của ảnh chụp được xóa trông khá tự nhiên, ít bị xóa lẹm vào chủ thể bức ảnh.





Galaxy A7 2018 có camera trước độ phân giải 24MP với khẩu mở f/2.0 tương tự camera trước trên chiếc Galaxy A8 Star. Camera trước này có nhiều tính năng, hỗ trợ ảnh chụp HDR, xóa phông, làm đẹp thông minh và chế độ chỉnh sáng Protạo ra hiệu ứng giống như có đèn chiếu vào mặt cho phép điều chỉnh hướng đánh sáng.

 

Ảnh chụp selfie ở chế độ thông thường có tốc độ nhanh, độ nét ở mức vừa phải. Chế độ làm đẹp đơn giản là chỉnh sáng, làm mịn da, nhưng mức độ làm đẹp vẫn chưa thực sự ấn tượng. Ở chế độ chụp xoá phông, máy lưu ảnh khá chậm, nhiều lúc người chụp đã thay đổi khuôn mặt hoặc quay đi thì máy mới lưu lại hình ảnh. Dù vậy máy xoá phông cũng khá chuẩn, mức độ xoá vừa phải nên ảnh vẫn tự nhiên.

Ảnh tự sướng thông thường (bên trái) và xóa phông (bên phải)

Góc chụp của ống kính camera trước cũng khá rộng, nên mặt thường bị méo, dài nếu không nằm ở trung tâm

 

Ảnh chụp với chế độ selfie góc rộng, ghép 3 bức ảnh lại với nhau thành một góc nhìn rất rộng

Tổng kết

So với các máy dòng A gần đây của Samsung như Galaxy A6+, A8+ và A8 Star, rõ ràng mức giá so với những gì sản phẩm mang lại của Galaxy A7 2018 đã trở nên hợp lý hơn nhiều. Camera góc rộng là điểm khác biệt của sản phẩm trong phần khúc tầm trung hiện nay. Chỉ riêng tính năng đó thôi đã là điểm cộng dành cho những người dùng trẻ có nhu cầu chụp ảnh khi đi du lịch. Trong khi đó, 2 camera sau còn lại cũng có chất lượng ảnh chụp thông thường và ảnh xóa phông ở mức khá.

Video đánh giá Galaxy A7 2018

 

 

Màn hình Super AMOLED có chất lượng hiển thị tốt so với các điện thoại ở phân khúc tầm trung. Thời gian pin tuy không bằng các máy dòng A khác nhưng cũng không phải là tồi. Hiệu năng của máy đã có cải thiện so với mặt bằng chung của Samsung nhưng vẫn thua kém một số sản phẩm đến từ các nhà sản xuất khác.

Nói chung, nếu bạn cần một chiếc smartphone để sử dụng thông thường hàng ngày và có ưu thế về ảnh thì đây là một lựa chọn tốt. Còn nếu bạn muốn một chiếc smartphone hiệu năng mạnh mẽ để chơi game nặng thì thị trường đang có một số lựa chọn khác như Pocophone F1.

Theo vnreview.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm