Khoa học - Công nghệ

Đẩy mạnh chuyển đổi số tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

DNVN - Ngày 18/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức hội thảo “Định hướng công tác chuyển đổi số tại Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời gian tới”.

Người Việt đầu tiên đoạt giải thưởng thiên văn quốc tế Đài Loan / Tìm giải pháp thúc đẩy công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TTXVN

Theo ông Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Liên hiệp Hội Việt Nam, Liên hiệp Hội Việt Nam đã ứng dụng nhiều công nghệ quản lý trong thời gian qua, bao gồm phần mềm kế toán, quản lý đảng viên và chữ ký số. Tuy nhiên, phần lớn công việc vẫn dựa trên văn bản giấy và chưa có hệ thống phần mềm quản lý văn bản hoàn chỉnh, khiến nhiều quy trình xử lý còn phụ thuộc thủ công. Mặc dù trang web chính thức được cập nhật thường xuyên, nhưng vẫn chưa đạt tối ưu cả về giao diện lẫn chức năng, chưa phát huy vai trò làm kênh truyền thông quan trọng.

Hệ thống thiết bị phục vụ họp trực tuyến cũng bộc lộ hạn chế, chỉ đáp ứng được các cuộc họp nội bộ quy mô nhỏ và không đảm bảo sự kết nối ổn định. Trong các hội nghị, tổ chức đã thử nghiệm việc sử dụng mã QR để cung cấp tài liệu, giúp giảm chi phí in ấn và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn rời rạc và chưa tích hợp trong một chiến lược chuyển đổi số toàn diện.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp khẳng định, chuyển đổi số chỉ đạt được thành công khi có sự cam kết và dẫn dắt mạnh mẽ từ lãnh đạo. Ông nhấn mạnh rằng các cấp lãnh đạo không chỉ cần ban hành chính sách, mà còn phải trực tiếp tham gia vào triển khai và giám sát, đồng thời chú trọng xây dựng văn hóa số để biến chuyển đổi số thành thói quen làm việc mới.

 

Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số Hoàng Hữu Hạnh đánh giá, nguồn nhân lực và dữ liệu phong phú của Liên hiệp Hội Việt Nam là tiền đề để trở thành tổ chức tiên phong trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, nhận thức chung trong hệ thống vẫn chưa cao, thiếu sự đồng thuận và chiến lược bài bản, trong khi hạ tầng công nghệ lại chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để giải quyết vấn đề này, Liên hiệp Hội Việt Nam cần sớm hoàn thiện đề án chuyển đổi số tổng thể cho giai đoạn 2025–2030, tập trung vào số hóa dữ liệu, nâng cấp hạ tầng công nghệ và triển khai các chương trình đào tạo cán bộ. Một chiến lược hiệu quả không chỉ nâng cao hiệu suất hoạt động, mà còn góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của toàn bộ hệ thống khoa học và công nghệ trên cả nước.


Linh Chi (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm