Điều gì giúp Đà Nẵng bứt phá xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2025?
Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng kỷ niệm 5 năm thành lập / Đà Nẵng: Hơn 160 cơ sở ký cam kết kinh doanh sữa đúng quy định pháp luật
Như tin đã đưa, ngày 20/5, tại hội thảo trực tuyến ra mắt “Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp (HSTKN) toàn cầu năm 2025”, Trung tâm Nghiên cứu và lập bản đồ HSTKN toàn cầu StartupBlink (trụ sở chính tại Singapore) đã công bố TP Đà Nẵng tăng 130 bậc trên bản xếp hạng chỉ số HSTKN toàn cầu 2025, từ vị trí thứ 896 lên 766.

TS Lê Đức Viên - Giám đốc Sở KHCN Đà Nẵng tặng hoa chúc mừng các tập thể, cá nhận được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tặng Bằng khen nhân Ngày KHCN Việt Nam 18/5.
Doanh nghiệp Việt Nam đã trao đổi với TS Lê Đức Viên – Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ (KHCN) Đà Nẵng xoay quanh sự kiện này.
Thưa ông, ông có thể cho biết tầm nhìn và chiến lược phát triển HSTKN của Đà Nẵng?
TS Lê Đức Viên: Việc Đà Nẵng thăng hạng ấn tượng trên bảng xếp hạng chỉ số HSTKN toàn cầu 2025 là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của chính quyền TP và cộng đồng khởi nghiệp trong việc xây dựng môi trường đổi mới sáng tạo (ĐMST) bền vững, từ tầm nhìn và các chiến lược phát triển đến các chính sách hỗ trợ vượt trội, các hoạt động đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ…
Với mục tiêu năm 2045 trở thành trung tâm khởi nghiệp và ĐMST hàng đầu khu vực châu Á, Đà Nẵng định hướng phát triển HSTKN đồng bộ, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ tiên phong như trí tuệ nhân tạo (AI), vi mạch bán dẫn, công nghệ chuỗi khối (Blockchain), điện toán đám mây (Cloud computing), máy tính lượng tử, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học…
TP không chỉ kết nối chặt chẽ với mạng lưới khởi nghiệp quốc gia mà còn mở rộng hợp tác quốc tế, hướng tới trở thành trung tâm kinh tế - công nghệ của miền Trung, Trung tâm khởi nghiệp ĐMST quốc gia tại Đà Nẵng. Vị trí địa lý chiến lược, hạ tầng giao thông hiện đại đã tạo thuận lợi cho Đà Nẵng thu hút các startup và nhà đầu tư. Sắp tới, việc sáp nhập với Quảng Nam sẽ mở rộng diện tích TP lên gần 12.000 km² với dân số hơn 3 triệu người, mang lại nguồn tài nguyên phong phú và môi trường sống lý tưởng cho khởi nghiệp.
Đà Nẵng đã ban hành những chính sách hỗ trợ và đầu tư cơ sở hạ tầng như thế nào để làm bệ phóng cho HSTKN?
TS Lê Đức Viên: Thời gian qua Đà Nẵng đã ban hành gần 30 chính sách hỗ trợ KHCN và khởi nghiệp ĐMST, trong đó có các chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá và chưa từng có tiền lệ. Điển hình như chính sách về thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới; miễn thuế cho các hoạt động khởi nghiệp ĐMST, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; hỗ trợ sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng KHCN; hỗ trợ không hoàn lại từ ngân sách nhà nước để phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ tài sản kết cấu hạ tầng thông tin để phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI.
Bên cạnh đó, TP có các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, chính sách khen thưởng, động viên, khuyến khích tôn vinh các nhà khoa học, tổ chức cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động KHCN, khởi nghiệp sáng tạo…
Ngoài ra, TP đầu tư mạnh cho hạ tầng khởi nghiệp. Không gian khởi nghiệp ĐMST Đà Nẵng với kinh phí khoảng 500 tỷ đồng đóng vai trò trung tâm kết nối và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. Công viên Phần mềm số 2 với diện tích sàn hơn 92.000 m² được thiết kế để phục vụ 6.000 nhân lực, tập trung vào các ngành công nghiệp bán dẫn và AI. Hạ tầng số hiện đại với cáp quang biển quốc tế APG và SEMEWE 3; hạ tầng CNTT truyền thông đạt tiêu chuẩn quốc tế, gồm mạng đô thị TP (MAN); trung tâm dữ liệu (Data Centre); hệ thống kết nối không dây (Wi-Fi) trên toàn TP.
Triển vọng tương lai của HSTKN Đà Nẵng như thế nào, thưa ông?
TS Lê Đức Viên: HSTKN Đà Nẵng ngày càng đa dạng và năng động với hơn 50 sự kiện lớn nhỏ mỗi năm, như SURF, DAVAS, Hackathon, Startup Runway… thu hút hàng ngàn người tham gia từ trong và ngoài nước. Các không gian làm việc chung, vườn ươm và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp mọc lên không ngừng, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nhân trẻ phát triển.
Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một điểm mạnh. Với 18 trường đại học, 15 trường cao đẳng và hàng trăm cơ sở đào tạo, mỗi năm Đà Nẵng đào tạo hơn 100.000 sinh viên. Đội ngũ hơn 250 giáo sư, phó giáo sư cùng các chuyên gia nghiên cứu là nền tảng vững chắc cho ĐMST.
Với tầm nhìn chiến lược, hệ thống hỗ trợ vững chắc và hệ sinh thái năng động, Đà Nẵng ngày càng củng cố vị thế trên bản đồ khởi nghiệp toàn cầu. Các hoạt động kết nối quốc tế và tập trung vào phát triển các công nghệ mới sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển, đưa TP tiến xa hơn trong tương lai.
Sự thăng hạng trong bảng xếp hạng chỉ số HSTKN toàn cầu 2025 không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để Đà Nẵng tiếp tục vươn lên, khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực ĐMST tại Việt Nam và khu vực. Việc có mặt và tăng hạng mạnh mẽ trên bản đồ HSTKN toàn cầu là cơ hội để các quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp quốc tế đến với Đà Nẵng. Mục tiêu sắp tới của Đà Nẵng là phấn đấu vào Top 500 của HSTKN toàn cầu.
Xin cám ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất

Bảo vệ dữ liệu cá nhân trước tình trạng lừa đảo qua mạng gia tăng
Điều gì giúp Đà Nẵng bứt phá xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2025?
Gỡ khó trong quản trị bền vững nhờ công nghệ AI
Nghị quyết 57: 'Cởi trói' thể chế, mở ra không gian sáng tạo
AI - ‘trợ thủ’ giúp ngân hàng thực thi hiệu quả chiến lược ESG