Khoa học - Công nghệ

Doanh nghiệp phải chủ động từ sớm trong làm chủ công nghệ lõi

DNVN - Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, doanh nghiệp cần phải hành động từ sớm, từ xa.

Công nghệ mới hứa hẹn tạo ra nhiên liệu diesel sinh học nhiều điểm ưu việt / Cận cảnh công nghệ bắn pháo hoa tầm cao mới của nhà máy Z121

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc làm chủ các công nghệ lõi của Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), NFT, học máy (Machine Learning) được xem là nền tảng quan trọng để Việt Nam có thể “cất cánh” vươn lên, phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xã hội số...

Xu hướng khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và CMCN 4.0 đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. KHCN, ĐMST ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.

Hiện nay, công nghệ số và các doanh nghiệp công nghệ số được xác định là cốt lõi của mọi mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững. Thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số làm thay đổi phương thức quản lý Nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.

Công nghệ số và các doanh nghiệp công nghệ số được xác định là cốt lõi của mọi mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong bối cảnh mới. Cuộc sống con người, thói quen tiêu dùng, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang thay đổi nhanh chóng theo hướng số hóa các hoạt động, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi và thích ứng. Trong khi, doanh nghiệp Việt còn rất nhiều hạn chế về quy mô, năng lực, trình độ quản trị.

Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới đặt mục tiêu: phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt. Có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương mà cả các doanh nghiệp cũng cần phải hành động từ sớm, từ xa. Có như vậy mới có thể vượt qua thách thức, chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững tạo ra những giá trị mới.

Cụ thể, Chính phủ cần tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch. Bãi bỏ các rào cản, quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý. Tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh phù hơp với những qui định và cam kết quốc tế.

Đồng thời, nghiên cứu các chính sách khuyến khích đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu, đại học. Kết nối giữa người mua và bán, sản xuất và tiêu dùng để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Nghiên cứu và thực hiện cơ chế thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, sớm đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.

Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp để kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng. Đa dạng hóa đối tác và giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm