Đưa Đà Nẵng trở thành 'thung lũng Silicon' tại Việt Nam
Ngày 13/6, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã đến thăm và làm việc tại khu công nghệ thông tin tập trung (CNTTTT) của Tập đoàn FPT tại Đà Nẵng.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đánh giá cao định hướng phát triển của FPT trong việc đón đầu xu hướng khoa học công nghệ trên thế giới, đồng thời những đóng góp của tập đoàn đối với mục tiêu phát triển đất nước.
“FPT là một trong những đơn vị sáng tạo đi đầu, tiên phong trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới tại Việt Nam. Tập đoàn đã tiên phong trong việc đặt nền móng, lan tỏa hiện thực cách mạng 4.0 mà đỉnh cao là trí tuệ nhân tạo cho Việt Nam, tại Việt Nam. Đồng thời, tập đoàn đã tạo ra việc làm, các công việc có thu nhập cao và đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam”, Ủy viên Bộ Chính trị Phan Đình Trạc nhận xét.
Tại Đà Nẵng, FPT đang hiện thực hóa mục tiêu đưa thành phố này trở thành trung tâm nguồn lực số toàn cầu. Khu phức hợp văn phòng FPT (FPT Complex) đã được Chính phủ công nhận là khu CNTT trung tâm trong năm 2023. Cùng với đó, tòa nhà FPT Complex dự kiến sẽ hoàn thiện giai đoạn 3 và sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 6 này.
“FPT Complex đang phấn đấu mức tăng trưởng về nhân sự đạt 30%, tương đương tuyển thêm 2.000 người để cuối năm 2024, tổng số CBNV sẽ ước tính khoảng 7.500”, ông Nguyễn Tuấn Phương, Chủ tịch FPT Software Đà Nẵng chia sẻ. Ngoài ra, ông Phương cũng hé lộ thêm về việc khởi công xây dựng dự án FPT Innovation Center (FIC) nhằm tiếp tục mở rộng và tăng cường sự đầu tư tại địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Là nhà đầu tư chiến lược tại Đà Nẵng, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT kiêm Tổng Giám đốc FPT Software khẳng định: “FPT sẽ đồng hành với Đà Nẵng thúc đẩy sự phát triển thành phố, thông qua việc tiếp tục đón dầu và dẫn dắt xu hướng công nghệ, góp phần giúp TP hiện thực hóa chiến lược phát triển. Bên cạnh đó, mảng vi mạch bán dẫn - 1 trong những công nghệ trụ cột của tập đoàn cũng là mảng mà FPT mong muốn hợp tác với Đà Nẵng. Cụ thể, chúng tôi mong muốn hợp tác trong quy hoạch nhân sự, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn và đưa thành phố trở thành “thung lũng Silicon” tại Việt Nam. Theo đó, FPT kiên định với mục tiêu xây dựng 10.000 nhân sự về vi mạch bán dẫn vào năm 2030, sau đó có thể lên tới 20.000 - 30.000 người mỗi năm”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao tại Đà Nẵng, cuối năm 2023, số người học tại Tổ chức giáo dục FPT tại Đà Nẵng là 17.500 học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, FPT còn có văn phòng của Trung tâm Trao đổi sinh viên quốc tế (FPT Edu Global) và Trung tâm Đào tạo và Xuất khẩu nhân lực Vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng, hướng đến việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố.
Năm 2023, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch về phát triển công nghiệp CNTT trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố, với tối thiểu 8.950 doanh nghiệp và 115.000 nhân lực thuộc mảng này. Trong đó, sản xuất vi mạch được xác định là trọng tâm ưu tiên phát triển.
Bên cạnh quyết tâm phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, đại diện FPT còn đề cập đến bốn mảng công nghệ quan trọng khác như trí tuệ nhân tạo, xe điện, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. FPT đang có những chương trình hợp tác, đầu tư chiến lược trong các mảng này và có những kết quả đột phá.
Với mảng trí tuệ nhân tạo, FPT đang hợp tác với các tên tuổi hàng đầu thế giới như NVIDIA, Viện nghiên cứu AI Mila và Landing AI... Về mảng xe điện, FPT hiện đang có tới 4.000 kỹ sư và chuyên gia trong lĩnh vực phần mềm ô tô, mạng lưới hơn 150 khách hàng là các hãng tên tuổi trên thế giới như Honda, Hyundai, Volvo, VinFast, Ford, Yazaki, LG, Panasonic, NXP.
Về mảng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, FPT đang phát triển song hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động thiết thực, như tư vấn lộ trình chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, hợp tác với USAID nhằm hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh và đặt mục tiêu đạt Net Zero vào 2040…
End of content
Không có tin nào tiếp theo