Hà Nội: Mục tiêu "ngừng đốt rơm rạ" khá phức tạp và chưa thành hiện thực
DNVN - Ở nhiều nơi, mục tiêu chấm dứt việc đốt rơm rạ sau mỗi mùa thu hoạch vẫn chưa thành công dưới nhiều góc độ - từ khoa học, kỹ thuật cho đến cộng đồng và tổ chức chuỗi sản xuất rơm rạ. Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ. Mục tiêu từ đầu năm 2021 Hà Nội trở thành “thành phố không đốt rơm rạ” vẫn chưa trở thành hiện thực dù đầy quyết tâm.
Sáng 21/6, cả nước có 47 ca mắc COVID-19 mới / Chính phủ luôn đánh giá cao, lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với báo chí
Ngày 18/9/2020, Thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ. Chỉ thị nhấn mạnh: Từ ngày 1/1/2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và rác thải khác không đúng quy định trên địa bàn thành phố. Do đó, các quận huyện đã ra các văn bản, kế hoạch liên quan để giảm thiểu tối đa tình trạng đốt rơm rạ.
Với mục đích chung tay đưa Chỉ thị 15 vào cuộc sống, từ tháng 5/2020, Chi Cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) đã thực hiện một loạt các hoạt động hỗ trợ các quận, huyện tham vấn, xây dựng và triển khai Chỉ thị 15, xây dựng tài liệu tập huấn, đồng thúc đẩy kế hoạch và hỗ trợ triển khai các buổi tập huấn chuyên môn, chia sẻ thông tin về vụ mùa tại cấp thành phố và 6 huyện ngoại thành Hà Nội, thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện giải pháp kỹ thuật hạn chế đốt rơm rạ, trao đổi thông tin và kết nối với mạng lưới các doanh nghiệp về giải pháp xử lý rơm rạ...
Khói lớn từ đám cháy rơm rạ giữa đồng tại huyện Chương Mỹ ngày 6/6/2021. (Ảnh: Live and Learn)
Theo đó, vụ Đông Xuân 2021, đã có ít nhất 6 huyện ngoại thành (Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Ba Vì) với hơn 1.000 ha cánh đồng áp dụng các giải pháp xử lý rơm rạ thay thế việc đốt. Cụ thể, nhiều mô hình nhỏ hay sáng kiến địa phương đã được khuyến khích triển khai như Hội phụ nữ Sóc Sơn xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ, Hội Nông dân Đan Phượng triển khai phân rắc chế phẩm sinh học, Hội Nông dân Ba Vì thu cuốn rơm làm thức ăn cho gia súc, Hội Phụ nữ Đông Anh dùng rơm làm mái nhà giáo xứ, thu rơm hỗ trợ nuôi ao cá tại Mỹ Đức...
Tuy nhiên, số lượng các huyện ngoại thành Hà Nội nói "không" với đốt rơm rạ còn quá ít ỏi. Thực tế, vào những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6 - thời điểm nông dân Hà Nội đang thu hoạch vụ Đông Xuân - vụ lúa chính trong năm, dọc một số tuyến đường thuộc quốc lộ 32 hay các khu vực tập trung sản xuất lúa tại Chương Mỹ, Thanh Oai... vẫn xuất hiện tình trạng nhiều nông dân đốt rơm rạ ngay tại ruộng để nhanh chóng chuẩn bị cho vụ tiếp theo.
Đánh giá thực trạng này, giới chuyên gia cho rằng, tưởng chừng là việc rất đơn giản khi người dân chỉ cần ngừng châm lửa đốt sau mỗi mùa thu hoạch là xong, nhưng việc đốt rơm rạ vẫn tái diễn năm này qua năm khác sau những mùa thu hoạch.
Trên thực tế, câu chuyện ngừng đốt rơm rạ phức tạp hơn người ta tưởng bởi những giải pháp đưa ra không phải lúc nào cũng thu được kết quả như mong đợi. Ví dụ, để thu gần 400 nghìn tấn rơm của Hà Nội, chuyển thành đầu vào quý giá của chuỗi sản xuất khác lại không đơn giản. Giải pháp để rơm rạ tại ruộng, làm giàu đất cho vụ mùa sau không khéo sẽ lại gây “ngộ độc” cho đất, nếu xử lý không đúng quy trình và liều lượng... Đằng sau mỗi giải pháp là sự hội tụ của rất nhiều yếu tố, từ yếu tố thuần túy kỹ thuật như chế phẩm xử lý rơm rạ thành nấm rơm hoặc phân hữu cơ, tính chất đất... đến những yếu tố liên quan trực tiếp đến con người như thói quen canh tác, khả năng tổ chức sản xuất.
Trong khi đó, bà Nguyễn Minh Quyên - Cán bộ phát triển Trung tâm Sống, học tập vì môi trường và cộng đồng (Live and Learn) lại nhấn mạnh đến cách thức quản lý dẫn đến kết quả chưa được như mong đợi.
"Các đơn vị quản lý rất chồng chéo, dẫn đến việc không có đơn vị chịu trách nhiệm. Để giải quyết đầu vào cho chuỗi sản xuất hoặc mở cửa một cơ hội mới đến với địa phương thì rất cần đơn vị quản lý mở cửa để cùng lắng nghe và chia sẻ. Để thực sự thị trường mở cửa và đem lại lợi ích hơn từ việc thu rơm, hay sản xuất phân bón hữu cơ thì thiết nghĩ cần sự chung tay nhiều hơn nữa từ các cơ quan quản lý để Chỉ thị 15 thực sự đi vào cuộc sống", bà Quyên nói.
Ngoài ra, bà Quyên đề xuất tìm nguồn thu mua rơm rạ cho bà con nông dân, hỗ trợ kinh phí ban đầu và hướng dẫn kỹ thuật xử lý rơm rạ. Ngoài ra, cần cải thiện hệ thống tươi tiêu bơm nước vào cộng đồng. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con để hoạt động đốt rơm rạ sớm được chấm dứt hoàn toàn.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Việt Nam - Czech thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới
Chủ tịch FPT: Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi trong lĩnh vực khoa học công nghệ
Đầu tư công nghệ cao để Việt Nam 'cất cánh'
Nghị quyết 57 tạo cú hích cho đầu tư nghiên cứu và phát triển
Cột tin quảng cáo