Khoa học - Công nghệ

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo: Thúc đẩy kết nối chuyên gia, trí thức kiều bào

DNVN - Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, sự ra đời của “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo (ĐMST) và thương mại hóa công nghệ” sẽ giúp thúc đẩy kết nối trí tuệ của lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt tại nước ngoài. Bên cạnh đó là thúc đẩy ĐMST, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thúc đẩy kết nối chuyên gia, trí thức kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước / Đang diễn ra chuỗi hội thảo “Đổi mới sáng tạo mở” tại TECHFEST 2021

Phát huy nguồn lực

Hệ sinh thái ĐMST ở Việt Nam đã và đang được hình thành và phát triển một cách mạnh mẽ. Ngày 16/7, Bộ Ngoại giao đã ký Thỏa thuận hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Thỏa thuận hợp tác này nhằm huy động, tập hợp nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, hình thành Mạng lưới hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ chuyên gia, trí thức và doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam.

Với việc thành lập Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào ở nước ta sẽ góp phần thúc đẩy liên kết giữa cộng đồng trí thức kiều bào với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước. Thông qua Mạng lưới này, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể phát huy nguồn lực cũng như lắng nghe phản hồi từ kiều bào về những vướng mắc khi tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Tại Hội thảo "Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia" và ra mắt "Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa công nghệ", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng cho rằng, đại dịch đã tạo áp lực lên tất cả các quốc gia về việc thay đổi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), thực hiện chuyển đổi số. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng.

Do vậy, từ các tập đoàn lớn, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đều phải có điều chỉnh trong phương thức vận hành, ứng dụng KHCN trong quản lý, điều hành, sản xuất, tương tác, điều chỉnh mô hình kinh doanh theo hướng thích ứng, linh động hơn với bối cảnh. Ngay cả các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội cũng phải có những giải pháp ứng dụng KHCN để bảo đảm công việc, hoạt động của tổ chức.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, sự ra đời của “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ” sẽ giúp thúc đẩy kết nối trí tuệ của lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt tại nước ngoài, tối ưu hóa nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cơ hội cho Việt Nam

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong nước vẫn có bước phát triển mạnh mẽ. Việt Nam hiện có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, có 2 doanh nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD và 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD.

 

Trong năm 2021, các doanh nghiệp này đã nhận được tổng số tiền đầu tư hơn 1 tỷ USD tập trung ở các lĩnh vực tài chính, sức khỏe và giáo dục.... Cả nước hiện có 208 quỹ đầu tư đang hoạt động, 108 tổ chức đầu tư kinh doanh, cơ sở ươm tạo, 138 trường đại học, cao đẳng có tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Trên 30 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước đã tham gia hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp.

Từ đó, ông Quất đề xuất, để thu hút các nguồn lực xã hội, chúng ta có thể tổ chức mô hình mạng lưới quốc gia theo hình thức “mạng lưới của mạng lưới”, mạng lưới hình thành tự nhiên trong thị trường và kết nối lại dưới sự chỉ đạo của ban điều phối.

Các diễn giả tham gia sự kiện.

Các diễn giả tham gia sự kiện.

Ông Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Lần này là cơ hội cho Việt Nam có quyền bình đẳng tham gia tích cực cùng với thế giới và thụ hưởng thành quả từ nó.

 

“Chưa bao giờ như hiện nay, khoa học công nghệ Việt Nam cần có được nguồn nhân lực chất lượng cao - một yếu tố quyết định cho việc thành bại trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”, ông Thảo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam được đánh giá là đang từng bước được hình thành và phát triển. Sự ủng hộ và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức trong và ngoài nước là tín hiệu đáng mừng tạo niềm hứng khởi đối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của chúng ta.

Từ đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn được thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ, thiết thực với các nhà khoa học, trí thức, chuyên gia, doanh nghiệp, doanh nhân người Việt ở khắp mọi nơi trong thời gian tới.

Hoàn thiện thể chế

Theo bà Dương Hồng Anh, Đại diện Văn phòng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Việt Nam tại nước ngoài, mạng lưới chuyên gia kiều bào đóng vai trò quan trọng trong công tác hỗ trợ và chuyển giao, đổi mới công nghệ, tập trung vào thu nhận các thông tin tiến bộ kỹ thuật, làm cầu nối cho các dự án khoa học công nghệ trong nước, thực hiện kết nối đầu tư, chuyển giao công nghệ của các tổ chức khoa học trong nước và các tổ chức quốc tế.

 

“Hiện nay, hành lang pháp lý về KHCN của Việt Nam đang được hoàn thiện đã tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu ĐMST. Tư duy quản lý KHCN đổi mới theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hệ thống sáng tạo quốc gia, trao quyền tự chủ cho các Viện nghiên cứu, Trường đại học. Qua đó sẽ cạnh tranh lành mạnh trong tuyển chọn, thúc đẩy ĐMST và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là chính sách thu hút trọng dụng người tài và trí thức kiều bào”, bà Dương Hồng Anh chia sẻ.

Việt Nam đang hướng tới xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái ĐMST quốc gia, kết nối tri thức trong và ngoài nước, làm cầu nối cho các chuyên gia, các nhà khoa học Việt Nam trên toàn cầu cùng tham gia chung tay giải quyết các vấn đề khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội… mang lại lợi ích quốc gia.

GS. TS Lê Bảo Long- Chủ tịch mạng lưới chuyên gia công nghệ và phát triển kinh tế người Việt Nam tại Canada cho rằng, để việc kết nối đạt hiệu quả, bước đầu tiên cần xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu cụ thể của các doanh nghiệp startup trong nước, sau đó đại diện ở nước ngoài sẽ tìm cách kết nối đến các chuyên gia phù hợp nhất.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng chia sẻ, thời gian đầu của Mạng lưới có 2 định hướng chính. Thứ nhất, thông tin về hệ sinh thái ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam sẽ được truyền tải một cách đầy đủ, liên tục và cập nhật nhất đến cộng đồng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Thứ hai, ở chiều ngược lại, thông tin về các thế mạnh của chuyên gia, trí thức kiều bào cũng sẽ được tập hợp và công bố để hướng tới các hoạt động liên kết tiềm năng.

“Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa công nghệ" sẽ giúp thúc đẩy kết nối trí tuệ của lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, đặt nền móng cho việc hoàn thiện cơ chế hoạt động của Mạng lưới hỗ trợ ĐMST và thương mại hóa công nghệ, từ đó hướng Hệ sinh thái ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam vươn tầm thế giới”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng tin tưởng.

 

Cả nước hiện có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, có 2 doanh nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD và 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.
Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm